Chủ nhật, 22/12/2024, 15:58[GMT+7]

'Tác dụng phụ' của công nghệ số thời Covid

Thứ 7, 19/06/2021 | 11:00:57
1,409 lượt xem
Trung bình mỗi người dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo ra 17 tài khoản trực tuyến mới trong suốt thời gian đại dịch.

Người dùng đang lập hàng loạt tài khoản mới để phục vụ việc giải trí, mua sắm, thanh toán, giao hàng... trực tuyến. Ảnh: Reuters.

Theo nhóm Bảo mật IBM, Covid-19 đang thay đổi hành vi tiêu dùng khi ngày càng nhiều người thích nghi với các tính năng và giao dịch trực tuyến. Ngược lại, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đối với cá nhân, sự tiện lợi thường vượt trội so với các mối quan tâm về bảo mật và quyền riêng tư, dẫn đến việc lựa chọn mật khẩu và thái độ ứng phó với an ninh mạng còn kém.

"Hiểu biết hạn chế về các nguy cơ an ninh mạng của người tiêu dùng, cùng tiến trình chuyển đối số nhanh và mạnh của các doanh nghiệp trong đại dịch, đã tạo ra những kẽ hở không tưởng cho các nhóm tấn công mạng vào mọi ngành nghề", đại diện IBM nhấn mạnh.

Khảo sát của IBM cho thấy người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương đã tạo trung bình 17 tài khoản trực tuyến mới trong đại dịch. Trong đó, 37% nói không có kế hoạch xóa hoặc hủy kích hoạt bất kỳ tài khoản mà họ đã tạo khi đại dịch qua đi.

Tuy nhiên, "tác dụng phụ" của sự gia tăng số lượng tài khoản số là việc sử dụng mật khẩu lỏng lẻo. 86% thừa nhận vẫn dùng lại thông tin đăng nhập trực tuyến trên các tài khoản đã lập trước đây. 54% thích đặt hàng và thanh toán trực tuyến hơn là trực tiếp đến cửa hàng và tỷ lệ này lên tới 60% đối với thệ hệ Millennials (sinh từ 1980 đến 2000). Họ quan tâm tới sự thuận tiện khi đặt hàng trực tuyến nên thường bỏ qua các lo ngại về bảo mật, tăng gánh nặng bảo mật sẽ đặt lên vai các công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến trong việc đề phòng gian lận.

Cũng theo khảo sát, 57% người tham gia khảo sát kỳ vọng chỉ mất dưới 5 phút cho mỗi lần khởi tạo tài khoản trực tuyến mới Ngoài ra, họ muốn chỉ cần 3 - 4 thao tác để tái tạo tài khoản, tính cả bước đặt mới hoặc thay đổi mật khẩu. 47% cho biết họ cho phép thiết bị số của mình tự ghi nhớ các thông tin liên quan tới các tài khoản trực tuyến, trong khi đó 34% nói họ ghi các thông tin này ra giấy.

"Từ các cửa hàng tiện lợi, ngân hàng cho tới các dịch vụ đặc biệt như y tế, hành chính công, nhu cầu chuyển dịch từ trực tiếp sang trực tuyến của người tiêu dùng ngày càng cao. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức phụ thuộc vào các kênh bán hàng hoá và dịch vụ trực tuyến để dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, đồng nghĩa tạo thêm nhiều sơ hở cho các cuộc tấn công an ninh mạng. Để tối ưu hoá mức độ bảo mật cao nhất, doanh nghiệp, tổ chức cần thích nghi và ứng dụng cách tiếp cận 'tuyệt đối không tin tưởng' (zero-trust) trên mọi giao diện tiếp xúc, mọi thiết bị và trong mọi giao dịch", ông Matthew Glitzer, Phó Chủ tịch Nhóm Bảo mật IBM châu Á - Thái Bình Dương, nói.

Theo vnexpress.net