Thứ 6, 10/01/2025, 16:05[GMT+7]

Vì sao thị trường bán dẫn toàn cầu sụt giảm mạnh?

Thứ 4, 03/05/2023 | 15:43:53
1,649 lượt xem
Số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA cho thấy, doanh thu bán dẫn toàn cầu trong quý I năm nay chỉ đạt 119,5 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Intel và Samsung, hai ông lớn về chip bán dẫn, đều ghi nhận quý I thua lỗ nhất trong nhiều năm, công ty sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) cũng cảnh báo doanh thu có thể sụt giảm trong năm nay. Sự sụt giảm theo năm được ghi nhận tại tất cả các khu vực, trong đó mức giảm mạnh nhất là tại châu Á với 22,2%, riêng Trung Quốc giảm tới 34,1%. Gartner - công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới - dự báo doanh thu bán dẫn toàn cầu sẽ giảm 11,2% trong năm nay.

Những khó khăn về kinh tế vĩ mô

Số liệu thống kê trong đầu năm 2023 cho thấy, các ông lớn ngành chip bán dẫn như Intel và Samsung lao đao vì nhu cầu giảm, như đối với Intel không chỉ chip máy tính mà nhu cầu về chip cho các trung tâm dữ liệu cũng giảm mạnh. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành chip nổi bật với tính chất dễ biến động khi cung và cầu trên thị trường này thường thay đổi theo sự tăng giảm của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, doanh số bán dẫn ghi nhận giảm trong quý đầu tiên của năm 2023 có thể nói là do tính chu kỳ của thị trường và những khó khăn về kinh tế vĩ mô.

Vì sao thị trường bán dẫn toàn cầu sụt giảm mạnh? - Ảnh 1.

Trong dịch COVID-19 đã ghi nhận sự tăng vọt về nhu cầu chất bán dẫn, nhất là các sản phẩm chip cho máy tính, điện thoại thông minh, nhưng sau dịch, nhu cầu hàng điện tử như vậy đã sụt giảm nhanh chóng, kéo theo sự trì trệ sản xuất của doanh nghiệp, dẫn tới số lượng tồn kho chất bán dẫn tăng lên và giá giảm mạnh.

Biện pháp đối phó với thách thức từ thị trường

Mặc dù sụt giảm trong năm 2023, nhưng các nhà sản xuất dự báo thị trường chất bán dẫn sẽ phục hồi trong năm 2024, do đó, biện pháp trước mắt của các nhà sản xuất chip bán dẫn chính là tạm thời cắt giảm đầu tư, thu hẹp sản lượng, thành lập liên minh hoặc thậm chí xem xét sáp nhập.

Còn về lâu dài, các nhà sản xuất sẽ tăng đầu tư phát triển công nghệ lẫn dây chuyền sản xuất mới để sản xuất chip bán dẫn thế hệ mới tiên tiến có kích thước nhỏ hơn, hiệu xuất cao hơn, nhu cầu của những thế hệ chip bán dẫn tiên tiến này được dự báo sẽ không giảm mà còn tăng mạnh, khi các công nghệ mới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối Internet cần những con chip hiện đại ngày càng phát triển.

Vì sao thị trường bán dẫn toàn cầu sụt giảm mạnh? - Ảnh 2.

Một ví dụ có thể thấy rõ là ông lớn của ngành bán dẫn là tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) hiện vẫn giữ được lợi nhuận ổn định, vì tập đoàn này sản xuất một số loại chip thuộc dạng nhỏ và hiện đại nhất, mà nhu cầu các loại chip này vẫn đang cao trong khi nguồn cung thiếu hụt.

Triển vọng công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Xu hướng nổi bật trong ngành bán dẫn là tập trung phát triển chip thế hệ mới. Cùng lắng nghe ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn về triển vọng của ngành công nghiệp quan trọng này trong tương lai.

PGS. Peter Bermel - Chuyên ngành Kỹ sư Điện và Máy tính, Đại học Purdue, Mỹ: Tôi kỳ vọng rằng nhiều lĩnh vực sẽ chứng kiến sự phát triển của linh kiện điện tử bán dẫn, nhưng đặc biệt là các ngành giải trí, thông tin truyền thông và phối hợp làm việc từ xa. Nhất là khi nhiều người đang làm việc trong môi trường ảo, hoặc kết hợp thực tế và kỹ thuật số. Đây là lĩnh vực nhiều dư địa tăng trưởng. Ngoài ra, việc phát triển Internet tốc độ cao hơn cũng mở ra nhiều tính năng hơn.

Vì sao thị trường bán dẫn toàn cầu sụt giảm mạnh? - Ảnh 3.

Ông Saito Kohei - Phó Chủ tịch Công ty công nghệ LINX chi nhánh tại Đài Loan (Trung Quốc): Các sản phẩm công nghệ ngày càng trở nên tinh vi và chính xác hơn, điều này đòi hỏi chúng tôi phải thích ứng với những yêu cầu ngày càng phức tạp. Đây là cơ hội để chúng tôi phát triển.

GS. Mark Lundstrom - Phụ trách Văn phòng Bán dẫn, Đại học Purdue, Mỹ: Chính phủ sẽ cần thiết kế các chương trình hiệu quả, khuyến khích các công ty, đồng thời thực hiện một chương trình nghiên cứu và phát triển thu hút sự tham gia của cả các trường đại học và các doanh nghiệp để hai bên có thể phối hợp cùng giải quyết những thách thức hiện nay. Các trường đại học và các công ty cần phải hợp tác với nhau để đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo. Phải làm sao để có thể đưa những tiến bộ công nghệ từ phòng thí nghiệm của các trường đại học vào sản xuất một cách nhanh chóng hơn.

Tình trạng suy thoái nhanh chóng do hàng tồn kho gia tăng và nhu cầu trên thị trường giảm là điều mà các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn đã không dự tính được. Dù triển vọng của năm nay không mấy khả quan do môi trường kinh tế toàn cầu vẫn phức tạp, nhưng các chuyên gia cho rằng, các động lực thúc đẩy sản xuất dài hạn vẫn còn đó và sẽ giúp thị trường bán dẫn hồi phục và tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Theo vtv.vn