Chủ nhật, 29/12/2024, 09:54[GMT+7]

Sự bùng nổ và sụp đổ của 'bong bóng tiền số'

Chủ nhật, 03/07/2022 | 10:24:22
2,257 lượt xem
Yuri Popovich chứng kiến nhiều ngôi nhà bị hỏa hoạn và cần nơi an toàn để cất trữ tài sản. Anh chọn tiền số, như hàng triệu người khác.

Bitcoin hồi tháng 6 lần đầu xuống ngưỡng dưới 20.000 USD sau nhiều năm.

"Không thể cất trữ tài sản dưới dạng tiền giấy hay trái phiếu. Luôn có rủi ro về thiên tai và trộm cắp. Vì vậy tôi chọn một loại tiền số ổn định và đáng tin cậy. Mục đích không phải để kiếm lời, mà đơn giản là tiết kiệm và bảo vệ tài sản", Popovich, sống ở thủ đô Kiev của Ukraine, nói.

Popovich chọn đồng Terra (UST) hồi tháng 4, chỉ một tháng trước khi giá trị của token này lao dốc không phanh. Anh cho biết đã mất 10.000 USD và hoàn toàn suy sụp, dù nhiều người trên mạng xã hội đã góp tiền để giúp anh khắc phục thiệt hại. "Tôi mất ngủ triền miên, tụt 4 kg, thường xuyên đau đầu và lo âu", Popovich tiết lộ.

Đây chỉ là một trong hàng triệu người hứng chịu thiệt hại trong đợt sụp đổ thị trường hồi tháng 5. Tổng giá trị thị trường tiền số giờ chỉ còn chưa đầy 1.000 tỷ USD, so với hơn 3.000 tỷ USD cách đây 6 tháng.

Sự bùng nổ

Đợt bùng nổ tiền số mới nhất diễn ra khi người dân phải làm việc từ xa do đại dịch và nhận được nguồn tiền từ các gói giải cứu kinh tế, khiến họ tìm đến giao dịch tài chính để lấp khoảng trống thời gian.

Bitcoin tăng giá từ 5.000 USD/đồng hồi tháng 3/2020 lên hơn 60.000 USD/đồng chỉ sau một năm. Ethereum, đồng tiền số lớn thứ hai thị trường, cũng tăng giá từ 120 USD/đồng lên gần 5.000 USD/đồng trong năm 2021.

Cách đây 10 năm, các giao dịch chỉ xoay quanh Bitcoin. Giờ đây, thế giới tiền điện tử có hàng nghìn đồng cùng hệ sinh thái phức tạp. Lượng tiền lớn đổ vào tiền điện tử không chỉ làm tăng tài sản của những người nắm giữ chúng từ trước, mà còn tăng sức hấp dẫn và nguồn đầu tư cho các dự án tận dụng công nghệ blockchain đằng sau tiền số.

Sự sụp đổ

Khủng hoảng tiền số gắn liền với hàng loạt vấn đề của thị trường toàn cầu thời gian qua. Tổng giá trị tiền số hiện tương đương 1.000 tỷ USD, trong đó Bitcoin chiếm 40%, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ so với mức 100.000 tỷ USD của các thị trường chứng khoán.

Cú sốc đầu tiên xuất hiện khi UST, đồng tiền số được Popovich mua tích trữ, lao dốc từ mức quy đổi cố định một USD xuống chỉ còn 0,03 USD hôm 13/5. Trong khi đó, giá của Terra Luna, tiền số gắn liền với UST, cũng rơi thẳng đứng từ mức 77 USD về còn chưa đến 0,1 USD vào cùng giai đoạn.

USDT, stablecoin lớn nhất thế giới với vốn hóa gần 80 tỷ USD, cũng biến động mạnh. Ngày 12/5, USDT sụt xuống 0,95 USD mỗi đồng trước khi quay lại mức 0,98 USD. Đây được coi là điều bất ngờ, bởi nó hiếm khi hạ xuống quá 0,97 USD mỗi đồng. Lần duy nhất nó sập mạnh là từ năm 2017 ở mức 0,91 USD mỗi đồng, nhưng đó là lúc "mùa đông tiền số" bắt đầu diễn ra.

Tiền số LUNA sụt giảm về giá trị sau thời gian ngắn.

Tiền số LUNA sụt giảm về giá trị sau thời gian ngắn hồi tháng 5. 

"Tuần lễ điên rồ" nhất với tiền số bắt đầu từ ngày 13/6, khi Celsius Network, một trong những nền tảng cho vay tiền điện tử lớn nhất thế giới, thông báo không chấp nhận các yêu cầu chuyển hoặc rút tiền trong khoảng thời gian không xác định nhằm "ổn định thanh khoản".

Khách hàng của Celsius bắt đầu hoảng loạn, trong khi người dùng những nền tảng khác bắt đầu đặt dấu hỏi liệu họ có phải nạn nhân kế tiếp hay không. Tình trạng lo sợ nhanh chóng lan rộng. Ngày 14/6, giá Bitcoin và Ether giảm 15% so với một ngày trước đó và tiếp tục lao dốc. Đến 18/6, Bitcoin sụt xuống dưới 20.000 USD/đồng trong khi Ether cũng có lúc mất mốc 1.000 USD/đồng.

"Sự kết hợp giữa biến động của thị trường chứng khoán và phản ứng quá mức đặc trưng của thị trường tiền số đã dẫn tới các đợt bán tháo. Sự kiện khơi mào chính là vụ sụp đổ của Terra", Kim Grauer, trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty dữ liệu tiền số Chainalysis, nhận xét. "Tuy nhiên, tiền số sẽ không biến mất, lĩnh vực này từng trải qua những đợt sụp đổ còn nặng nề hơn".

Bong bóng tiền số sẽ quay lại

Tương lai của tiền điện tử vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Changpeng Zhao, chủ sở hữu sàn giao dịch tiền số Binance, cho rằng lĩnh vực này sẽ hồi phục dù mất nhiều thời gian. "Quá trình khôi phục giá trị tiền số có thể kéo dài vài tháng đến vài năm", ông nói.

"Bitcoin sẽ tồn tại trong hàng chục năm tới, chỉ cần có phần mềm, blockchain và vài người ủng hộ là đủ. Các đợt bong bóng tiền số sẽ còn tiếp tục diễn ra, trừ khi có những quy định quản lý chặt hơn, nhưng nó khó đạt mức đỉnh như giai đoạn 2021-2022", David Gerard, tác giả cuốn Attack of the 50-Foot Blockchain, nêu quan điểm.

Trong khi đó, những người như Popovich phải tìm cách kiếm sống qua ngày để bù đắp thiệt hại. "Tôi cực kỳ xấu hổ. Một người giấu tên gửi tôi lượng tiền số tương đương 50 USD. Tôi chưa từng vay mượn ai trong đời. Giờ tôi rất sợ hãi và mệt mỏi", anh nói.

Theo vnexpress.net