Thứ 7, 20/04/2024, 14:37[GMT+7]

Hai tháng siêu AI khuấy đảo thế giới

Thứ 2, 23/01/2023 | 14:11:28
6,233 lượt xem
ChatGPT đang càn quét các lĩnh vực của đời sống và được gọi là siêu AI bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, dựng kịch bản... theo ý người dùng.

ChatGPT

ChatGPT là gì?

ChatGPT được Open AI phát hành thử nghiệm từ 30/11/2022, có thể đưa ra các câu trả lời giống một cuộc trò chuyện về nhiều lĩnh vực. Không như các chatbot hiện có, ChatGPT được xây dựng trên mô hình AI tiên tiến GPT-3.5, giúp phản hồi một cách tự nhiên và được đánh giá như người thật.

Siêu AI này đã cán mốc một triệu người dùng chỉ sau 5 ngày ra mắt. Website dự án bị sập 40 phút ngay khi vừa xuất hiện do quá tải. Ở các thị trường chưa được hỗ trợ như Việt Nam, người dùng cũng tìm cách "lách luật", thậm chí thuê tài khoản để có thể trải nghiệm ChatGPT.

Hình ảnh căn phòng kỳ ảo, thú vị được mô tả bởi ChatGPT và vẽ lại bằng AI MidJourney: Nguồn: Guy Parsons

Hình ảnh căn phòng "kỳ ảo, thú vị" được mô tả bởi ChatGPT và vẽ lại bằng AI MidJourney: Nguồn: Guy Parsons

ChatGPT làm được gì?

Chỉ thông qua các câu hỏi từ người dùng, ChatGPT có thể tổng hợp dữ liệu và giải thích các khái niệm, tạo kịch bản phim hay đưa ra lời khuyên về trang phục, công thức nấu ăn, lập trình, viết báo cáo khoa học...

Một phóng viên của Insider đã ra lệnh cho siêu AI viết báo. Cách hành văn, diễn đạt thông tin của nó được đánh giá trôi chảy đến kinh ngạc, nhưng nội dung lại chứa thông tin sai lệch. Một lập trình viên sử dụng hệ thống công nghệ máy học kết hợp ChatGPT để tạo "cô vợ ảo" có thể tương tác như người thật. Có công ty luật chi hàng triệu USD để tìm luật sư ra tòa và biện hộ theo những gì AI nói.

Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên những tranh cãi liên quan đến vấn đề đạo đức. Siêu AI này đang được học sinh, sinh viên yêu thích vì có thể làm thơ, viết văn chỉ trong vài giây với cách diễn đạt tự nhiên, khiến các giáo viên không thể nhận ra. Hệ quả là một số trường học "cấm cửa" AI, yêu cầu sinh viên viết luận trên giấy. ChatGPT được cho là đã làm hỗn loạn ngành giáo dục, đến mức một sinh viên 22 tuổi phải phát triển phần mềm chuyên phát hiện nội dung tạo từ siêu AI.

"ChatGPT đã có mặt khắp nơi, từ trường học, bệnh viện đến trung tâm quảng cáo và trong cả những phòng nghiên cứu. Siêu AI đang mở ra một thời kỳ bùng nổ về khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Dường như ChatGPT có thể làm mọi thứ, miễn là con người nghĩ ra cách tận dụng nó", Business Insider bình luận.

Aaron Levie, CEO Box nổi danh của Thung lũng Silicon, nhận xét trên Twitter: "ChatGPT là một trong những tia sáng công nghệ hiếm hoi cho thấy tương lai sẽ thay đổi theo một cách hoàn toàn khác". Ông cho rằng AI này sẽ thay đổi thế giới như cách Google, AWS và iPhone đã làm. Trong khi đó, Amjad Masad, nhà sáng lập Repl.it - công ty khởi nghiệp về lập trình, đánh giá: "ChatGPT có thể là người đồng hành sửa lỗi tốt, không chỉ giúp lập trình viên tìm lỗi, giải thích lỗi mà còn chỉ ra cách khắc phục".

Sau khi ra mắt, CEO Sundar Pichai của Alphabet coi ChatGPT là "báo động đỏ" với hoạt động kinh doanh của công ty. Siêu AI được kỳ vọng giúp Microsoft lật đổ đế chế Google Search khi có thể thay đổi hoàn toàn cách con người tìm kiếm thông tin.

Cỗ máy kiếm tiền mới của OpenAI

Theo The Verge, trong bối cảnh hàng loạt công ty phát triển AI, ChatGPT ra mắt sớm và miễn phí cho người dùng là lựa chọn khôn ngoan. Tuy nhiên, nó cũng tiêu tốn hàng triệu USD mỗi tháng để vận hành. Do đó, OpenAI chịu không ít áp lực về việc kiếm tiền. Giới chuyên gia cho rằng nếu đưa ra mức phí hợp lý, ChatGPT sẽ sớm trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho OpenAI.

Có những dấu hiệu cho thấy OpenAI đang lên kế hoạch triển khai phiên bản trả phí mang tên ChatGPT Pro, nhưng vẫn chưa có mức giá cụ thể. ChatGPT Pro có một số ưu điểm như trả lời nhanh, không "treo máy", số câu trả lời cũng nhiều gấp đôi so với bản miễn phí. "Với bản Pro, bạn sẽ không còn gặp những hạn chế và chắc chắn hiệu suất sẽ tốt hơn. Nếu bạn quan tâm, vui lòng tham gia khảo sát của chúng tôi", nhà đồng sáng lập OpenAI Greg Brockman mô tả về ChatGPT Pro trên Twitter cá nhân hôm 11/1.

Trong danh sách đăng ký, OpenAI đưa ra một số câu hỏi về thanh toán như "mức cao nhất mỗi tháng bạn có thể trả cho ChatGPT". Công ty cho biết những người đầu tiên ghi danh có thể được trải nghiệm trước phiên bản Pro. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nên không được phổ biến trên diện rộng.

"Chúng tôi đang bắt đầu nghĩ cách kiếm tiền từ ChatGPT. Mục tiêu là tiếp tục cải thiện và duy trì dịch vụ. Để duy trì dự án lâu dài, chúng tôi phải kiếm tiền", đại diện OpenAI nói trên Discord.

Thay đổi cuộc chơi

Trong khi OpenAI đang tìm đến các mô hình kinh doanh để có thể tiếp tục duy trì dịch vụ, Bloomberg cho biết Microsoft đang có kế hoạch đầu tư thêm 10 tỷ USD để đổi lấy 49% cổ phần trong OpenAI. Gã khổng lồ công nghệ thậm chí lên phương án tích hợp ChatGPT vào cả Word, Powerpoint Outlook và công cụ tìm kiếm Bing để cạnh tranh thị phần với Google Search.

Trước đó, từ 2019, Microsoft đã rót một tỷ USD vào OpenAI và được xem là khoản đầu tư khôn ngoan. The Verge cho rằng lợi nhuận từ thương vụ và nhiều quyền lợi khác có thể đảm bảo một tương lai rộng mở cho hãng. Nếu khoản tiền 0 tỷ USD tiếp theo được thông qua, nó có thể gây ra chấn động lớn trong giới AI. Khi đó, các công ty công nghệ sẽ phải nhanh chóng chạy đua trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nếu không muốn bị bỏ lại.

Eric Boyd, Giám đốc mảng trí tuệ nhân tạo của Microsoft, cho biết những mô hình AI này sẽ thay đổi cách con người tương tác với máy tính. Việc nói chuyện với máy tính sẽ trở nên tự nhiên như giao tiếp giữa người với người. Nó thậm chí thay đổi trải nghiệm hàng ngày của người dùng về công nghệ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng OpenAI sẽ cần sức mạnh điện toán đám mây lớn, có nghĩa họ phải phụ thuộc không ít vào ông lớn công nghệ. Nếu thương vụ 10 tỷ USD thành công, liên minh Microsoft - OpenAI nói riêng và các liên minh về trí tuệ nhân tạo khác nói chung có thể trở thành mối lo mới của cơ quan quản lý. Khi nắm trong tay cả tiềm lực tài chính lẫn công nghệ có sức ảnh hưởng lớn, các công ty công nghệ lớn sẽ trở thành "ông kẹ" khiến cả người dùng và cơ quan quản chức năng phải đề phòng.

Theo vnexpress.net