Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội
1. Mục tiêu, vị trí của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn
Mục tiêu tổng quát và lâu dài của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là: Xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý. Quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại.
Có thể thấy, CNH, HĐH được coi là một quy luật có tính phổ biến trong phát triển của tất cả các quốc gia. Còn CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một bộ phận hợp thành của quá trình CNH, HĐH đất nước. Quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nằm trong tổng thể quá trình CNH, HĐH đất nước, song vị trí đặc biệt quan trọng, tầm ảnh hưởng sâu rộng cả về kinh tế và xã hội, cũng như những đặc thù của khu vực nông nghiệp, nông thôn đã tạo nên những nét đặc thù về mục tiêu, nội dung, con đường, bước đi và các giải pháp thực hiện quá trình này, bởi thành công ở khu vực này có tác động tạo nền tảng và thúc đẩy nhanh, có hiệu quả và bền vững tiến trình CNH, HĐH đất nước; ngược lại, sự trục trặc trong khu vực này chắc chắn sẽ gây nên những tác động tiêu cực khôn lường cả về kinh tế, chính trị và xã hội.
Với vị trí trọng yếu trong tiến trình CNH, HĐH đất nước, việc xác định đúng mục tiêu, vị trí và các giải pháp thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn không chỉ có ý nghĩa với việc tạo sự chuyển biến về chất các mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, mà còn có ý nghĩa chung với toàn bộ sự phát triển của đất nước.
CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở nước ta phải bảo đảm những yêu cầu cơ bản:thực hiện gắn với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; gắn phát triển lực lượng sản xuất với củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới;
2. Thực trạng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn huyện Chương Mỹ - Hà Nội hiện nay
2.1. Thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin
- Thực hiện cơ giới hóa, chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng sản xuất hữu cơ; ứng dụng công nghệ sinh học; ứng dụng giống chất lượng cao; xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo quy hoạch
Đến nay trên toàn huyện, tỷ lệ cơ giới hóa làm đất và thu hoạch đạt gần 100% diện tích.
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Chương Mỹ đã tập trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào khâu giống và công nghệ sản xuất. Từ năm 2009 - 2019, bộ giống lúa của huyện đã được cải tạo cơ bản với 60% giống lúa chất lượng cao, trong đó việc ứng dụng dòng lúa Japonica với 3 giống chủ lực J01, J02, VAT16 với diện tích chiếm 25% diện tích lúa trong toàn huyện đã tạo bước đột phá về chất lượng, giá trị, hướng tới xuất khẩu.
Tích cực áp dụng KH – CN trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đã từng bước nâng cao chất lượng giống lúa, cơ cấu giống lúa trên địa bàn huyện từ cấp 1 đến nguyên chủng bảo đảm độ thuần cao và dần đưa nhanh một số giống mới cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, tạo thương hiệu cho sản phẩm. Hiện nay, huyện đang triển khai trên diện tích 220 ha mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất, chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và Mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Năm 2023, lúa năng suất cao 1.640,3 ha chiếm 10,9%; lúa chất lượng cao và nếp 11.465,4 ha chiếm 76,3%. Như vậy cơ cấu giống lúa đã thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ diện tích giống cho hiệu quả kinh tế cao làm tăng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác. Năng suất lúa ước đạt 61,8 tạ/ha, bằng 98,9% so cùng kỳ.
Về công nghệ sản xuất, huyện Chương Mỹ đã tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa; phát triển hệ thống nhà lưới, nhà màng gắn với hệ thống tưới tiết kiệm. Đến nay đã phát triển được 7,5 ha diện tích nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất rau, hoa, quả tại thị trấn Chúc Sơn, thị trấn Xuân Mai, xã Thụy Hương, xã Hợp Đồng và xã Trần Phú.
Huyện phát triển các vùng chuyên canh về cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc ứng dụng KH -CN đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người trồng hoa. Cụ thể: sử dụng hệ thống làm lạnh tại chỗ kết hợp chuyển giao quy trình công nghệ kích thích hoa lan ra mầm, điều khiển hoa nở theo ý muốn; xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới, mô hình bảo quản hoa công suất 5.000 cành/lần, kỹ thuật xử lý củ hoa ly, hoa loa kèn giống… Ngay từ năm 2010, trong mùa thu hoạch đầu tiên, có HTX đã thu hoạch được 30 nghìn chậu hoa lan hồ điệp, 30 nghìn cây hoa ly, hoa đồng tiền; doanh thu đạt hơn 1,85 tỷ đồng; lợi nhuận 1,3 tỷ đồng, trong đó gần 750 triệu đồng chia cho xã viên theo tỷ lệ góp vốn, số tiền còn lại được đầu tư mở rộng sản xuất. Năm 2011, HTX này mở rộng diện tích trồng hoa ly, phát triển thêm các loại hoa loa kèn tứ quý, đào mãn thiên hồng... doanh thu đạt 2,2 tỷ đồng. Đến nay, giống hoa lan rừng, lan hồ điệp nuôi cấy mô đã phát triển mạnh tại địa bàn huyện, giá trị đạt trên 10 tỷ đồng/ha.
Diện tích cây lâu năm là 2.026ha (trong đó có 1.413ha trồng tập trung) tăng 7,8ha so với năm 2022.
Chương trình phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung của huyện Chương Mỹ từ chỗ chưa hình thành đến nay đã phát triển được vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng bưởi Chương Mỹ , vùng chăn nuôi trên diện tích lớn và hình thành các trang trại quy mô lớn. Trong các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung đã từng bước triển khai các dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Chương Mỹ đã chuyển từ thụ tinh lợn, bò trực tiếp sang thụ tinh nhân tạo với nhiều giống lợn, giống bò chất lượng cao như giống bò BBB đã chiếm 47% tổng đàn bò của huyện, trên 90% đàn lợn ngoại đã tăng sản lượng và chất lượng thịt, tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2023, trên địa bàn huyện có 583 trang trại chăn nuôi, bằng 100% so với năm 2022; các trang trại chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động, hạn chế dịch bệnh và tăng năng suất chăn nuôi lên 2 lần…
Các chương trình, mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đạt được kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của huyện, theo hướng quy mô lớn, tăng giá trị và bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước HĐH nền nông nghiệp của huyện và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tích cực đó là tăng tỷ trọng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
- Phát triển các loại hình tổ chức sản xuất – kinh doanh; phát triển hình thức liên kết chuỗi giá trị; sản xuất theo mô hình khép kín;
Toàn huyện có 84 HTX và hàng chục doanh nghiệp có đăng ký hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, 596 trang trại gồm 583 trang trại chăn nuôi; 4 trang trại thủy sản và 3 trang trại tổng hợp (tăng 37 trang trại so với 2020).
Huyện đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, đã hình thành một số mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực như rau, gạo và sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao tỷ trọng ngành nông nghiệp. Diện tích cây hàng năm đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng: 39ha rau VietGAP, Global GAP; 110ha lúa VietGAP; 96 ha lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và Việt Nam.
Phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Điển hình là các trang trại tổng hợp VAC; mô hình lúa – cá; sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi để tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng; rơm rạ được thu gom để làm thức ăn chăn nuôi, che phủ, sản xuất nấm ăn; gốc rạ được cày vùi để trả lại dinh dưỡng cho đất... Hình thành mô hình trang trại chăn nuôi liên kết với các trang trại chăn nuôi vệ tinh áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín và kiểm soát chặt chẽ, trang thiết bị theo tiêu chuẩn hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Chương Mỹ đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đồng bộ với ứng dụng giống mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, huyện đã khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin ở những khâu sản xuất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động hoặc những khâu có thể thay thế cho nhiều lao động. Các HTX, chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng công nghệ imetos và phần mềm cảnh báo thời tiết, sâu bệnh; lắp đặt hệ thống camera giám sát đồng ruộng nhằm tăng hiệu quả quản lý, minh bạch sản phẩm và giảm chi phí; ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử tại 16 HTX, trang trại với hàng trăm dòng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Sử dụng mô hình ứng dụng máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật; Hệ thống điều khiển nhiệt độ tự động trong sản xuất hoa lan hồ điệp; Trong chăn nuôi áp dụng hệ thống làm mát tự động, máng ăn tự động, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, nhiều nông dân, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn sử dụng internet để tìm hiểu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao và quan tâm tới thương mại điện tử, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
2.2. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Quán triệt quan điểm của Đảng và chủ trương của Nhà nước, huyện thực hiện CNH, HĐH nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, nhờ thực hiện CNH, HĐH gắn với xây dựng nông thôn mới, kinh tế các năm của huyện liên tục phát triển, ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,9%. Cơ cấu kinh tế đến hết năm 2022 chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Nếu năm 2010, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 11,3 triệu đồng/người thì đến năm 2022 tăng lên 68,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,27%. Cùng với đó, hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật được quan tâm xây dựng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng lên.
Năm 2023, tuy còn nhiều khó khăn nhưng tổng giá trị sản xuất của huyện Chương Mỹ thực hiện khoảng 34.682 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị ngành nông nghiệp thực hiện 5.078 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch, tăng 6,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp chiếm 57,1%, dịch vụ 28,5%, nông nghiệp 14,4%. Ngành nông nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, tính đến hết năm 2023, tỷ trọng ngành chăn nuôi là 69%, trồng trọt là 31%.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2023 ước đạt 74 triệu đồng/người/năm.
2.3. Một số hạn chế trong quá trình thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn huyện Chương Mỹ
Thứ nhất, về chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn.
Huyện rất quan tâm đến giáo dục, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nhằm vừa nâng cao trình độ để ứng dụng được thành tựu khoa học – công nghệ vào phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng thời vừa tạo sinh kế mới cho lao động nông thôn, từ đó tạo nguồn nhân lực có nghề cho chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Toàn huyện có 35 làng nghề, gồm: 27 làng nghề sản xuất mây tre đan, 4 làng nghề mộc, 01 làng nghề sản xuất nón lá, 01 làng nghề điều khắc đá, 01 làng nghề chế biến nông sản và 01 làng nghề thêu. Năm 2023, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội gia hạn Nhãn hiệu tập thể; xây dựng và phát triển thương hiệu Mây tre đan Phú Nghĩa; tuyên truyền, vận động các hiệp hội làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các chương trình, cuộc thi như: Hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2023; không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội trong khuôn khổ chương trình Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.
Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu lao động rất chậm. Nguyên nhân những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ nông nghiệp; ngành dịch vụ phục vụ nông nghiệp và các hộ có nghề trong các làng nghề quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, hạn chế thị trường nên chưa đủ mạnh để hút lao động từ nông nghiệp sang.
Thứ hai, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, nhiều công trình đã xuống cấp, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Việc phát triển nghề và làng nghề phân tán, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Việc hỗ trợ phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.
Thứ ba, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số ở huyện Chương Mỹ vẫn còn gặp không ít khó khăn. Các mô hình chỉ mới ở mức quy mô nhỏ, tỷ lệ ứng dụng đại trà công nghệ số còn nhiều hạn chế và hầu hết dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần... Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ, trình độ công nghệ thông tin của nông dân còn thấp...
Thứ tư, công nghiệp chế biến chưa phát triển thành các cụm gắn với vùng nguyên liệu, và có giá trị gia tăng thấp. Đi kèm với đó, những yếu kém của hệ thống kho tàng, bốc dỡ, vận chuyển, thanh toán… làm cho giá thành của sản xuất cao, hao hụt nhiều, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cạnh tranh của nông sản.
3. Một số giải pháp giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Thứ nhất, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học phải được coi là hướng ưu tiên trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn huyện Chương Mỹ. Chuyển giao khoa học – công nghệ tới những người sản xuất trực tiếp là quá trình hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ, bảo đảm tình hiệu quả cụ thể của chúng. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với sự phát triển của khoa học – công nghệ. Muốn vậy, cần coi trọng bồi dưỡng nhân lực để người sử dụng có thể làm chủ các kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ được chuyển giao. Công tác này bao gồm cả cung cấp nhứng kiến thức lý thuyết và huấn luyện kỹ năng thực hành.
Thứ hai, trong quy hoạch vùng sản xuất cần lưu ý: Gắn sản xuất với thị trường; phát huy lợi thế về tài nguyên, lao động và truyền thống sản xuất từng vùng, tạo những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao; kết hợp chuyên môn hóa với đa dạng hóa sản phẩm;
Thứ ba, nền nông nghiệp quy mô lớn bắt buộc phải thu hút được các doanh nghiệp lớn; cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân để giúp tháo gỡ, xử lý những khó khăn mà tự người nông dân khó làm được, đặc biệt trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, thị trường đầu vào, áp dụng công nghệ hiện đại và những kỹ thuật canh tác mới; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp như: máy móc nông nghiệp, giống cây, giống con, phân bón…; giải quyết một số điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp và nông thôn như các vấn đề về kết cấu hạ tầng, tích tụ đất đai, phát triển nguồn nhân lực…
Thứ tư, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng hiện đại, chế biến tinh, chế biến sâu; Tiếp tục dành nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư nhất là trong phát triển hạ tầng nông thôn; phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động ở nông thôn.
Trong những năm qua, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, làm gia tăng tỷ trọng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh, các hình thức liên kết theo mô hình vệ tinh; mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; mô hình sản xuất tuần hoàn;… Tuy nhiên trong chặng đường tiếp theo của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cần phải tiếp tục ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học; công tác quy hoạch vùng sản xuất và chăn nuôi gắn với những lợi thế của vùng, phát huy lợi thế vùng; tiếp tục phát triển đa dạng các hình thức liên kết, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh; phát triển công nghiệp chế biến hiện đại, chế biến tinh.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. UBND huyện Chương Mỹ - Báo cáo phát triển kinh tế xã hội – an ninh quốc phòng huyện Chương Mỹ năm 2022
2. UBND huyện Chương Mỹ - Báo cáo phát triển kinh tế xã hội – an ninh quốc phòng huyện Chương Mỹ năm 2023
Ths. GVC Đặng Thị Tố Tâm
Khoa Kinh tế Chính trị - Học viện Chính trị Khu vực I
Tin cùng chuyên mục
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
- Hàng rào xanh trên những miền quê nông thôn mới Hà Tĩnh 15.07.2021 | 10:37 AM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025