Thứ 6, 27/12/2024, 14:22[GMT+7]

Những bức ảnh AI gây xôn xao năm 2023

Chủ nhật, 31/12/2023 | 16:02:48
2,357 lượt xem
Bên cạnh cơn sốt tạo nội dung từ văn bản, năm 2023 chứng kiến sự nở rộ của hàng loạt AI sáng tác ảnh chân thực chỉ với đoạn mô tả ngắn.

Những AI tạo ảnh nổi tiếng có thể kể đến Dall-E của OpenAI, Stable Diffusion của Stability.AI và Midjourney, còn gần đây nhất là Imagine with Meta AI của Meta.

Ảnh AI chiến thắng cuộc thi nhiếp ảnh

Bức ảnh được tạo bởi công cụ Absolutely AI. Ảnh: Jane Eykes/Instagram

Bức ảnh được tạo bởi công cụ Absolutely AI.

Vào tháng 2, công ty điện tử Australia DigiDirect tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh với giải thưởng bằng tiền mặt. Tác phẩm chiến thắng là bức ảnh hai người đang lướt sóng với mô tả "được chụp bằng máy bay không người lái".

Tác giả Jane Eykes sau đó thừa nhận đây là sản phẩm tạo từ công cụ Absolutely AI. "Tôi muốn làm điều đó để chứng minh chúng ta đang ở điểm ngoặt của trí tuệ nhân tạo", Eykes viết trên Instagram sau đó.

Tác phẩm The Electrician.

Tác phẩm The Electrician.

Đến tháng 3, cộng đồng nhiếp ảnh tiếp tục dậy sóng khi bức ảnh The Electrician được trao giải Sáng tạo trong cuộc thi tại Giải thưởng Nhiếp ảnh Thế giới Sony (SWPA 2023). Tác giả Boris Eldagsen nói với Guardian rằng ông cũng ngạc nhiên khi được trao giải vì ảnh có tất cả những lỗi đặc trưng của AI (như ngón tay kỳ dị).

The Electrician sau đó đã bị xóa khỏi danh sách trao giải. Theo ban tổ chức, ảnh giành chiến thắng vì chương trình "chào đón nhiều cách tiếp cận và thử nghiệm nhiếp ảnh khác nhau", nhưng chính Eldagsen từ chối nhận giải.

Ảnh giả Donald Trump bị bắt

Hai bức ảnh ông Trump bị bắt và ở trong nhà tù lan truyền trên Internet đầu năm nay.

Hai bức ảnh ông Trump bị bắt và ở trong nhà tù lan truyền trên Internet đầu năm nay.

Cũng trong tháng 3, loạt ảnh cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt và ngồi tù xuất hiện trên Internet. WSJ cho biết ảnh nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội và nhiều người tin là thật. Tác giả Elliot Higgins tiết lộ trên X rằng mình đã sử dụng Midjourney để tạo ảnh, nhưng sau đó đã bị cấm sử dụng dịch vụ.

Ảnh giả "Vụ nổ Lầu Năm Góc"

Bức ảnh giả về vụ nổ ở Lầu Năm Góc lan truyền trên Internet.

Ảnh giả về vụ nổ ở Lầu Năm Góc lan truyền trên Internet.

Bức ảnh với cột khói lớn bốc lên bên trái Lầu Năm Góc xuất hiện đầu tiên trên Facebook ngày 22/5 kèm chú thích: "Vụ nổ lớn gần khu phức hợp Lầu Năm Góc ở Washington DC".

Sau đó, ảnh nhanh chóng lan truyền trên một số tài khoản Twitter có hàng triệu người theo dõi, gồm cả tài khoản có dấu xác minh màu xanh, và được chia sẻ lại hàng nghìn lần. Thông tin thậm chí xuất hiện trên một số trang tin tức lớn. Theo CNN và NBC News, sau khi hình ảnh gây xôn xao trên mạng, thị trường chứng khoán Mỹ đã bị tác động trong thời gian ngắn. Chỉ số Dow Jones giảm 80 điểm trong bốn phút nhưng sau đó phục hồi. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống mức thấp nhất trong phiên rồi quay lại như cũ, khi hình ảnh được xác minh là giả.

Ảnh thật bị nhầm là do AI tạo

Bức ảnh bị nhầm do AI tạo ra. Ảnh: Suzi Dougherty/Instagram

Bức ảnh bị cho là do AI tạo ra. Ảnh: Suzi Dougherty/Instagram

Giữa tháng 7, một bức ảnh do iPhone chụp bị loại khỏi cuộc thi Charing Cross Photo sau khi ban giám khảo nghi ngờ nó được tạo bởi AI. Hình ảnh được Suzi Dougherty chụp khi bà và con trai Caspar đến triển lãm thời trang của Gucci ở Bảo tàng Powerhouse, Sydney. Trong hình, Caspar nắm tay một ma-nơ-canh. Ban giám khảo ban đầu công nhận ảnh nhưng sau đó loại tác phẩm. Đây là lần đầu một bức ảnh bị loại tại một cuộc thi nhiếp ảnh vì bị nhầm do AI tạo ra.

Theo vnexpress.net