Thứ 6, 10/01/2025, 02:06[GMT+7]

Hàng triệu thuê bao có nguy cơ bị khóa

Thứ 4, 29/03/2023 | 18:01:53
1,454 lượt xem
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết còn hai triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin, và Bộ sẽ không lùi thời hạn khóa thuê bao vào 31/3.

Một người nhận được thông báo từ nhà mạng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một số nhà mạng đề nghị gia hạn kế hoạch khóa thuê bao để người dân chuẩn hóa nốt thông tin. "Lùi thời hạn sẽ làm cho nhiều thuê bao lần lữa trong việc chuẩn hóa khi nhận thông báo từ nhà mạng. Vì vậy, Bộ kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao sau ngày 31/3", Thứ trưởng Phạm Đức Long nói ngày 29/3.

Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông đến hết ngày 28/3, đã có hơn 1,8 triệu thuê bao cập nhật thông tin cá nhân. Con số này chỉ chiếm 46,89% trong tổng số 3,8 triệu thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa.

Trước đó, Cục yêu cầu nhà mạng nhắn tin tới toàn bộ người dùng trong diện chuẩn hóa từ 15/3. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết việc cập nhật chỉ rộ lên đợt đầu, sau đó có dấu hiệu chững lại. Một số nhà mạng cũng xác nhận trong bốn ngày mở màn, số lượng người đến các điểm giao dịch tăng vọt. Tuy không có hiện tượng quá tải, người dân cũng phải chờ 20-30 phút để đến lượt làm thủ tục.

Nhiều người khác chọn cập nhật qua ứng dụng để không mất thời gian ra điểm giao dịch nhưng lại gặp rắc rối như lỗi phần chụp ảnh CCCD, hệ thống báo nhận diện không thành công... Độc giả Thế Ngọc phản ánh quá trình thực hiện bước xác minh khuôn mặt của anh kéo dài 10 phút, ứng dụng xoay vòng và hiển thị thông báo thông tin chưa chính xác.

Theo Nghị định 49 về lĩnh vực viễn thông di động, sau 15 ngày kể từ khi nhận thông báo, tức 31/3, thuê bao sẽ bị khóa một chiều. Nếu tiếp tục không thực hiện, thuê bao sẽ bị khóa hai chiều sau 15/4 và chấm dứt hợp đồng, thu hồi số vào 15/5. Trong khi đó, một số nhà mạng cho biết nhiều người dùng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn hóa thông tin. Ngoài ra, các thuê bao trải dài ở nhiều khu vực, tỷ lệ phản hồi tin nhắn thấp.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, khẳng định chỉ thuê bao nhận được tin nhắn mới cần đi cập nhật, do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp sử dụng sim không chính chủ, đăng ký bằng giấy tờ cũ như chứng minh nhân dân nhưng khớp với cơ sở dữ liệu sẽ không thuộc diện chuẩn hóa đợt này. Tuy nhiên, nhà mạng khuyến khích người dùng chủ động kiểm tra thông tin, sử dụng sim chính chủ, chuyển sang số CCCD để có đầy đủ quyền lợi.

Việc chuẩn hóa thuê bao di động là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Hoạt động này được đánh giá là cần thiết nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi dùng sim điện thoại không đúng quy định để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, theo các nhà mạng, thông tin thuê bao chính xác giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu.

Theo vnexpress.net