Thứ 7, 23/11/2024, 00:20[GMT+7]

Áp dụng cách đấu tranh mới với nền tảng xuyên biên giới

Thứ 7, 01/07/2023 | 18:37:15
2,777 lượt xem
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc đấu tranh với vi phạm của nền tảng xuyên biên giới không chỉ bằng nội dung, mà cả kinh tế, truyền thông.

Ông Lê Quang Tự Do tại Hội nghị sơ kết Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại hội nghị sơ kết của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 30/6, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, nhận định các nền tảng xuyên biên giới hiện là "cái ổ" phát tán các luồng thông tin xấu độc. Điều này đặt ra thách thức khiến cơ quan quản lý phải tìm ra những cách đấu tranh kiểu mới để đạt mục tiêu.

"Để đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới có hậu thuẫn lớn không thể bằng một lĩnh vực nội dung", ông Do nói. "Phải kết hợp nhiều lĩnh vực và đồng bộ với nhau. Lấy giải pháp kinh tế để xử về nội dung, dùng truyền thông gây sức ép để thực hiện giải pháp về pháp lý, nội dung, kỹ thuật".

Một ví dụ là cuộc kiểm tra TikTok tại Việt Nam. Đây là lần đầu một nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam được xem xét toàn diện với sự tham gia của 5 bộ, ban, ngành.

"Lần đầu tiên chúng ta buộc một nền tảng xuyên biên giới phải ký thừa nhận các sai phạm và có biện pháp khắc phục cụ thể. Đoàn kiểm tra đang thực hiện các bước cuối và trong tháng 7 sẽ công bố", ông Do nói.

TikTok chưa bình luận về việc này.

Ngoài ra, Cục cho biết đã triển khai một số thay đổi trong việc ngăn nội dung xấu độc trên các nền tảng, trong đó nhấn mạnh đến việc liên tục tạo sức ép để Facebook, YouTube, TikTok gỡ bỏ thông tin vi phạm.

"Các nền tảng xuyên biên giới luôn tìm cách né tránh thực hiện, vì vậy phải gây sức ép để họ duy trì", đại diện Cục nói. Theo báo cáo của Cục, tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới trong 6 tháng đầu năm đạt 93%, tăng 1% so với năm ngoái.

Ngoài ra, Bộ cũng lần đầu triển khai quy trình xử lý nội dung xấu độc với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia. Thay vì làm thủ công, các nền tảng phải sử dụng AI để rà quét nội dung dựa trên mẫu do Bộ gửi. Cách làm tương tự cũng được áp dụng với các mẫu quảng cáo như "nhà tôi ba đời", từ đó chặn loại nội dung này trước khi phát tán, đồng thời yêu cầu không cho quảng cáo, nhằm ngăn dòng tiền với các kênh có nội dung vi phạm.

Trong nửa đầu năm, Facebook đã gỡ 484 fanpage quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng, 72 tài khoản quảng cáo vũ khí, vật nổ, chất liệu gây nổ, 2.444 link về các dịch vụ bất hợp pháp. YouTube đã gỡ 632 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã, hướng dẫn chế tạo vũ khí, hơn 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tài khoản quảng cáo vi phạm bằng thuật toán tự động. Không quảng cáo và bật kiếm tiền trên 50 kênh YouTube, 49 trang và tài khoản Facebook, 158 website.

Bên cạnh mạng xã hội, Bộ đã đưa ra biện pháp với OTT về nội dung xuyên biên giới, như phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Bộ cũng làm việc với 5 nhà sản xuất TV lớn để gỡ nút tắt hoặc ứng dụng trên TV nếu vi phạm.

Trong sáu tháng cuối năm, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục điều hướng dòng tiền quảng cáo xuyên biên giới, hoàn thiện quy trình xử lý đối với nghệ sĩ, KOL có hành vi vi phạm pháp luật, rà quét và duy trì tỷ lệ gỡ bỏ thông tin xấu độc trên nền tảng xuyên biên giới đạt trên 90%.

Theo vnexpress.net