Thứ 4, 25/12/2024, 08:11[GMT+7]

Ba cách xử lý khi PC-Covid chậm cập nhật mũi tiêm

Thứ 4, 26/01/2022 | 10:40:29
6,627 lượt xem
Một số người dùng cho biết PC-Covid vẫn chậm cập nhật hoặc hiển thị sai thông tin tiêm, trong khi nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết.

Phần lớn người dùng đã được cập nhật thông tin tiêm trên ứng dụng PC-Covid. Ảnh: Lưu Quý

Người dân hiện có thể tra cứu thông tin tiêm của mình trên ứng dụng PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử hoặc trang web Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19, phần lớn người dùng hiện đã được cập nhật thông tin tiêm trên những nền tảng này, nhưng vẫn còn một số gặp vấn đề sai hoặc thiếu mũi tiêm. Ví dụ, họ đã tiêm 2-3 mũi nhưng ứng dụng hiển thị chưa tiêm hoặc chỉ có một mũi; sai số điện thoại, địa chỉ nhưng không thể sửa. Đặc biệt, nhiều địa phương đang tổ chức tiêm mũi ba đồng loạt nên việc cập nhật mũi thứ ba còn chậm.

Trong trường hợp thông tin chưa đúng hoặc đủ, người dùng có thể gửi phản ánh hoặc tự khai để thuận tiện trong việc di chuyển và khai báo trong dịp Tết. Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Y tế, có ba cách phản ánh thông tin tiêm.

Thứ nhất, người dùng có thể gọi lên tổng đài 19009095 của Bộ Y tế, làm theo hướng dẫn của tổng đài viên để được hỗ trợ cập nhật thông tin.

Thứ hai, người dùng có thể truy cập Cổng thông tin tiêm chủng tại địa chỉ tiemchungcovid19.gov.vn, chọn tính năng Phản ánh. Tại đây, họ cần điền thông tin về họ tên, ngày sinh, CMND/CCCD, kèm thông tin về các mũi tiêm như loại vaccine, thời gian và địa điểm tiêm, ảnh giấy chứng nhận. Website hiện đã hỗ trợ phản ánh tối đa bảy mũi tiêm.

Giao diện trên Cổng thông tin tiêm chủng cho phép phản ánh tối đa 7 mũi tiêm.

Một số độc giả cho biết, khi họ đi tiêm vaccine, cơ sở tiêm không cung cấp giấy chứng nhận. Với trường hợp này, theo ông Nam, người dân cần liên hệ trực tiếp với nơi tiêm để được cán bộ y tế kiểm tra, sớm cập nhật thông tin lên hệ thống. Cách làm này cũng giải quyết được hầu hết những vấn đề liên quan đến việc sai hoặc thiếu mũi tiêm.

Theo đại diện Cục Công nghệ Thông tin, việc được hỗ trợ cập nhật thông tin là quyền lợi của người dân. Bộ Y tế hồi tháng 11/2021 cũng đã ra văn bản số 9458 yêu cầu các cơ quan quản lý y tế và cơ sở tiêm chủng phải thực hiện việc rà soát và cập nhật kết quả xử lý thông tin tiêm chủng của người dân trong 48 giờ kể từ khi hệ thống ghi nhận thông tin phản ánh.

Thứ ba, người dùng có thể tự khai mũi tiêm trên PC-Covid.

Với trường hợp Sổ sức khoẻ điện tử đã hiển thị đủ số mũi, nhưng chưa có trên PC-Covid, người dùng có thể bấm vào phần mũi tiêm trên giao diện chính, chọn "Kiểm tra thông tin tiêm mới nhất" để hệ thống làm mới dữ liệu.

Còn trong trường hợp mũi tiêm chưa có trên hệ thống, người dân có thể sử dụng tính năng tự khai bằng cách nâng cấp lên phiên bản PC-Covid mới nhất, sau đó vào Menu > Ví giấy tờ > Thêm Giấy chứng nhận tiêm vaccine. Tại đây, thông tin cần điền gồm: Loại vaccine, ngày tiêm, lô vaccine và đơn vị tiêm chủng.

So với phương pháp phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng, việc tự khai mũi tiêm đơn giản và chủ động hơn. Tuy nhiên sau khi nhập, PC-Covid sẽ hiển thị số mũi tiêm kèm chữ "Tự khai" để phân biệt với thông tin từ hệ thống.

Bên cạnh đó, việc tự điền số mũi tiêm không có tác dụng đổi màu Thẻ Covid do đây là thông tin tự khai, cần được xác minh. Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 cho biết tính năng này giúp người dùng lưu trữ giấy tờ quan trọng, đặc biệt là ảnh chụp Giấy chứng nhận, thay vì phải mang theo bản cứng. Ngoài ra, dựa vào thông tin tự khai, hệ thống sẽ chuyển phản ánh đến cơ sở tiêm chủng để xác minh và sau đó sớm cập nhật cho người dùng.

Theo vnexpress.net