Chủ nhật, 24/11/2024, 12:51[GMT+7]

Sáng chế AI của FPT Software được bảo hộ tại Nhật Bản

Thứ 3, 04/07/2023 | 10:45:50
2,066 lượt xem
Công nghệ nhận diện và xử lý dữ liệu hình ảnh của FPT Software mới đây được tổ chức Japan Patent Office (JPO) cấp bằng phát minh sáng chế AI.

Công nghệ AI giúp quét hình ảnh đếm số lượng người. Ảnh: FPT Software

JPO công nhận và bảo hộ phương pháp luận, cách xử lý dữ liệu, sơ đồ kiến trúc về AI của phát minh trên toàn lãnh thổ Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức, cá nhân tại Nhật Bản muốn phát triển sản phẩm sử dụng một hay toàn phần công nghệ trên cần được FPT Software cấp phép.

Công nghệ nhận diện và xử lý hình ảnh đưa một kiến trúc mạng nơ-ron mới để bóc tách đặc điểm từ hình ảnh nhưng vẫn giữ được sự gắn kết về mặt thông tin giữa các vùng nhỏ trong bức ảnh. Kiến trúc mạng nơ-ron này có thể được áp dụng trong việc ước lượng mật độ đối tượng (bao gồm con người, phương tiện giao thông,...) và trong nhiều lĩnh vực thị giác máy tính khác.

Tác giả phát minh - Tiến sĩ Đào Hữu Hùng là nhà nghiên cứu AI cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu AI của FPT Software (FPT Software AI Center). Ông cho biết, cách xử lý dữ liệu của công nghệ này tương tự như công nghệ Vision Transformers (ViT), biến thể của mô hình Transformer của ChatGPT (Generative Pretrained Transformer) trong xử lý hình ảnh. "FPT Software nộp đơn đăng ký bảo hộ trước hơn một năm (8/2019) so với ngày ViT lần đầu được công bố khoa học (10/2020). Do đó, chúng tôi đang nộp hồ sơ bổ sung nhằm gia tăng phạm vi bảo hộ của phát minh, bao trùm một phần công nghệ ViT. Nếu thành công, FPT Software sẽ mở rộng phạm vi bảo hộ tại Mỹ và châu Âu, nơi công nghệ này đang và sẽ tiếp tục được ứng dụng trong nhiều sản phẩm thương mại", ông Hùng nói.

Tiến sĩ Đào Hữu Hùng, tác giả công trình được cấp bằng sáng chế. Ảnh: FPT Software

Tiến sĩ Đào Hữu Hùng, tác giả công trình được cấp bằng sáng chế. Ảnh: FPT Software

Ông Hùng cho biết thêm, bằng sáng chế của FPT Software là trường hợp hiếm hoi không cần trải qua vòng truy vấn cuối cùng, gây bất ngờ cho chính các luật sư người Nhật chịu trách nhiệm làm hồ sơ và đăng ký bằng phát minh này.

FPT Software được cấp bằng sáng chế sau gần 4 năm kể từ ngày đăng ký. Theo đánh giá, đây là khoảng thời gian ngắn để so với mặt bằng chung tại Nhật. Phần kiểm duyệt nội dung ban đầu của JPO thông thường mất hơn một năm, cộng thêm hai năm kiểm duyệt công khai trên website, chưa kể thời gian làm hồ sơ, xác định chi tiết bảo hộ và chờ xét duyệt vòng cuối cùng.

Theo ông Hùng, bằng phát minh sáng chế của JPO chứng minh năng lực AI tầm quốc tế của FPT Software đồng thời ghi nhận năng lực nghiên cứu sáng tạo của bản thân ông. Tiến sĩ Hùng từng xuất bản khoảng 20 công trình khoa học tại các hội nghị hàng đầu về AI. Trước đó, ông đại diện FPT Software Japan tham gia hội thảo công nghệ nhằm giới thiệu thành tựu nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thị giác máy tính và học máy, nổi bật nhất là phương pháp cắt nhỏ hình ảnh để phân tích, phát hiện và nhận dạng vật thể.

Tháng 6/2022, nhóm nghiên cứu tại FPT Software AI Center đã đăng ký thành công bằng sáng chế về công nghệ xử lý đám mây điểm 3D (3D PointCloud) tại Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ(United States Patent and Trademark Office - USPTO). Sáng chế liên quan đến kiến trúc mạng nơ-ron để xử lý đám mây điểm 3D nhằm thực hiện các tác vụ trong lĩnh vực thị giác máy tính 3D (3D computer vision), ví dụ như nhận dạng vật thể trên hình ảnh 3D.

Xác định AI là công nghệ mũi nhọn trong chiến lược chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới, ngay từ năm 2013, FPT đã đầu tư vào nghiên cứu mảng công nghệ này ở tất cả các khía cạnh. Tháng 6 vừa qua, FPT cùng Mila - Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới ký thỏa thuận hợp tác trong ba năm lần thứ hai nhằm nghiên cứu, nâng cao năng lực, đồng thời trao đổi và đào tạo nhân tài về AI.

Dưới sự tư vấn của Mila, FPT Software sẽ xây dựng khung trách nhiệm AI để đảm bảo tính đạo đức trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ này.

Japan Patent Office, gọi tắt là JPO, được thành lập năm 1985 là cơ quan phụ trách việc đăng ký sáng chế tại Nhật Bản, trực thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công Nghiệp Nhật Bản.

Theo vnexpress.net