2023 - năm AI phổ cập mọi nhà
OpenAI công bố ChatGPT - AI tạo sinh hoạt động dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), được đào tạo để thực hiện cuộc trò chuyện như người thật - vào cuối 2022 và bắt đầu bùng nổ đầu năm nay. Ngay sau đó, nhiều hãng công nghệ lớn cũng cho ra mắt chatbot tương tự như Google với Bard, Microsoft có Bing Chat, xAI với Grok, Baidu với Ernie Bot.
Sự xuất hiện của AI tạo sinh giúp xóa bỏ hình ảnh về các trợ lý trí tuệ nhân tạo tẻ nhạt, kém linh hoạt tồn tại hàng chục năm. Từ một công nghệ phức tạp, trí tuệ nhân tạo trở thành công cụ trực quan, dễ tiếp cận, mở ra hàng loạt xu hướng ứng dụng vào đời sống. Trong báo cáo xu hướng tìm kiếm nổi bật tại Việt Nam 2023, Google đánh giá AI đã trở thành chủ đề nóng. "Sự cạnh tranh của nhiều công ty công nghệ hàng đầu nhằm đưa ứng dụng AI tiếp cận người dùng cuối đã thu hút sự chú ý lớn và dẫn đến sự phổ biến của những từ khóa liên quan đến AI trên Google Search 2023", báo cáo nêu. Trong đó, người Việt quan tâm đến "lợi ích của AI", "ngành học AI có gì" hay cách ứng dụng AI vào các lĩnh vực cụ thể.
AI tạo sinh trong công việc và giải trí
Ngay từ tháng 1, khi OpenAI chưa hỗ trợ đăng ký tại Việt Nam, nhiều người đã tìm cách tạo hoặc mua tài khoản để trải nghiệm ChatGPT. Tận dụng khả năng tiếp nhận, xử lý và diễn đạt nội dung dưới dạng văn bản của AI, người dùng có thể viết luận, làm thơ, tóm tắt báo cáo, thậm chí sáng tác tác phẩm văn học và viết báo.
Cơn sốt ChatGPT tại Việt Nam
Tại trường học, chatbot được cả giáo viên và học sinh sử dụng như công cụ hỗ trợ ở các môn cần tóm tắt lượng lớn thông tin. Trong khi đó, chỉ bằng vài từ khóa gợi ý cho AI, lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp có thể chuẩn bị những bài phát biểu trước nhân viên với văn phong phù hợp.
Một số nhà văn Việt Nam cho biết từng dùng ChatGPT để biên soạn mục lục và tư duy đề tài. Dù chưa thể sáng tạo câu chữ giàu cảm xúc như con người, AI vẫn được đánh giá là trợ thủ giúp tiết kiệm đáng kể thời gian lao động.
Ngoài ra, nhiều người còn dùng chatbot để tra cứu thông tin thay cho việc tìm kiếm qua Google, Bing Search. Một số dịch giả cho rằng khả năng chuyển ngữ của AI tạo sinh hiệu quả hơn các ứng dụng chuyên về dịch thuật. Nguyên nhân là thay vì dịch từng từ, cụm từ, công cụ AI có thể hiểu ngữ cảnh bài viết, từ đó đưa ra cách diễn đạt lưu loát, dễ hiểu nhất. Vào tháng 9, một ứng dụng dịch thuật của hai du học sinh Việt đã nhận khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng tại Mỹ, nhờ kết hợp AI để chuyển văn bản tiếng Việt thành tiếng Anh cùng 100 ngôn ngữ khác nhau.
Xu hướng dùng AI tạo ảnh
Mở đầu 2023, bộ ảnh linh vật mèo gây sốt mạng xã hội khi nhiều người tưởng đây là tượng linh vật mèo chào năm mới ở tỉnh Ninh Thuận. Thực tế, ảnh được tạo bằng công cụ Midjourney.
Ảnh do AI tạo bị nhầm là tượng linh vật mèo Ninh Thuận. Ảnh: Bo Nguyên/Midjourney
Xu hướng sử dụng phần mềm vẽ tranh AI đã xuất hiện từ 2022, nhưng chỉ xoay quanh một số hội nhóm đam mê công nghệ. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của ChatGPT, loạt công cụ tạo ảnh được nâng cấp và thu hút lượng lớn người dùng trong năm 2023. Chỉ bằng câu lệnh phù hợp dưới dạng văn bản, ai cũng có thể đóng vai họa sĩ để sáng tạo theo nhiều phong cách, như tự thiết kế nội thất, thời trang, thậm chí vẽ truyện tranh mà không cần năng khiếu mỹ thuật.
Xu hướng AI tạo ảnh cũng sinh ra một nghề mới tại Việt Nam là kỹ sư ra lệnh (prompt engineer). Người làm prompt không nhất thiết phải biết code, lập trình, nhưng cần ngoại ngữ và khả năng diễn đạt tốt để giao tiếp hiệu quả với ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Kết hợp kiến thức nền tảng chuyên ngành có sẵn, kỹ sư prompt sẽ "dạy" AI hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của từng lĩnh vực cụ thể trong xã hội. Ngoài ra, một số tổ chức cũng tận dụng AI tạo ảnh để tái hiện kiến trúc cổ, phục hồi tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa lịch sử người Việt nhưng bị xuống cấp theo thời gian.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá công cụ AI sinh ảnh, video có thể gây ra nguy cơ lừa đảo deepfake.
Trào lưu dùng AI tạo avatar cá nhân
Các ứng dụng thiết kế ảnh đại diện (avatar) bằng trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện từ lâu, nhưng bùng nổ và thu hút lượng lớn người dùng nhờ tích hợp AI tạo sinh, nhất là vào nửa cuối 2023.
Hình đại diện được AI tái hiện dưới dạng anime.
Giữa tháng 7, Remini, ứng dụng biến ảnh selfie thành avatar chuyên nghiệp, đã vượt qua mạng xã hội Threads để leo lên vị trí số một trên cửa hàng ứng dụng App Store. Tại Việt Nam, phần mềm cũng vào top 6 công cụ chỉnh sửa ảnh được cài đặt nhiều nhất. Chỉ cần tải lên 7 ảnh, Remini sẽ hỗ trợ tạo chân dung với các tùy chọn về kiểu dáng, trang phục, độ tuổi, màu da.
Sang tháng 8, trên mạng xã hội Facebook, Instagram tràn ngập ảnh theo phong cách anime do Loopsie tạo ra. Cuối tháng này, Loopsie vươn lên trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất trên App Store ở Việt Nam. Khác với các đối thủ, Loopsie không chỉ tập trung vào khuôn mặt mà biến đổi cả khung cảnh xung quanh, khiến bức hình đẹp mắt, nhiều màu sắc hơn. Đến tháng 10, Zalo tích hợp tính năng AI Avatar để người dùng thiết kế hình đại diện theo sáu phong cách khác nhau.
Tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật cũng khuyến cáo người dùng nên thận trọng khi cung cấp ảnh cá nhân cho AI. Trong bối cảnh các chiêu tấn công deepfake nở rộ, kẻ xấu có thể tạo ra hình ảnh giả, tin giả, cuộc gọi video giả danh người khác. "Một khi dữ liệu bị lợi dụng, người chịu thiệt không chỉ là bản thân người đó, mà có thể là cả gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh", các chuyên gia của dự án Chống lừa cảnh báo.
Theo vnexpress.net
Tin cùng chuyên mục
- Nokia chuẩn bị triển khai 5G tại Việt Nam 24.09.2024 | 13:58 PM
- Sinh động các chương trình trực tiếp tại Fanpage Báo Tuyên Quang online 03.01.2023 | 08:16 AM
- Thực hiện quy định về chuẩn hóa thông tin thuê bao di động 31.03.2023 | 16:13 PM
- Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn 09.10.2022 | 21:42 PM
- Sở Thông tin và Truyền thông: Diễn tập ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng năm 2022 04.10.2022 | 17:30 PM
- Hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng internet an toàn và hiệu quả 05.08.2022 | 08:27 AM
- Người dùng nên cập nhật Chrome 92 ngay để vá 9 lỗ hổng nghiêm trọng 21.08.2021 | 15:47 PM
- UBND tỉnh nghe báo cáo dự thảo đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 21.07.2021 | 19:16 PM
- Thiết bị đầu tiên chuyển suy nghĩ thành câu nói 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tại sao không gộp các ứng dụng chống dịch thành một 'super app' 19.07.2021 | 09:48 AM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”