Chủ nhật, 24/11/2024, 15:19[GMT+7]

Cách Big Data và AI hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định

Thứ 4, 12/04/2023 | 17:08:17
4,592 lượt xem
Theo chuyên gia, Big Data và AI có thể kết hợp để phân tích dữ liệu, đưa ra dự báo, hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định, tăng năng suất.

Ông Trương Gia Bảo chia sẻ về dữ liệu lớn và AI.

Nhận định được các chuyên gia về công nghệ, đại diện các doanh nghiệp, ngân hàng đưa ra tại Hội nghị Quốc tế về Kinh tế lần thứ nhất, diễn ra tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cuối tháng 3. Các chuyên gia cho rằng sự phát triển của Big Data (dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo) đang làm thay đổi nền kinh tế hiện đại, từ tăng cường năng suất đến tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Theo các diễn giả, Big Data hiện áp dụng trong nhiều công việc khác nhau như phân tích dữ liệu thị trường, khách hàng, tài chính, tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân tích, dự đoán các xu hướng. Công cụ này giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định đúng đắn dựa trên các chỉ số, chỉ báo thu thập được. Chẳng hạn, dữ liệu lớn thu thập thông tin về hành vi tiêu dùng khách hàng. Phân tích những chỉ số này, các đơn vị có thể hiểu được xu hướng tiêu dùng để đưa ra chiến lược phù hợp trong kế hoạch ra mắt sản phẩm.

Big Data và AI là hai khái niệm độc lập nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, Big Data cung cấp nguồn dữ liệu lớn, phức tạp và đa dạng cho AI để có thể xử lý, phân tích và đưa ra các giải pháp kinh doanh thông minh. Các thuật toán AI được phát triển để tự động hóa quy trình, dự đoán xu hướng thị trường và đưa ra các giải pháp kinh doanh thông minh.

Để đạt hiệu quả AI cần được cung cấp với một lượng dữ liệu. Big Data sẽ đảm nhận nhiệm vụ này. Dữ liệu lớn giúp AI tạo ra các mô hình dự đoán, phân tích rủi ro và đưa ra các quyết định kinh doanh. Ngược lại, AI đóng góp vào việc cải thiện khả năng xử lý dữ liệu của Big Data. Các thuật toán học máy và trí tuệ nhân tạo có thể sử dụng tối ưu hóa quy trình xử lý dữ liệu, tăng tốc độ truy cập và giảm chi phí lưu trữ.

Ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch DTS Group, Phó chủ tịch VFCA cho rằng dễ nhìn thấy mối liên hệ giữa hai công nghệ. Ví dụ như, doanh nghiệp có thể dùng Big Data để thu thập dữ liệu về các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, sau đó các thuật toán trí tuệ nhân tạo ứng dụng để dự báo xu hướng và biến động. Trong phát triển sản phẩm, công nghệ có thể dùng phân tích nhu cầu của khách hàng, sau đó AI tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng nhu cầu đó.

Ông Bảo dẫn ví dụ của Amazon khi ông lớn này sử dụng hệ thống phân tích dữ liệu và AI để đề xuất sản phẩm cho khách hàng, đồng thời cải thiện quy trình vận chuyển và giao hàng. Bên cạnh đó, công ty này phân tích để tối ưu hóa giá cả và quản lý hàng tồn kho của mình.

Các diễn giả tham gia hội thảo. Ảnh: DTS

Các diễn giả tham gia hội thảo. Ảnh: DTS

Bank of America dùng hai công nghệ này để phát hiện gian lận và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh. Ngân hàng này tận dụng AI để phân tích dữ liệu khách hàng và đưa ra các đề xuất tài chính phù hợp. Đơn giản hơn là việc Facebook tối ưu hóa quảng cáo và cải thiện trải nghiệm người dùng, sử dụng dữ liệu về hành vi và sở thích để đề xuất quảng cáo phù hợp. "Điều này cho thấy việc áp dụng big data và AI vào kinh tế đang trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, cần được quan tâm đầu tư phát triển", Chủ tịch DTS Group nói.

Dù nhiều lợi ích, hai công nghệ vẫn phải đối mặt với thách thức từ bảo mật thông tin và khả năng phân tích chính xác. Các diễn giả cho rằng để phân tích hiệu quả đòi hỏi một số kỹ năng chuyên môn như kiến thức về thống kê, toán học, tầm nhìn chiến lược, hiểu biết về thực tế thị trường. Việc đầu tư vào những công nghệ mới cũng đặt ra bài toán chi phí với các đơn vị.

Để giải quyết những rủi ro và thách thức của việc áp dụng công nghệ trong kinh doanh, ông Bảo gợi ý các doanh nghiệp đầu tư vào các phần mềm bảo mật và các biện pháp an ninh mạng đồng thời chú trọng đào tạo nhân viên hiểu biết về dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Doanh nghiệp cần xác định mục tiêu chiến lược và đưa ra lộ trình áp dụng để đạt mục tiêu. "Ngoài ra, các đơn vị nên lựa chọn đối tác là các tên tuổi lớn. Chọn dùng các giải pháp có sẵn, áp dụng phương thức đám mây hoặc thuê dịch vụ bên thứ ba là những cách tiết kiệm chi phí", chuyên gia nhận định.

Đây là lần đầu tiên Đại học Công nghiệp thực phẩm tổ chức hội nghị Quốc tế về lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực kinh tế. Hội nghị được xem như nơi tập hợp, chia sẻ các ý tưởng liên ngành trong lĩnh vực kinh tế. Tiến sĩ Bùi Hồng Đăng, Phó Hiệu trưởng trường cho biết sự kiện được tạo ra với mục đích là diễn đàn cho các học giả, học viên, các nhà nghiên cứu trình bày, thảo luận về những vấn đề được quan tâm, đặc biệt là về ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn trong các khía cạnh kinh doanh.

Theo vnexpress.net