Thứ 6, 10/01/2025, 10:39[GMT+7]

Cáp quang biển lại gặp sự cố mới

Thứ 7, 22/04/2023 | 16:09:31
2,706 lượt xem
APG, tuyến cáp có băng thông lớn nhất, phát sinh lỗi mới trên nhánh S7 gần trạm cập bờ Đà Nẵng, giữa lúc cả 5 tuyến chưa sửa xong.

Đường đi của tuyến APG.

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho biết vấn đề mới phát sinh trên phân đoạn APG rẽ nhánh vào Việt Nam, cách điểm cập bờ tại Đà Nẵng 206 km. Hiện chưa có thông tin về thời gian khắc phục sự cố.

Asia Pacific Gateway (APG) là tuyến cáp biển có băng thông lớn nhất đang kết nối tới Việt Nam, với chiều dài 10.400 km, khả năng cung cấp băng thông tối đa 54 Tb/giây và được đưa vào khai thác từ cuối 2016. Cuối tháng 12/2022 và giữa tháng 1, APG gặp lỗi trên nhánh S6 hướng đi Hong Kong và nhánh S9 với vị trí lỗi cách trạm cập bờ SEA 151 km. Hai sự cố khi đó gây mất toàn bộ dung lượng trên tuyến APG.

Vấn đề trên nhánh S9 hướng đi Singapore và Nhật Bản của APG được sửa xong cuối tháng 3. Trong khi đó, thời gian khắc phục nhánh S6 đang bị lùi sang cuối tháng 4.

Việt Nam có năm tuyến cáp quang biển đang hoạt động và lần đầu cả năm tuyến cùng gặp sự cố. Bên cạnh APG, tuyến AAE-1 lỗi từ ngày 24/11/2022, mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong và dự kiến được sửa từ 2/5 đến 17/5.

Tuyến AAG gặp sự cố vào tháng 12/2022 và tháng 1, mất dung lượng tất cả các hướng. Trong đó, nhánh S1I và S1G sẽ được khắc phục vào đầu tháng 5, còn S1B và S1D chưa có lịch sửa. Tuyến IA lỗi cuối tháng 1 và có thể được khôi phục trong tháng 4, trong khi SMW-3 gặp lỗi nhỏ vào tháng 2 nhưng chưa được sửa.

Giải thích về việc chậm trễ, đại diện ISP tại Việt Nam cho biết quá trình sửa cáp quốc tế gặp nhiều thách thức, trong đó có việc xin phép các nước để tiếp cận vị trí cáp. Các tuyến đều thuộc sở hữu và quản lý của các liên minh, gồm nhiều doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, các nhà mạng Việt không thể chủ động trong việc khắc phục.

Ngày 9/2, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng mở thêm dung lượng cáp quang trên đất liền, chia sẻ, ứng cứu lưu lượng dịch vụ viễn thông và Internet đi quốc tế cho nhau. Tình trạng Internet chập chờn dần giảm bớt, nhưng theo đánh giá của nhiều người dùng, chất lượng Internet chưa thể trở lại như giai đoạn bình thường.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu Việt Nam sẽ có 10 tuyến cáp quang biển trong hai năm tới, trong đó có ba tuyến do doanh nghiệp trong nước làm chủ để tránh tình trạng phụ thuộc vào các liên minh.

Theo vnexpress.net