Thứ 3, 07/01/2025, 18:56[GMT+7]

Nền tảng số giúp doanh nghiệp Việt thực hành ESG

Chủ nhật, 15/12/2024 | 15:47:34
1,931 lượt xem
Nền tảng mã nguồn mở chạy trên website giúp doanh nghiệp Việt thực hành ESG thông qua việc trả lời khoảng 100 câu hỏi để xây dựng Báo cáo phát triển bền vững.

Các chuyên gia chia sẻ chủ đề phát triển bền vững tại hội thảo.

Nền tảng công nghệ Synesgy giúp doanh nghiệp Việt thực hành ESG do Crif D&B Việt Nam (thuộc Tập đoàn Crif toàn cầu) công bố sáng 12/12 tại TP HCM. Synesgy sử dụng 28 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt do các kỹ sư tại Việt Nam thiết kế. ESG (Environmental, Social, and Governance) là một khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp.

Theo bà Trương Bội Ân, Quản lý phát triển bền vững, Crif D&B Việt Nam, hiện thị trường chưa có nền tảng tiếng Việt có khả năng tổng hợp dữ liệu phục vụ thực hành ESG, áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Synesgy là nền tảng mã nguồn mở, chạy trực tiếp trên website được công nhận và thực hiện theo khung tiêu chuẩn của Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) - tổ chức chuyên cung cấp các khuôn khổ cho phát triển bền vững.

Giao diện nền tảng Synesgy trên website. Ảnh chụp màn hình

Giao diện nền tảng Synesgy trên website.

Theo bà Ân, Synesgy được sử dụng bằng phương pháp đưa ra bộ câu hỏi gồm gần 100 câu, riêng với doanh nghiệp SME số câu hỏi khoảng 60. Tùy theo loại hình, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, nền tảng sẽ đưa ra câu hỏi phù hợp cho 36 lĩnh vực khác nhau. Doanh nghiệp sẽ được cấp tài khoản, đăng nhập bằng email họ đăng ký và cung cấp dữ liệu theo nguyên tắc có định lượng và định tính về các hoạt động liên quan ESG như xử lý nước thải, quản lý năng lượng, phát thải khí nhà kính... Ngoài ra doanh nghiệp cũng được thu thập dữ liệu về hoạt động xã hội, đóng góp của họ cho phát triển bền vững. Về quản trị, doanh nghiệp được thu thập dữ liệu về chiến lược, tầm nhìn của lãnh đạo về thực hành ESC...

Đại diện Crif D&B Việt Nam cho biết, để giám sát các dữ liệu mang tính định lượng, doanh nghiệp phải cung cấp căn cứ cho số liệu họ trả lời. Ví dụ, khi cung cấp dữ liệu về điện năng tiêu thụ, doanh nghiệp phải có hình ảnh hóa đơn điện làm minh chứng dữ liệu cung cấp là đúng. Hệ thống sẽ tổng hợp các trường thông tin được khai báo, xuất ra báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp theo khung tiêu chí của GRI. Hệ thống sẽ phân tích khuyến nghị doanh nghiệp đưa ra lộ trình thực hành ở mức độ cao hơn, cải thiện các chỉ số còn thấp. Theo bà Ân, các chứng nhận về thực hành ESG với chỉ số cụ thể sẽ được cấp trực tuyến nếu doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và có giá trị trong một năm.

Ông Văn Anh, Đại diện công ty cổ phần nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn, cho rằng nền tảng này rất thiết thực với doanh nghiệp mong muốn thực hành ESG. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các tiêu chí ESG doanh nghiệp cần thời gian thực hiện theo lộ trình từng bước. Nên dữ liệu cung cấp lên nền tảng phải làm nhiều lần cho mỗi lần xuất báo cáo phát triển bền vững, gây tốn chi phí. Ông kiến nghị cần ấn định thời gian làm báo cáo định kỳ để doanh nghiệp thực hiện với chi phí tối ưu nhất.

Khái niệm về ESG ra đời vào đầu những năm 2000, gắn liền với sự phát triển của các phong trào đầu tư có trách nhiệm và quan tâm đến bền vững. ESG được xem như yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp duy trì sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Theo vnexpress.net