Thứ 5, 23/01/2025, 01:19[GMT+7]

Những chiêu lừa online nở rộ dịp gần Tết

Thứ 4, 22/01/2025 | 15:49:56
358 lượt xem
Lừa đổi tiền lì xì, tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao", tour du lịch xuân, mua vé tàu xe... đang rộ trở lại những ngày qua.

Một người đang giao dịch tại cây ATM.

Trong loạt cảnh báo đưa ra suốt nửa tháng qua, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết các chiêu trò lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi và xuất hiện nhiều trở lại giai đoạn gần Tết. Nhiều hình thức đã cũ, nhưng vẫn khiến nhiều người mắc bẫy, trong khi những kịch bản mới cũng liên tục xuất hiện, lợi dụng nhu cầu của người dùng dịp cuối năm.

Lừa đổi tiền lì xì, mua bán tiền giả

Theo Cục An toàn thông tin, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới để lì xì hoặc chuẩn bị cho hoạt động tiêu dùng tăng cao, tạo cơ hội cho các dịch vụ online xuất hiện. Kẻ gian đăng hàng trăm bài trên nhiều hội nhóm, fanpage mạng xã hội với các từ khóa như "đổi tiền lì xì", cam kết "tiền thật", "tiền mới", "giá rẻ nhất thị trường". Nhiều chủ tài khoản nhận "đổ buôn" tiền lẻ với phí đổi 5-6% hoặc rao bán các tờ "số đẹp", tiền nước ngoài.

Cục cũng ghi nhận nhiều bài viết, video rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, ví dụ một triệu đồng mua được 10 triệu đồng tiền giả, không phải đặt cọc trước và được kiểm tra hàng.

"Mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng không được phép đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm", Cục cho biết.

Lừa đáo hạn ngân hàng, mở khóa tài khoản

Theo Cục An toàn thông tin, kẻ gian có thể tự xưng là nhân viên ngân hàng lớn, gọi điện hoặc nhắn tin cho người dùng để "thông báo về các gói vay ưu đãi" hoặc "cập nhật thông tin tín dụng". Sau đó, họ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số CMND, số tài khoản ngân hàng, mức thu nhập... Nếu khách đã có khoản vay, kẻ gian thông báo "đến hạn thanh toán", yêu cầu chuyển tiền hoặc đưa thông tin tài chính cá nhân để "đảm bảo giao dịch". Nếu nạn nhân tin tưởng và làm theo hướng dẫn, kẻ xấu sẽ nói các lý do bắt nạn nhân chờ đợi rồi chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Bên cạnh đó, có tình trạng hacker tận dụng sơ hở bảo mật để tấn công tài khoản ngân hàng. Chúng thu thập thông tin cá nhân và dữ liệu tài khoản ngân hàng từ "chợ đen" hoặc từ các nguồn công khai. Sau đó, chúng đăng nhập vào tài khoản của nạn nhân, cố tình điền sai mật khẩu nhiều lần khiến tài khoản bị tạm khóa.

"Lúc này, chúng giả danh nhân viên ngân hàng, liên hệ với nạn nhân và nói tài khoản cần được khôi phục. Chúng hướng dẫn họ tải ứng dụng độc hại hoặc quét mã QR chứa mã độc nhằm thu thập thêm thông tin quan trọng như mã OTP, mật khẩu, hoặc mã PIN", cảnh báo nêu.

Lừa tuyển cộng tác viên, đầu tư chứng khoán

Các chiêu trò tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử đã tồn tại từ 2-3 năm nay. Tuy nhiên, theo Cục An toàn thông tin, với "mồi nhử" hấp dẫn, như hưởng chênh lệch 10-20% trên mỗi đơn hàng, vẫn khiến nhiều người sập bẫy, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người có nhu cầu kiếm thêm thu nhập gần Tết.

Một người dùng đang xem nhiệm vụ được rao trên một group trên Telegram. Ảnh: Ngọc Thành

Một "nhiệm vụ" được rao trên một nhóm Telegram.

Chiêu thức phổ biến là tuyển cộng tác viên tạo đơn cho sàn thương mại điện tử. Với đơn đầu tiên, nạn nhân sẽ nhận được hoa hồng và rút tiền thành công. Sau đó, họ bị dụ dỗ thực hiện thêm những đơn hàng với giá trị ngày càng lớn. Lấy lý do người dùng thao tác sai dẫn đến lỗi, kẻ gian sẽ yêu cầu nạp thêm tiền, nếu không sẽ mất trắng. Cục ghi nhận một số nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã tin theo, thậm chí vay tiền để nạp hàng trăm triệu đồng.

Tương tự, kẻ gian có thể yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền lớn để đầu tư với lời hứa hẹn "chắc chắn lãi", hoặc dụ cài phần mềm độc hại của chúng, từ đó chiếm quyền điều khiển thiết bị hoặc chiếm tài khoản từ xa.

Lừa mua vé tàu xe, tour du lịch xuân

Lợi dụng nhu cầu đi lại tăng cao, đặc biệt kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày khiến nhiều người có nhu cầu du lịch, trên mạng cũng xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo. Kịch bản chung là rao bán vé, tour giá rẻ, trọn gói với số lượng giới hạn để kích thích người dùng chi tiền vì sợ mất cơ hội. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, kẻ gian sẽ gửi lại vé giả hoặc chặn liên lạc, khóa tài khoản. Nhiều nạn nhân được ghi nhận bị lừa từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Một số kịch bản khác đang xuất hiện nở rộ những tuần qua là giả mạo nhân viên điện lực dọa cắt điện, bảo hành máy lọc nước, hay lừa đảo bằng video deepfake.

Theo Cục An toàn thông tin, người dân cần tỉnh táo trước những "món hời" bất ngờ, những lời mời "việc nhẹ lương cao" được rao trên mạng xã hội hay qua điện thoại. Nếu được yêu cầu chuyển tiền, cần xác minh người nhận có phải người quen hay không bằng cách chủ động gọi lại qua số điện thoại; không vội chuyển tiền qua cuộc gọi hay tin nhắn trên mạng xã hội; hạn chế đăng ảnh, video cá nhân và thông tin nhạy cảm lên mạng.

Đặc biệt, người dùng không cung cấp mật khẩu, mã OTP cho bất cứ ai qua điện thoại, vì đây là những thông tin mà cơ quan, tổ chức, ngân hàng không bao giờ thu thập qua điện thoại.

Theo vnexpress.net