Thứ 7, 20/04/2024, 16:31[GMT+7]

Xu hướng nổi bật trong thị trường nội dung số

Thứ 5, 15/12/2022 | 10:54:14
4,558 lượt xem
Tổng giám đốc VieON phân tích hành vi người dùng đang chuyển sang Internet, ai cũng có thể làm nội dung số; đơn vị Việt cần tăng sự hiện diện, quảng bá văn hóa bản địa...

Ông Huỳnh Long Thủy nêu bức tranh thị trường nội dung số tại VFTE 2022.

Thông tin do ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VieON nêu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần IV (VFTE 2022).

Ông Thủy trích dẫn thống kê của PWC dựa trên số liệu của 84 quốc gia, cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đều đóng vai trò lớn trong việc phát triển nội dung số và hệ sinh thái nội dung số và dịch vụ số. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo với các chính sách thúc đẩy.

Đại diện VieOn chỉ ra 4 bên tham gia trong hệ sinh thái nội dung số, gồm Chính phủ (PolicyMaker - người tạo ra chính sách), nhà cung cấp nội dung (Content Providers), dịch vụ viễn thông (Telecom Operators - nơi truyền tải thông tin) và các nền tảng platform (platform providers) để truyền tải thông tin đến người dùng cuối. Từ năm 2018, Việt Nam đã xác định 5 nhóm sản phẩm thúc đẩy trong thời gian tới, gồm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, phần mềm diệt virus, trình duyệt, hệ điều hành.

Về xu hướng phát triển của nội dung số, theo ông Thủy, người dùng đang có sự dịch chuyển từ truyền hình truyền thống sang Internet. Theo đó,75% dân số Việt Nam sử dụng Internet - ước tính khoảng 72,1 triệu người. 95% người dùng Internet xem video. Họ dành ra trung bình 84 phút mỗi ngày để xem video.

Nội dung đến từ khắp mọi nền tảng số. Theo thống kê của VieON, Việt Nam đang có tỷ lệ người dùng Internet chiếm hơn 73% dân số.Trung bình mỗi người dùng sử dụng Internet trong nước lên đến 6 giờ 38 phút mỗi ngày. Có hai hành vi chính trên Internet là xem TV và video (2 giờ 47 phút) và lướt mạng xã hội (2 giờ 28 phút), chiếm khoảng 80% số thời gian sử dụng Internet.

Các điều kiện này, giúp ai cũng tạo ra được nội dung và đăng tải trên mạng xã hội, tạo ra sự đa dạng về nội dung, thu hút người xem. Theo thống kê, 70% nội dung trên mạng xã hội được tạo ra bởi người dùng mạng xã hội, Tiktoker, Youtuber... Ở chiều ngược lại, điều này gây ra thực trạng nhốn nháo khi nhà nhà và người người sản xuất nội dung số. Nhà sản xuất đưa nội dung lên các nền tảng xã hội có thể kiếm tiền.

Xu hướng thứ hai, theo ông Thủy, là từ truyền hình truyền thống thành truyền hình số và OTT. Hiện có 26 triệu hộ gia đình với hơn 13 triệu thuê bao truyền hình trả tiền bao, cho thấy cơ hội rộng lớn.

Về xu hướng trong phát triển hệ sinh thái số có 5 điểm chính. Thứ nhất, thay đổi trong trải nghiệm người xem sẽ tạo nên làn sóng đột phá trong sản phẩm. Thứ hai, việc khai thác và lựa chọn nội dung số sẽ thay đổi mạnh mẽ. Thứ ba, mô hình doanh thu sẽ thay đổi một cách mạnh mẽ (quảng cáo, thuê bao). Thứ tư, các công ty sẽ chiều khách hàng để có thể chiếm hữu người xem. Thứ năm, nhà đầu tư sẽ khó khăn trong việc nhận định tương lai.

Hệ sinh thái nội dung số Việt Nam cũng đang đối diện với nguy cơ bị kiểm soát và xâm lăng văn hóa ngay trên sân nhà, khi dịch vụ nghe nhìn văn hóa bị kiểm soát bởi nhà đầu tư nước ngoài, và hầu hết những nội dung trên các ứng dụng OTT ngoại đều không được kiểm duyệt

Về giải pháp để cạnh tranh với nội dung và nền tảng nước ngoài này, ông Thủy nhấn mạnh tầm quan trọng của đẩy mạnh các nền tảng OTT trong nước do Việt Nam kiểm soát, tăng sự hiện diện trên mọi thiết bị để giúp người Việt tiếp cận tốt hơn. Lấy ví dụ từ VieON, nền tảng này thường đẩy mạnh sáng tạo nội dung thuần Việt, chiếm lĩnh nền tảng social để dẫn về nền tảng tự chủ OTT, như thông qua chiến lược dùng "best cut" để dẫn dắt khán giả từ Youtube về OTT. Bên cạnh đó, nội dung cần duy trì và phát triển giá trị văn hóa Việt Nam.

"VieON chuyển đổi số trên chính sản phẩm số của mình, với các điểm chạm người dùng được đặt trên toàn bộ hành trình... Hệ thống quản trị bằng Big Data, do đội ngũ Việt Nam phát triển", ông phân tích.

Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là chương trình thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ở năm thứ tư, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

VFTE 2022 diễn ra vào ngày 8/12. Sự kiện quy tụ gần 1.000 lãnh đạo Chính phủ, chuyên gia, người đứng đầu doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ. Chương trình có ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022; triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu.

Theo vnexpress.net