Thứ 6, 22/11/2024, 08:22[GMT+7]

Số người kiểm duyệt TikTok tiếng Việt nhiều thứ hai Đông Nam Á

Thứ 4, 12/06/2024 | 11:37:31
3,053 lượt xem
Báo cáo tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok cho thấy số người kiểm duyệt nội dung bằng tiếng Việt cao thứ hai khu vực Đông Nam Á, sau tiếng Indonesia.

Logo TikTok trên ứng dụng di động.

Tại sự kiện TikTok Safety Summit lần đầu tổ chức ở Việt Nam ngày 11/6, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok, cho biết nền tảng thường xuyên cải tiến hệ thống các công cụ an toàn và xây dựng đội ngũ kiểm duyệt địa phương để đảm bảo an toàn cho người dùng.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam trong sự kiện sáng 11/6. Ảnh: Hữu Duyên

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, trong sự kiện sáng 11/6.

Theo Báo cáo thực thi Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok, tính đến cuối 2023, phân bố nhân viên kiểm duyệt nội dung tiếng Việt chiếm 4,5%, cao thứ hai khu vực Đông Nam Á và thứ sáu trong danh sách các ngôn ngữ trên thế giới. Trong khi đó, tiếng Indonesia là 7,9%. Cộng đồng kiểm duyệt bằng tiếng Anh chiếm tỷ trọng lớn nhất với 25,6%. Tuy nhiên, TikTok không đề cập số lượng cụ thể.

Cũng theo báo cáo, trong quý IV/2023, tại Việt Nam, TikTok xóa hơn 5 triệu video vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, tỷ lệ xóa chủ động đạt 95,7%. 87,7% nội dung vi phạm được xóa trong vòng 24 giờ.

Theo đại diện TikTok, kiểm duyệt nội dung trên nền tảng khá phức tạp, phản ánh sự đa dạng, phong phú của văn hóa địa phương. Do đó, đội ngũ kiểm duyệt viên nói tiếng bản địa đóng vai trò quan trọng trong quy trình ngăn chặn, loại bỏ nội dung độc hại.

Tỷ lệ phân bổ nhân viên kiểm duyệt nội dung trên nền tảng TikTok theo từng ngôn ngữ. Ảnh chụp màn hình

Tỷ lệ phân bổ nhân viên kiểm duyệt nội dung trên nền tảng TikTok theo từng ngôn ngữ. Ảnh chụp màn hình

"Hàng rào" nội dung của TikTok được xây dựng ba lớp gồm: Bộ chính sách, tiêu chuẩn cho cộng đồng; Công cụ thực thi chiến lược bằng công nghệ và con người; Bộ lọc tùy chỉnh, thích ứng theo từng quốc gia, địa phương.

Tại Việt Nam, TikTok đã triển khai nhiều chiến dịch quan trọng, nhắm vào hai nội dung chính là chống thông tin sai lệch và nhận diện lừa đảo trực tuyến. "Trong năm 2023, chúng tôi kết hợp cùng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông đưa 780 nghìn nội dung liên quan lên nền tảng, thu hút 6 tỷ lượt xem. Năm nay sẽ tiếp tục khởi động lại chiến dịch này", ông Lâm Thanh nói.

Bên cạnh công cụ báo cáo vi phạm, TikTok cũng cập nhật một số tính năng để người dùng chủ động bảo vệ mình khỏi nội dung độc hại như: Làm mới bảng tin "dành cho bạn"; Tùy chỉnh giới hạn nội dung trong cài đặt; Cài đặt giới hạn thời gian xem theo ngày, tuần và lời nhắc khi sử dụng thời gian lâu hoặc ban ban đêm; Cảnh báo trước khi xuất bản bình luận; Xóa và chặn tài khoản có dấu hiệu bắt nạt, công kích trên mạng.

Ngoài ra, tính năng gia đình thông minh cho phép cha mẹ liên kết tài khoản TikTok của mình với của con để quản lý thời gian truy cập, hạn chế tin nhắn, quản lý hoạt động tìm kiếm của con trẻ, giới hạn người bình luận trên tài khoản, lọc nội dung. Các tài khoản của người dùng 13-15 tuổi sẽ không nhận được thông báo sau 21h. Với tài khoản người dùng 16-17 tuổi, thông báo sẽ bị tắt sau 22h.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), nhận định các bổ sung của TikTok là công cụ quan trọng giúp lấp những khoảng trống thế hệ khi dùng Internet.

"Thế hệ trẻ ở Việt Nam lớn lên với 'bầu sữa công nghệ', tiếp cận Internet sớm, trong khi các bậc phụ huynh khi trưởng thành mới bắt đầu tiếp cận. Do đó có những rủi ro cha mẹ không thể kiểm soát và định hướng cho con cái", bà nói. Do đó, những sáng kiến, công cụ quản lý là hướng đi tích cực để kiến tạo cộng đồng mạng văn minh, đóng góp vào môi trường số an toàn, lành mạnh và bền vững tại Việt Nam.

Theo vnexpress.net