Chủ nhật, 29/12/2024, 22:14[GMT+7]

Kon Tum: Xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ thôn, làng

Thứ 2, 23/12/2024 | 08:33:34
126 lượt xem
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng nên những vùng quê đáng sống. Do đó, để có xã NTM, huyện NTM cần phải bắt đầu từ ngọn nguồn đó là xây dựng thôn (làng) NTM.

Tỉnh ta có 608 thôn (làng) thuộc 85 xã, trong đó, có 498 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS thuộc 84 xã. Thôn (làng) là nơi đầu tiên thực hiện phong trào xây dựng NTM và cũng là nơi trực tiếp thụ hưởng thành quả của NTM. Khi từng thôn (làng) về đích NTM với hạ tầng khang trang, đời sống nhân dân được cải thiện sẽ góp phần tạo thành công chung cho mỗi xã.

Vì vậy, cùng với mục tiêu xây dựng xã NTM, huyện NTM, việc triển khai xây dựng NTM từ các hạt nhân là cấp thôn (làng) cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh ta quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt trong những năm gần đây.

Theo đó, để tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM và xây dựng các thôn (làng) ở vùng đồng bào DTTS phát triển đồng bộ và bền vững, ngày 18/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) NTM ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”. Ngày 12/6/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1754/KH-UBND về xây dựng thôn (làng) NTM ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhằm huy động các nguồn lực, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM, từng bước làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 50% trở lên số thôn (làng) vùng đồng bào DTTS được công nhận thôn (làng) NTM.

Xây dựng thôn (làng) NTM tạo nền tảng vững chắc xây dựng xã NTM.

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt chỉ đạo thực hiện xây dựng thôn (làng) NTM gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM” và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh’’; phát huy vai trò làm chủ của người dân. Từ đó, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong toàn xã hội; phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, loại bỏ tư tưởng trông, chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong nhân dân.

Khi mỗi người, mỗi nhà trong cộng đồng đồng tình góp sức tạo thành sức mạnh nội lực lớn, giúp cho việc xây dựng NTM thuận lợi và hiệu quả hơn. Việc xây dựng các thôn (làng) NTM cũng đồng nghĩa với việc xây dựng nếp sống mới trong vùng đồng bào DTTS, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, tích cực lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, loại bỏ những tập tục lạc hậu, giữ gìn tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Theo thống kê của các địa phương, đến nay, toàn tỉnh có 29 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và 84 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn thôn NTM.

Không chỉ thể hiện qua con số, thực tế cho thấy, việc xây dựng thôn (làng) NTM làm thay đổi rõ nét diện mạo các làng đồng bào DTTS; đời sống vật chất, tinh thần của phần lớn người dân được nâng lên; bản sắc văn hóa của các DTTS được phát huy.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tiến trình xây dựng thôn (làng) đạt chuẩn NTM đang bị chậm so với lộ trình đề ra. Cụ thể, năm 2023 và 2024, mục tiêu của tỉnh đề ra là phấn đấu toàn tỉnh có 177 thôn (làng) đạt chuẩn thôn NTM, nhưng đến nay, mới chỉ có 86 thôn (làng) hoàn thành kế hoạch. Nhiều địa phương chưa có thôn (làng) nào được công nhận đạt chuẩn NTM.

Điều này xuất phát từ yếu tố khách quan, đó là các làng đồng bào DTTS phần lớn ở các vùng khó khăn; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, năng lực sản xuất của người dân còn thấp, thu nhập không cao vì thế khó đảm bảo thực hiện đạt các tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn xã hội hóa để đầu tư cho kết cấu hạ tầng cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, ở một số nơi, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chưa thực sự nỗ lực và tích cực tham gia đóng góp để xây dựng thôn (làng) NTM.

Xây dựng thôn (làng) NTM là động lực quan trọng để các thôn (làng) đổi thay, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân; góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu xây dựng NTM của từng địa phương. Vì vậy cần đổi mới cách nghĩ, cách làm từ mỗi người, mỗi nhà và mỗi thôn, làng.

Theo baokontum.com.vn