Thứ 6, 03/01/2025, 10:36[GMT+7]

Điện toán đám mây và chiến lược mở rộng thị phần của doanh nghiệp Việt

Thứ 3, 30/08/2022 | 10:32:16
3,835 lượt xem
Cơ hội để các doanh nghiệp Việt hiện thực hóa mục tiêu giành 70% thị phần điện toán đám mây vào 2025 được đánh giá vô cùng thách thức. Trong bối cảnh đó, kinh nghiệm của Viettel IDC cho thấy nhiều bài học quan trọng.

Dư địa thị phần điện toán đám mây cho doanh nghiệp Việt

Trong chiến lược xây dựng Hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% doanh nghiệp Việt sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do các đơn vị trong nước cung cấp. Để đạt mục tiêu này, cần huy động tổng lực từ chính các doanh nghiệp “đầu đàn” cũng như các chính sách đồng hành, hỗ trợ.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong nước hiện có 39 nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, 27 trung tâm dữ liệu (Data Center – DC) thuộc 11 doanh nghiệp. Hãng McKinsey dự báo đến 2025 thị trường Cloud Việt Nam sẽ đạt mức 400-700 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 21%. Tuy nhiên việc mở rộng thị phần của các doanh nghiệp nội còn rất gian nan do hệ sinh thái dịch vụ chưa thực sự toàn diện.

Tuy nhiên, không phải không có những điểm sáng. Ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC cho hay, vượt qua giai đoạn chủ yếu cung cấp các dịch vụ dữ liệu đơn lẻ, đến nay, các nhà cung cấp Make in Vietnam đã mang tới một hệ sinh thái đa dạng với hơn 30 sản phẩm, dịch vụ khác nhau, giúp giải quyết cơ bản nhu cầu trong nước. “Không gian phát triển cho các doanh nghiệp Việt còn rất lớn”, đại diện Viettel IDC khẳng định.

Trong một thị trường mà ưu thế không nằm trong tay các doanh nghiệp nội, câu chuyện của Viettel IDC được coi là một trong những thành công điển hình. Được thành lập từ 2008, đến nay Viettel IDC đã trở thành một hiện tượng trong lĩnh vực điện toán đám mây với 5 Trung tâm dữ liệu đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Các trung tâm này đều đạt tiêu chuẩn Rated-3 Constructed và quy mô đến 2023 là 35.000 m2 /6000 racks. Đội ngũ nhân sự của IDC đã lên đến hàng trăm người trong đó chiếm khoảng 50% là các chuyên gia R&D và kỹ sư vận hành khai thác.

6 tháng đầu năm nay, Viettel IDC đẩy mạnh hợp tác phát triển đa nền tảng Cloud (Vmware, Openstack,CMP) để đẩy nhanh các tính năng mới ra thị trường, bao gồm: Hoàn thành phát triển sản phẩm Viettel Cloud Object Storage 2.0, là sản phẩm thiết kế cho nhóm ngành BFSI và được kỳ vọng sẽ là dịch vụ chủ lực của IDC trong 2-3 năm tới. Cải tiến, hoàn thiện các tính năng Public Cloud với việc hoàn thành phát triển các tính năng phục vụ kinh doanh dịch vụ Viettel Cloud Computing 2.0 theo các nhóm hiệu năng khác nhau (Multi-Tiering)…

Các dịch vụ điện toán đám mây đã giúp cho Viettel IDC tăng trưởng doanh thu dịch vụ tới 28% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Viettel IDC đã trúng thầu nhiều dự án lớn như gói thầu liên danh trị giá hàng triệu USD; hợp tác cung cấp hạ tầng cloud quy mô hơn 100 tỷ đồng/năm trong lĩnh vực hóa dầu…

Chiến lược “hợp tác thay cho đối đầu”

Kinh nghiệm thành công của Viettel IDC, theo ông Hoàng Văn Ngọc chính là bài học dũng cảm theo đuổi con đường mới, cam kết trở thành người dẫn dắt thị trường. Khi Viettel IDC nghiên cứu và bắt đầu cung cấp dịch vụ đám mây công cộng tại Việt Nam thì trên thế giới đã có khoảng 50% doanh nghiệp công nghệ lớn và vừa đã nghiên cứu, dịch chuyển lên điện toán đám mây. Ngược lại, tại Việt Nam khái niệm cloud vẫn còn khá xa lạ, nhu cầu ứng dụng điện toán đám mây là rất ít.

Viettel IDC nhận thấy cần phát triển về giải pháp công nghệ để giải quyết được các bài toán liên quan mà đầu tiên là cần một giải pháp tối ưu chi phí cho các nhu cầu về hạ tầng, công nghệ. “Viettel IDC đã đổ nguồn lực vào để nghiên cứu các sản phẩm phù hợp nhất với các tập khách hàng này với chi phí rất rẻ, mỗi ngày chỉ 5.000 đồng, tương đương một ly trà đá”, ông Ngọc chia sẻ.

Trong chiến lược cạnh tranh, từ kinh nghiệm thực tiễn, Viettel IDC xác định không đối đầu với những "ông lớn" vì như vậy đồng nghĩa với đối đầu với nhu cầu khách hàng. Động thái này là phù hợp với xu hướng chung hiện nay là dịch vụ đa đám mây tức không có doanh nghiệp nào chỉ sử dụng duy nhất chỉ một nền tảng cloud duy nhất. Dữ liệu được phân tán trên hệ thống của 2-3 nhà cung cấp, trên nhiều nền tảng khác nhau để bảo đảmdự phòng. Viettel IDC đã đầu tư, hợp tác với các "Big Tech" như Amazon, Microsoft… "Thay vì đối đầu, chúng tôi hợp tác. Trên thế giới tôi chưa thấy trường hợp nào đối đầu mà thành công cả", ông Ngọc chia sẻ.

Nửa đầu năm 2022, Viettel IDC đẩy mạnh chuyển dịch mô hình kinh doanh theo 3 hướng: (1) MSP (Nhà cung cấp dịch vụ quản lý CNTT) của các Big Tech như AWS, Google, Microsoft… (2) MSP cho sản phẩm Cloud&DC và (3) MSSP (Nhà cung cấp dịch vụ quản lý an toàn thông tin).

Với vai trò MSP, dịch vụ của Viettel IDC trở nên “mượt mà” toàn trình: từ tư vấn lộ trình CĐS, xây dựng trung tâm dữ liệu, chuyển đổi/di chuyển hạ tầng cloud, cho đến triển khai các giải pháp lớp hạ tầng, nền tảng hay cả phần mềm và vận hành hệ thống.

Đặc biệt, Viettel IDC đáp ứng vượt yêu cầu trên tiêu chí then chốt: hoàn thành thành công các dự án triển khai cho khách hàng, giúp tối ưu hóa nguồn lực và đẩy nhanh lộ trình dịch chuyển lên đám mây. Việc trở thành đối tác mức Selected Tier của AWS - nền tảng đám mây toàn diện, cung cấp 200 dịch vụ cho hàng triệu khách hàng toàn cầu, là bước đầu tiên trong hành trình “bắt tay” với Big Tech của Viettel IDC trong cung cấp hệ sinh thái dịch vụ điện toán đám mây toàn diện.

Theo Báo cáo của Liên minh Cloud Việt Nam gửi Bộ Thông tin và Truyền thông hồi 6/2021, Viettel IDC đã giành được khoảng 25% thị trường khối nội địa. Viettel IDC đồng thời cũng trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất làm chủ nền tảng đám mây “Make in Vietnam” được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn của Thông tư 1145. Viettel IDC đang đứng trước những cơ hội lớn để đẩy mạnh khai phá thị trường trong nước, đóng góp vào mục tiêu xây dựng Hạ tầng số Việt Nam vững mạnh, do Việt Nam làm chủ.

Theo nhandan.vn