Thứ 6, 10/01/2025, 10:42[GMT+7]

Nhà mạng Việt đua làm cáp quang biển

Chủ nhật, 30/04/2023 | 15:49:03
2,248 lượt xem
FPT Telecom dự kiến kết nối vào tuyến ALC, trong khi Viettel và VNPT sẽ bổ sung bốn tuyến cáp quang biển mới.

FPT Telecom dự kiến tham gia vào tuyến cáp quang biển ALC với điểm cập bờ tại Việt Nam ở Đà Nẵng. Ảnh: Anh Tú/ SubmarineCable

Tại đại hội cổ đông diễn ra tuần này, FPT Telecom đã thông qua chủ trương đầu tư dự án ALC, trở thành nhà mạng lớn tiếp theo của Việt Nam tham gia cuộc đua cáp quang biển.

ALC (Asia Link Cable) là tuyến cáp có độ dài 6.000 km, sẵn sàng vận hành vào quý III/2025, theo TeleGeography. Tuyến có hai trung tâm kết nối chính trong khu vực là Singapore và Hong Kong, ngoài ra còn một số điểm cập bờ khác ở Brunei, Philippines. Trong tờ trình của FPT Telecom, nhà mạng này dự kiến kết nối vào ALC ở điểm cập bờ Đà Nẵng, tương tự hai tuyến APG và SMW-3 hiện nay, nhưng chưa rõ thời gian triển khai.

Sau khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến cáp quang biển đầu tiên mà FPT sở hữu đường kết nối tới Việt Nam, thay vì phải thuê từ nhà mạng khác như hiện nay. Tổng dung lượng băng thông dài hạn nhà mạng này dự định khai thác là 18 Tbps.

Trước FPT, hai nhà mạng Viettel và VNPT cũng công bố kế hoạch khai thác hai tuyến cáp mới cuối năm nay hoặc đầu năm sau, cũng với dung lượng 18 Tpbs.

Đại diện Viettel cho biết tập đoàn dự kiến đầu tư thêm bốn tuyến cáp quang biển từ nay đến 2030. Trong đó, điểm cập bờ Quy Nhơn của tuyến ADC (Asia Direct Cable) đã hoàn thành và có thể được khai thác ngay cuối năm nay. Có thêm 18 Tbps từ ADC, dung lượng kết nối quốc tế của Viettel sẽ tăng gấp ba, từ mức 9 Tpbs hiện nay.

Tương tự, VNPT cũng đang đầu tư thêm bốn tuyến cáp biển mới, trong đó tuyến SJC 2 (South East Asia – Japan 2) sẽ được đưa vào khai thác từ cuối 2023, bổ sung thêm 18 Tbps lưu lượng quốc tế. Theo VNPT, kế hoạch này là để dự phòng trường hợp những tuyến cáp hiện có gặp sự cố, đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng băng thông quốc tế trong dài hạn, hỗ trợ đường truyền cho các nhà mạng khác khi có nhu cầu.

Hồi tháng hai, nhà mạng này cho biết SJC 2 đã đạt tỷ lệ xây dựng 60% với 8/10 điểm cập bờ. Điểm cập bờ tại Quy Nhơn đã hoàn thành từ tháng 8/2019 và toàn tuyến sẽ hoạt động vào cuối năm.

"Dự kiến đến 2030, Việt Nam có hạ tầng cáp biển hiện đại với chín tuyến, đưa Việt Nam thành hub kết nối trong khu vực, giảm phụ thuộc hai hub chính hiện nay là Singapore và Hong Kong", VNPT cho biết.

Hai tuyến cáp quang biển sắp khai thác của Viettel và VNPT. Đồ họa: Hoàng Khánh

Hai tuyến cáp quang biển sắp khai thác của Viettel và VNPT. 

Hiện Internet Việt Nam kết nối đi quốc tế qua năm đường cáp quang biển, gồm APG, AAG, SMW-3, IA và AAE-1. Từ cuối năm ngoái đến nay, cả năm lần lượt gặp lỗi, khiến các nhà mạng phải ứng cứu qua các tuyến cáp đất liền.

Tại cuộc họp hồi tháng 2, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu Việt Nam làm chủ một số tuyến cáp quang biển nhằm giảm phụ thuộc vào các liên minh (consortium) như hiện nay. Có ba nhà mạng đang được giao hoặc chủ động đề xuất tự xây dựng tuyến cáp riêng. Tuy nhiên, kế hoạch chi tiết chưa được công bố.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu tăng số lượng cáp quang, Việt Nam có lợi thế so với Singapore là diện tích lớn, còn nhiều chỗ trống cho kết nối. "Khi các tuyến cáp đi Hong Kong và Singapore gặp nhiều khó khăn, chúng ta lại nhìn thấy cơ hội để Việt Nam trở thành hub kết nối đi quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tại hội nghị giao ban hôm 7/4, Bộ trưởng cũng cho biết hạ tầng viễn thông là thành phần quan trọng của hạ tầng nền kinh tế số, vì vậy không thể kém ổn định và thiếu bền vững như vừa qua. Theo ông, quản lý nhà nước tại Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng và sự bền vững của hạ tầng số quốc gia.

Theo vnexpress.net