Thứ 4, 08/01/2025, 04:39[GMT+7]

Xu hướng công nghệ 2023

Chủ nhật, 01/01/2023 | 15:39:55
3,219 lượt xem
AI, robot trở nên phổ thông trong khi VR, AR thúc đẩy làn sóng metaverse cùng những kỳ vọng về Web3, thiết bị chăm sóc sức khỏe đeo tay.

Công nghệ VR, AR, Web3, metaverse được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi lớn trong 2023. Minh họa: Kivisense

Ngành công nghệ năm 2022 đã ghi dấu với nhiều bước tiến, nhưng giới chuyên gia dự đoán đó chỉ là khởi đầu của làn sóng đổi mới sáng tạo tiếp theo. Với những nền tảng đã được xây dựng, 2023 được kỳ vọng là năm tỏa sáng của AI, robot, Web3, blockchain, thiết bị đeo thông minh và nhiều ẩn số đang thu hút sự chú ý của công chúng như metaverse, NFT.

AI và robot tiếp tục thu hút chú ý

Cơn sốt Dall-E, ChatGPT hay Lensa những tháng qua đã biến AI từ thứ gì đó cao siêu trở nên dễ tiếp cận, áp dụng một cách đơn giản vào đời sống, kể cả với người không chuyên về máy tính. Theo giới chuyên gia, các công cụ AI sẽ sớm không còn là thứ gây tò mò, mà trở nên phổ biến, được dùng hàng ngày như cách mọi người tìm kiếm trên Google.

"Sáu tháng kể từ bây giờ, bạn sẽ thấy những điều tuyệt vời chưa từng thấy trước đây", Oren Etzioni, CEO Allen Institute for AI - tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và kỹ thuật AI, nói hồi giữa tháng 12/2022 trên WSJ.

Thị trường AI 2023 được dự đoán phát triển vượt mức 50 tỷ USD. Khi hàng nghìn công ty trong các ngành tiếp tục tạo ra những bước đột phá, đây sẽ là năm bản lề để trí tuệ nhân tạo có thể được cộng tác và chia sẻ kiến thức một cách minh bạch nhằm giảm thiểu rủi ro, tiếp tục thúc đẩy đổi mới.

Trong khi đó, Ken Washington, quản lý về lĩnh vực người máy của Amazon, nói với Fast Company rằng năm nay, robot sẽ có những bước tiến quan trọng để hiện diện hữu ích hơn trong gia đình, công xưởng và doanh nghiệp. Chúng sẽ phát triển khả năng tương tác phức tạp nhờ tiến bộ to lớn trong AI và học máy. Ví dụ, khả năng giao tiếp đa phương thức mang tính đột phá cho phép robot học điều mới tương tự con người. Chúng sẽ thực hiện các nhiệm vụ hữu ích, giải trí và mang đến trải nghiệm gần giống những người bạn thật sự.

VR, AR thúc đẩy metaverse

Hàng loạt ông lớn từ Meta đến Microsoft đều đã cho thấy tham vọng của mình trong lĩnh vực sản xuất kính VR, AR nhưng chưa thành công. 2023 được chờ đợi là năm trở lại mạnh mẽ của công nghệ thực tế ảo. Theo chuyên gia Ash Jhaveri thuộc Reality Labs của Meta, 2023 sẽ chứng kiến nhiều công ty hợp tác để cung cấp các giải pháp VR nhằm đưa công nghệ này đến nhiều lĩnh vực hơn. Trong khi đó, Hari Vasudev, đại diện Walmart Global Tech, cho rằng AR, VR là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc mang lại trải nghiệm cá nhân hóa, chẳng hạn thử đồ ảo cho quần áo, kính mắt hay quét các kệ hàng để tìm các món đồ phù hợp với lối sống và chế độ ăn uống của một người. Công nghệ giọng nói sẽ nổi lên như một phần tự nhiên trong trải nghiệm mua sắm của một người và là công cụ quan trọng để các nhà bán lẻ giảm bớt sự xích mích của khách hàng.

Kính VR, AR có thể thúc đẩy metaverse phát triển mạnh hơn. Minh họa: Analyticsinsight

Đặc biệt hơn, khi phần cứng AR, VR hoàn thiện và tương tác tốt trong môi trường số hóa, nó sẽ thúc đẩy metaverse phát triển. Đây không chỉ là giấc mơ của riêng CEO Meta Mark Zuckerberg mà còn là kỳ vọng của nhiều startup trong lĩnh vực blockchain. Nếu chỉ có phần mềm, người dùng khó cảm nhận sự khác biệt về thế giới metaverse so với thế giới online truyền thống. Nhưng nếu VR, AR đủ mạnh, người dùng sẽ chủ động tìm đến metaverse một cách tự nhiên, không còn là "vũ trụ ảo hoang vu" như hiện nay.

Ethereum và xu hướng blockchain xanh hóa

Dù mạng blockchain đang chứng minh được sức mạnh và tiềm năng của mình, việc tiêu tốn quá nhiều năng lượng trong việc vận hành các hệ thống khai thác khiến các nhà lập pháp chưa "bật đèn xanh" cho công nghệ này. Tiêu biểu như Ethereum từng ngốn 112 TWh/năm với cơ chế đồng thuận bằng chứng công việc (PoW). Con số này tương đương lượng điện tiêu thụ của cả Hà Lan. Nhưng sau khi chính thức chuyển sang cơ chế bằng chứng cổ phần (PoS) vào giữa tháng 9/2022, lượng điện giảm đến 99%, tương đương 0,01 TWh/năm.

JP Morgan, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đánh giá: "Việc Ethereum hợp nhất sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển của thị trường tiền điện tử trong 6-12 tháng tới. Chúng tôi tin đây vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, đặt nền móng quan trong cho sự phát triển trong tương lai".

Sau khi chuyển sang xác thực bằng chứng cổ phần (PoS), lượng điện năng Ethereum tiêu thụ sẽ giảm đến 99,9%. Minh họa: Xcoins

Cùng với việc Ethereum hợp nhất, khai thác Bitcoin và các token khác cũng đang ngày trở nên thân thiện hơn khi các chủ trại lớn trên toàn cầu chuyển hướng sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, thay cho than, khí đốt truyền thống. Thay đổi này được cho là có thể trở thành những tín hiệu tích cực giúp kết thúc sớm "mùa đông tiền số".

Web3 tiếp tục phát triển

Cùng với sự bùng nổ của blockchain, Web3 - thế hệ Internet phi tập trung - đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Trong bước tiến tiếp theo của Internet, quyền dữ liệu của mỗi cá nhân sẽ do người dùng kiểm soát, thay vì tập trung trong tay các ông lớn công nghệ. Trong năm 2022, nhiều công ty Web2 đã chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa, tích hợp NFT, ví điện tử. Còn 2023 được cho là năm tăng tốc chuyển đổi từ Web2 lên Web3.

2023 được dự đoán là năm chuyển giao mạnh mẽ từ Web2 lên Web3. Minh hoạ: Cointelegraph

Ngay cả những ông lớn như Google, Amazon cũng đang chạy đua cùng các startup khiến thị trường ngày một sôi động. Điều này giúp cộng đồng có thể sớm được trải nghiệm các dịch vụ mới với giao diện, công nghệ dễ dùng hơn. Web3 được dự đoán sẽ phổ cập diện rộng chứ không chỉ giới hạn trong cộng đồng tiền mã hóa, blockchain.

Kendrick Nguyễn, CEO của Republic, cho rằng trong thế giới Web3, token (mã thông báo) sẽ trở thành tiêu chuẩn cho mọi công ty. Họ phải chứng minh cho khách hàng thấy giá trị của sản phẩm thông qua định giá token, giao dịch một cách minh bạch, an toàn cho cả người mua lẫn người bán mà không phải qua bất kỳ trung gian nào. Còn theo Vlad Shavlidze, người sáng lập và CEO xDAO, khi doanh nghiệp Web2 tiến lên Web3, cần lưu ý ba yếu tố chính là bảo mật, khả năng ứng vào thực tiễn và các tính năng đơn giả cho người dùng.

Căng thẳng ngành chip vẫn tiếp tục

Thị trường chất bán dẫn 2023 được dự đoán tiếp tục chứng kiến nhiều sóng gió mới. Gói hỗ trợ 53 tỷ USD được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt tháng 8/2022 sẽ tạo ra những ảnh hưởng rõ nét hơn năm nay. Trung Quốc cũng sẽ không ngồi yên trong cuộc đua khốc liệt này. Trong khi đó, thị trường chip đang đối mặt cuộc khủng hoảng cung cầu. Các lô hàng tồn kho ngày một nhiều sau giai đoạn tăng trưởng nóng, nhưng những lĩnh vực cần đến chip công nghệ cao như ôtô, IoT, smartphone vẫn khan hiếm trầm trọng do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Nhân viên Samsung cầm tấm wafer 3 nm tại dây chuyền sản xuất ở Hàn Quốc. Ảnh: Samsung

Bất chấp những dự báo xấu về suy thoái kinh tế, Samsung đã công bố chiến lược mở rộng nhà máy lớn nhất - P3 tại Pyeongtaek (Hàn Quốc) bằng cách bổ sung công suất sản xuất tấm wafer 12 inch cho chip nhớ DRAM. Hãng cũng mở rộng nhà máy bằng cách tăng công suất chip 4 nanomet theo thiết kế của khách hàng. Trong khi đó, từ cuối 2022, TSMC thông báo bắt đầu sản xuất quy mô lớn chip 3 nanomet để phục vụ cho iPhone 2023. Reuters dẫn lời chủ tịch TSMC Mark Liu rằng nhu cầu về chip 3 nanomet "rất mạnh". Nó được được thúc đẩy bởi các công nghệ mới như 5G và các sản phẩm điện toán hiệu năng cao. Theo kế hoạch, đầu 2023, TSMC sẽ triển khai sản xuất chip 3 nanomet hiệu suất cao để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của thị trường.

Ẩn số NFT

NFT đã trải qua một năm nhiều cảm xúc. Các bộ sưu tập được thổi giá lên đến triệu USD nhưng sau đó lao dốc. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ công nghệ, giới chuyên gia tin rằng NFT không phải là "bánh vẽ" mà còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Trước đó, Meta đã áp dụng NFT vào Instagram, Facebook trên diện rộng. Hồi tháng 10, Apple cũng ra mặt ủng hộ khi cho phép các ứng dụng trên cửa hàng App Store có thể xem và giao dịch NFT bên trong.

Một NFT được người Việt chia sẻ trên Facebook. 

Không dừng ở đó, NFT đang nhận được sự ủng hộ của một số chính phủ. Theo Sina, ngày 1/1, Trung Quốc chính thức ra mắt nền tảng giao dịch NFT đầu tiên. Sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc, Triển lãm nghệ thuật Trung Quốc và Huban Digital Copyrights Ltd đã cùng nhau tạo ra nền tảng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi NFT như một thị trường thứ cấp. Nền tảng cũng cung cấp cho các tổ chức và cá nhân các dịch vụ giám sát bảo vệ quyền và bảo vệ bản quyền liên quan đến tài sản kỹ thuật số. Việc ra mắt sàn giao dịch NFT cho thấy sự tăng tốc trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành văn hóa ở Trung Quốc và sự nhạy bén của chính phủ trong tiếp cận, khai phá công nghệ tiềm năng. Quan trọng hơn, nếu thành công, Trung Quốc có thể trở thành một ví dụ cho thấy nếu được kiểm soát hiệu quả, NFT sẽ là công nghệ có thể đem đến nhiều thay đổi bất ngờ cho các lĩnh vực truyền thống.

Công nghệ thay đổi ngành chăm sóc sức khỏe

Sự phát triển của AI, đặc biệt là ChatGPT, đang mở ra nhiều thay đổi đáng kinh ngạc cho thấy công nghệ có thể ảnh hưởng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. The Health Site dẫn lời Prashant Parmar, Trưởng phòng Phát triển Bác sĩ, HealthPlix Technologies, cho biết: "Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) và các phương thức quản lý dữ liệu đã khiến ngành này ngày càng thông minh. Trong năm 2023, sẽ có một sự bùng nổ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khỏe". Ông lưu ý thị phần của AI trong thị trường chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ vượt 95,65 tỷ USD vào năm 2028.

Những tiến bộ của công nghệ có thể thu hẹp sự bất bình đẳng trong tiếp nhận dịch vụ, chất lượng y tế. Nhiều công nghệ như thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thuật toán nhận dạng mẫu đã được ứng dụng vào y tế.

Thiết bị đeo kết hợp ứng dụng theo dõi sức khỏe phục vụ thăm khám từ xa sẽ trở nên phổ biến. Ảnh: Devprojournal

Theo các chuyên gia, năm nay, thị trường sẽ chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ theo dõi sức khỏe cá nhân, sẽ có nhiều ứng dụng, tiện ích tích hợp dữ liệu sức khỏe ra đời. Các thiết bị đeo sẽ được sử dụng nhiều hơn để theo dõi hoạt động tập thể dục và sức khỏe, cũng như giúp các bác sĩ theo dõi bệnh nhân từ xa. Internet of Medical Things - thuật ngữ chỉ sự kết hợp dữ liệu từ thiết bị đeo thông minh, ứng dụng di động và hệ thống quản lý y tế để hỗ trợ bác sĩ điều trị bệnh từ xa - sẽ phổ biến trong năm 2023.

Theo vnexpress.net