Thứ 2, 06/01/2025, 19:40[GMT+7]

Cú đảo ngược gây bất ổn ngành chip

Chủ nhật, 06/11/2022 | 08:45:06
7,679 lượt xem
Từ tình trạng khan hiếm toàn cầu, các hãng chip giờ lại đối mặt với khủng hoảng dư thừa khiến họ phải cắt giảm chi phí, dừng tuyển dụng.

Ảnh minh họa

Theo WSJ, nhiều công ty chip đang bắt đầu đóng băng tuyển dụng, sa thải nhân viên, giảm sản lượng nhà máy và cảnh báo nhà đầu tư về cú đảo chiều đột ngột của thị trường.

Ngày 2/11, Qualcomm, hãng chip di động lớn nhất của Mỹ, thông báo kế hoạch điều chỉnh chi tiêu, ngừng tuyển dụng do kết quả kinh doanh ảm đạm. "Chúng tôi đã chuẩn bị và cam kết giảm hơn nửa chi phí hoạt động khi cần", Cristiano Amon, Giám đốc điều hành tập đoàn, nói.

Tuần trước, Intel cũng xác nhận sẽ sa thải nhân viên trong nỗ lực tiết kiệm 10 tỷ USD vào năm 2025. Hãng cho biết sẽ xem xét lại hoạt động của một số nhà máy không hiệu quả. Việc xây dựng các nhà máy mới cũng có thể phải trì hoãn. Đầu tháng 11, đối thủ của Intel là AMD cũng có những động thái tương tự.

Nhà sản xuất bộ nhớ Micron Technology thậm chí dự định giảm 30% chi tiêu từ tháng 9. TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, gần đây hạ 10% dự báo chi tiêu vốn cho năm nay.

Bên trong một nhà máy của Qualcomm. Ảnh: Qualcomm

Bên trong một nhà máy của Qualcomm. Ảnh: Qualcomm

Những lo ngại về suy thoái kinh tế đang phả hơi lạnh vào cả ngành công nghệ, từ những công ty khởi nghiệp đến các gã khổng lồ như Apple, Meta, Amazon. WSJ dẫn lời Akash Palkhiwala, Giám đốc tài chính Qualcomm: "Công ty đi từ giai đoạn thiếu hụt sang dư thừa. Đó là thay đổi chưa từng có trong giai đoạn gần đây".

Trong cơn khát chip toàn cầu năm 2020-2021, nhiều công ty vung tay quá trán mà không tính toán kỹ. Theo ông Palkhiwala, trước đây các nhà sản xuất thiết bị điện tử thường tích trữ chip để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, năm nay mọi thứ lại đi ngược khi họ đang phải tìm cách giải phóng số chip tồn kho quá nhiều. Nhu cầu mua sắm thiết bị điện tử của người dùng sụt giảm cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của các công ty.

Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cho biết tình trạng bất ổn này có thể kéo dài đến hết 2023. Trong khi đó, Micron nói công ty không hy vọng thị trường sẽ ổn định cho đến đầu năm sau. Để cân bằng nguồn chip, một số công ty đang lấn sân sang những lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, xe điện, thiết bị IoT, VR... Nhóm thiết bị này có thể tăng quy mô gấp đôi vào năm 2030.

Theo các chuyên gia, ngay cả một số nhà sản xuất chip ít bị ảnh hưởng như ON Semiconductor cũng lên kế hoạch thắt chặt chi tiêu, hạn chế tuyển dụng. NXP Semiconductors NV, nhà cung cấp chip Hà Lan nổi tiếng ở lĩnh vực ôtô, cũng có động thái thể hiện sự thận trọng hơn dù doanh số quý III/2022 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo vnexpress.net