Thứ 4, 24/04/2024, 07:12[GMT+7]

Phiền toái vì mạng chậm

Thứ 4, 01/02/2023 | 10:16:26
5,509 lượt xem
Đăng ký dịch vụ của cả ba nhà mạng lớn, Đức Tiến không ngờ vẫn có ngày phải dùng mạng kiểu "rùa bò" khi cần tải dữ liệu từ Internet.

Ảnh minh họa

"Một file vài trăm MB trước tải về trong tích tắc, còn nay download thành công đã mừng", Đức Tiến, phụ trách một cửa hàng máy tính tại Cầu Giấy (Hà Nội), nói.

Là cửa hàng chuyên bán thiết bị tin học, đường truyền Internet đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành. Anh Tiến đã lắp đường truyền của ba nhà mạng, kết hợp bộ cân bằng tải để có thể ưu tốc độ khi có nhà mạng gặp vấn đề. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu khai xuân, bốn tuyến cáp quang biển gặp sự cố khiến các nhà cung cấp Internet đều bị ảnh hưởng.

Ngày 30/1, khi cần tải phần mềm từ trang web nước ngoài, anh Tiến bất ngờ khi thấy tốc độ tải chưa đến 1 Mb/giây, giảm hàng trăm lần so với trước, khiến người bán và người mua đều mất kiên nhẫn. Cửa hàng anh không lưu trữ nhiều phần mềm do bình thường có thể tìm và tải theo yêu cầu của khách rất nhanh. Tuy nhiên do mạng chậm, việc cài phần mềm từ vài phút giờ kéo dài vài chục phút.

Những tác vụ tưởng chừng đơn giản cũng không được như trước. Anh thường mở video 4K trên YouTube để khách kiểm tra màn hình, nhưng phần lớn video hiện bị giảm xuống độ phân giải thấp nhất. Website bán hàng sử dụng dùng ảnh chất lượng cao để khách xem chi tiết, nay trở thành gánh nặng.

Kết quả đo bằng website Speedtest tại cửa hàng anh Tiến, sáng 30/1. Ảnh: Đức Tiến

Kết quả đo bằng website Speedtest tại cửa hàng anh Tiến sáng 30/1 với tốc độ download 0,38 Mb/giây, thấp hơn hàng trăm lần ngày thường. 

Nhật Anh, giám đốc một startup công nghệ tại Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết, mỗi khi đường truyền Internet gặp sự cố, anh phải đau đầu giải quyết vấn đề ở cả phía người dùng lẫn khâu vận hành.

"Mạng kém ổn định khiến anh em làm phần mềm chậm trễ hoàn thành công việc. Khách hàng không truy cập được dịch vụ cũng tưởng sản phẩm của chúng tôi gặp lỗi". anh kể.

Theo khảo sát của VnExpress thực hiện ngày 30/1 với hơn 5,5 nghìn lượt tham gia, 93% người dùng cho biết tốc độ Internet trên máy của họ chậm hơn, chỉ 5% thấy không thay đổi và 2% nhận thấy nhanh hơn. So với các sự cố trước, các nhà mạng thừa nhận sự cố lần này đang gây ảnh hưởng nặng hơn.

Huỳnh Anh, một người dùng tại TP HCM, cho biết mỗi khi Internet tại nhà gặp vấn đề, anh thường chuyển sang kết nối 4G. Lần này, cách làm trên không còn hiệu quả. "Công việc chính của tôi là trên mạng xã hội. Nhưng giờ để tải một bức ảnh trên ứng dụng Facebook có khi mất cả phút. Wi-Fi, 4G đều chậm như nhau", Huỳnh Anh nói.

Vì sao mạng chậm?

Tốc độ Internet của Việt Nam thường xuyên chập chờn nhiều tháng nay, khi các tuyến cáp quang biển như AAG, APG, AAE gặp sự cố cuối năm 2022. Trong đó kết nối qua AAG và APG mất toàn tuyến. Ngày 28/1, đến lượt tuyến IA gặp lỗi theo hướng đi Singapore, khiến Việt Nam chỉ còn duy nhất một tuyến có thể khai thác trọn vẹn là SMW3, cùng một số tuyến phụ trên đất liền.

Đại diện Viettel đánh giá đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố đồng thời trên cả bốn tuyến cáp quang biển chính kết nối từ Việt Nam đi quốc tế, lại đúng dịp khai xuân, nên nhà mạng đã triển khai tất cả các giải pháp tối ưu nhất để xử lý.

Theo nhà mạng VNPT, việc truy cập Internet quốc tế của người dùng Việt Nam đều bị ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt trong giờ cao điểm và đối với các hoạt động đòi hỏi băng thông tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim.

Các nhà mạng đều khẳng định đang phối hợp với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý sự cố, đồng thời thực hiện phương án ứng cứu. Nhưng theo đánh giá của nhiều người dùng, tốc độ Internet vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Ứng dụng Facebook trên điện thoại không thể tải ảnh trên kết nối LTE, trưa ngày 31/1, tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Ứng dụng Facebook trên điện thoại không thể tải ảnh với kết nối LTE trưa 31/1 tại Hà Nội. 

Sự cố hy hữu với đường truyền Internet diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng về phát triển lĩnh vực viễn thông. Trong báo cáo công tác 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu 76% người dân sử dụng Internet năm 2023. Một trong những nhiệm vụ đặt ra cho ngành viễn thông đến 2024 - 2025 là mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực.

Tuy nhiên, cáp quang biển kết nối Việt Nam với thế giới lại bị đánh giá là thiếu và yếu. Việt Nam hiện có bảy tuyến cáp biển gồm: SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1, SJC2, ADC. Trong đó, SMW3 là tuyến cáp cũ, hoạt động từ năm 1999, chuẩn bị phải thanh lý, còn SJC2 và ADC chưa được đưa vào khai thác. Những tuyến còn thường bị đứt trung bình ba lần mỗi năm.

Theo thống kê của Speedtest tính đến tháng 12/2022, tốc độ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam đạt 82 Mb/giây, đứng thứ 46 thế giới, trong khi Internet di động đạt 42 Mb/giây, đứng thứ 51 thế giới.

Theo vnexpress.net