Thứ 2, 25/11/2024, 11:10[GMT+7]

Thận trọng khi sử dụng công cụ ChatGPT

Thứ 7, 20/05/2023 | 14:32:40
2,978 lượt xem
Không thể phủ nhận những tác dụng tích cực của ChatGPT, tuy nhiên, những mặt trái của mô hình này cũng là vấn đề được giới công nghệ cảnh báo.

Từ 4 tháng nay, ChatGPT đã trở thành một trong những công cụ quen thuộc với các sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong quá trình học tập. Do được tạo nên dựa trên việc kết hợp giải thuật tạo sinh với mô hình ngôn ngữ lớn nên mô hình này hữu dụng với những câu hỏi có tính chất thu thập, tổng hợp dữ liệu, thậm chí có thể giải toán, sửa code.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, với những câu hỏi cần sự suy luận hoặc phải phân tích nhưng không có dữ liệu đầy đủ, ChatGPT có thể cung cấp cho người dùng đáp án sai.

 Thận trọng khi sử dụng công cụ ChatGPT - Ảnh 1.

Bạn Nguyễn Xuân Tùng - sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - cho biết: "Nếu mình quá tin vào công cụ này thì em nghĩ là cũng không tốt lắm. Nhiều lúc bọn em vẫn phải kiểm tra với các nguồn thông tin khác. Do đó, đây chỉ coi là một nguồn để tham khảo".

 Thận trọng khi sử dụng công cụ ChatGPT - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Trường Thắng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cho rằng: "Phần lớn kết quả là đúng nhưng một số kết quả trả lời sai và với văn phong rất mượt mà, tạo niềm tin cho chúng ta. Đó là điểm yếu của công cụ này. Trong cộng đồng sử dụng trí tuệ nhân tạo, người ta gọi là hiện tượng ảo giác của phần mềm. Công cụ có thể đưa ra những kết quả sai lệch, thậm chí có thể vi phạm pháp luật, đạo đức, tôn giáo... hay những vấn đề liên quan đến xã hội".

Đáng quan tâm hơn cả là hiện nay, nhiều người sử dụng ChatGPT để làm nghiên cứu, viết luận, viết đồ án tốt nghiệp… Điều này đặt ra thách thức lớn về việc đảm bảo tính trung thực, minh bạch, sự liêm chính trong nghiên cứu khoa học khi nguồn dữ liệu không thể truy vấn, kiểm chứng nguồn gốc và được biên tập với văn phong riêng nên các phần mềm chống đạo văn rất khó phát hiện.

 Thận trọng khi sử dụng công cụ ChatGPT - Ảnh 3.

TS. Đinh Viết Sang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết: "Việc sử dụng ChatGPT để làm bài luận, thậm chí viết bài báo đã được ghi nhận và phản ánh trên thế giới. Đây là một vấn đề đau đầu đối với các trường Đại học. Nhiều trường Đại học đã phải bỏ cách đánh giá trên máy tính để quay về phương thức đánh giá trên giấy".

Không thể phủ nhận những tác dụng tích cực của ChatGPT nhưng những mặt trái của mô hình này cũng là vấn đề được giới công nghệ cảnh báo. Chính vì vậy, cần sớm bổ sung khung pháp lý và các quy định về đạo đức, liêm chính khoa học liên quan đến việc sử dụng mô hình này để đảm bảo người dùng khai thác chúng một cách hiệu quả, khoa học và chuẩn mực.

Theo vtv.vn