Thứ 6, 10/01/2025, 15:41[GMT+7]

Tiềm năng và thách thức trong sáng tạo nội dung số

Thứ 2, 08/05/2023 | 11:40:13
1,782 lượt xem
Với hơn 161 triệu kết nối di động và hơn 70 triệu người sử dụng mạng xã hội (theo số liệu cuối năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông), sáng tạo nội dung số là một lĩnh vực tuy mới mẻ tại Việt Nam, nhưng bùng nổ rất nhanh, nhất là trong lĩnh vực giải trí, văn hóa nghệ thuật.

Các đại biểu tại Diễn đàn sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số.

Thời gian qua, nhiều hội nghị, diễn đàn đã được tổ chức để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cá nhân tham gia sáng tạo nội dung số tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững, hòa cùng xu hướng của thế giới.

Trong 5 năm qua, sản phẩm nội dung số ngày càng đa dạng, không chỉ bao gồm tin tức, giải trí, giáo dục, thể thao… từ báo chí, truyền hình chuyển dịch lên không gian số. Sáng tạo nội dung số giờ đây còn bao gồm sản xuất nội dung và kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới miễn phí (YouTube, Facebook, TikTok…); kinh doanh âm nhạc, phim và chương trình truyền hình trực tuyến (Spotify, Amazon Music, Netflix…); cung cấp hình ảnh, video, tranh, bản vẽ thiết kế, giáo dục trực tuyến; phát hành trò chơi trực tuyến (games online)… Tuy nhiên, các hoạt động trong lĩnh vực này thường xuyên phát sinh những vướng mắc, bất cập chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, thậm chí trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là trong việc bảo vệ bản quyền.

Theo ghi nhận của Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), khi số người tiêu thụ nội dung số tăng thì số người dùng trái phép nội dung vi phạm bản quyền cũng tăng. VDCA ước tính số lượng người tiêu thụ nội dung video vi phạm bản quyền năm 2022 là 15,5 triệu người, làm thất thoát gần 350 triệu USD, chiếm 18% doanh thu ngành video hợp pháp. Ðến năm 2027, con số này có thể tăng đến hơn 19 triệu người, làm thất thoát hơn 450 triệu USD.

Trong diễn đàn "Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số" vừa diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, Tạ Mạnh Hoàng đã chia sẻ về những cơ hội, thách thức và kinh nghiệm để sản phẩm nội dung số Việt Nam khắc phục khó khăn, chinh phục thị trường quốc tế.

Ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các nhà sáng tạo nội dung số tiếp cận với công chúng một cách dễ dàng hơn. Tại Việt Nam hiện nay có 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng YouTube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng TikTok, với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix. Ngành công nghiệp nội dung số trên toàn cầu cũng đã có bước phát triển rất nhanh trong nhiều lĩnh vực như truyền thông, công nghệ, thiết kế, nghệ thuật, giải trí… Trong dòng chảy này, Việt Nam có nhiều lợi thế, chẳng hạn như nguồn nhân lực trẻ với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao.

Tuy nhiên, phần lớn nội dung số ở Việt Nam vẫn mang tính tự phát, tiềm ẩn không ít nguy cơ, rủi ro. Nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số chưa được nâng cao, rất dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực, không mang nhiều giá trị, hoặc vi phạm bản quyền. Sự phát triển quá nhanh của các loại hình nội dung số cũng khiến các cơ quan chức năng và chính doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo phải loay hoay khi chưa hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ và nâng cao vị thế của các doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Một trường hợp gần đây nhất là việc bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của Sconnect Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại không nhỏ. Trước thực trạng này, ông Tạ Mạnh Hoàng kiến nghị cần tăng cường giao lưu liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng mảng trong nước và quốc tế, tham dự các triển lãm, hội trợ cùng mảng quốc tế, tiếp cận và học hỏi các mô hình quản trị hiện đại, các công nghệ mới, tuyển dụng và bồi dưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia. Mặt khác, các cá nhân, doanh nghiệp trong nước cũng cần kết nối với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, tham vấn chính sách phát triển cùng các cơ quan nhà nước.

Tại diễn đàn này, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin-Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thiện Nghĩa khẳng định, thời gian tới cần thúc đẩy sản phẩm "Make in Vietnam", chú trọng nội dung được sản xuất tại Việt Nam và bởi người Việt Nam khi xuất khẩu nội dung số ra thế giới. Về góc độ hỗ trợ chống vi phạm bản quyền, diễn giả này lấy thí dụ tham khảo là mô hình đánh mã sản phẩm nội dung số tự động của Hàn Quốc. Với hệ thống này, khi tác giả đăng tải sản phẩm số (có thể là hình ảnh, video, trò chơi trực tuyến…) sẽ được phân tích nội dung và cấp một mã đánh dấu trên môi trường số. Sản phẩm có mã này khi hoạt động ở vùng khác vẫn được nhận diện, bảo vệ. Hàn Quốc và Ðức là hai trong số các quốc gia đã liên kết với bốn hệ thống mã sản phẩm lớn nhất thế giới.

Tiếp tục chia sẻ về việc phát triển và ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng, khi có những nền tảng như ChatGPT thì đối với ngành công nghiệp nội dung sẽ có nền tảng tương tự. Như vậy, cần làm rõ bản quyền nội dung sản xuất bằng những nền tảng đó thuộc về ai, chính sách như thế nào… Chẳng hạn, hiện nay một số quốc gia đã đưa ra yêu cầu các video được sản xuất hoàn toàn hoặc hỗ trợ từ AI thì phải ghi chú rõ ràng để người dùng quyết định có theo dõi nội dung đó hay không.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia từ Trung tâm Bản quyền số, Trung tâm không gian mạng Viettel, đại diện Sconnect Việt Nam, các đài truyền hình VTV, VTC… cũng chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp sáng tạo nội dung số bắt kịp xu hướng. Theo đó, cần thay đổi tư duy nhằm tạo ra những nội dung đa dạng, tin tức giá trị, có tính giáo dục và phù hợp nhu cầu của khách hàng, phù hợp thiết bị số cũng như không gian số, từ đó có thể biến sáng tạo nội dung số thành mảnh đất đầy tiềm năng.

Mới đây, để đóng góp thêm một công cụ hiệu quả giải quyết vấn đề này, Trung tâm Bản quyền số thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam đã xây dựng và chính thức đưa vào vận hành trục bản quyền số quốc gia, một nền tảng kết nối các nhà sản xuất nội dung, nhà công nghệ, nhà quảng cáo, cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng công nghệ... trong việc bảo vệ bản quyền số. Trục bản quyền số cung cấp tám nhóm giải pháp gồm: Ðăng ký bản quyền, kiểm duyệt nội dung tự động, phân phối nội dung tự động, truyền thông nội dung số, công nghệ bản quyền, lưu trữ, pháp lý bản quyền số và báo cáo vi phạm bản quyền.

Theo nhandan.vn