Thứ 2, 23/12/2024, 08:53[GMT+7]

Robot AI lắp đặt trang trại điện mặt trời lớn nhất Mỹ

Thứ 6, 02/08/2024 | 16:23:02
3,487 lượt xem
Maximo, robot AI của AES Corporation, hỗ trợ tăng tốc độ xây dựng và giảm chi phí lao động tại dự án điện mặt trời ở hạt Kern, California.

Robot Maximo đang nâng một tấm pin mặt trời. Ảnh: AES

Được công bố ngày 31/7, Maximo có khả năng nâng các tấm pin mặt trời và đặt một cách chính xác vào hàng dài nhờ tích hợp AI. Robot này được sử dụng để xây dựng trang trại điện mặt trời ở hạt Kern, một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất ở Mỹ khi đi vào vận hành, dự kiến cung cấp điện cho các trung tâm dữ liệu của Amazon ở khu vực California và những nơi khác.

"Chúng tôi thực sự tập trung vào tốc độ", Chris Shelton, Giám đốc sản phẩm của AES - công ty sản xuất điện và tiện ích của Mỹ, nói tại buổi công bố Maximo ở California. "Chúng tôi muốn thúc đẩy dự án hoạt động nhanh hơn".

Theo Shelton, Maximo có thể lắp đặt tấm năng lượng nhanh gấp đôi con người với chi phí bằng một nửa. Robot đã được thử nghiệm trong nhiều điều kiện ngoài trời khác nhau tại các dự án ở New York, Virginia, Ohio và Louisiana, đã lắp đặt khoảng 10 megawatt đến nay. Trang trại AES đang xây dựng tại hạt Kern dự kiến có công suất gấp 200 lần con số kể trên, tức 2 gigawatt. Hiện Golmud ở Trung Quốc là trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất 2,8 gigawatt, theo sau là Bhadla Solar Park ở Ấn Độ với 2,7 gigawatt.

Mỹ đang đổ hàng tỷ USD cho mục tiêu sử dụng điện tái tạo. Theo tính toán năm 2021 của chính phủ Mỹ, lực lượng lao động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời cần ít nhất 500.000 người vào năm 2035 để đạt mục tiêu quốc gia về điện không phát thải carbon. Robot đang là phương tiện để tăng năng suất và giảm chi phí nhân công.

Tuy nhiên, những cỗ máy như Maximo cũng làm dấy lên lo ngại rằng robot sẽ tranh của con người, như cách tự động hóa thay thế một số công việc trong nhà máy trước đây. Ron Rodrique, Phó chủ tịch dự án AES Clean Energy, cho biết Maximo không thay thế nhân viên lắp đặt, chỉ "hỗ trợ đến khía cạnh an toàn của việc giảm bớt một số công việc nặng nhọc mà mọi người phải làm".

Việc lắp tấm pin mặt trời và hệ thống pin lưu trữ là công việc vất vả vì mỗi tấm nặng hơn 27 kg, mỗi hàng có thể cần 200 tấm. "Đó là gánh nặng nếu dùng sức người, nhất là ở khu vực nắng nóng như sa mạc", Rodrique cho biết. "Với sự có mặt của robot và AI, con người chỉ cần ngồi trong phòng điều khiển. Lao động có thể ứng tuyển làm việc này, gồm cả người khuyết tật".

Cũng theo Rodrique, dự án trên chỉ là bước đầu. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, AES kỳ vọng Maximo giúp giải quyết hàng loạt dự án năng lượng mặt trời trong ba năm tới, với khách hàng lớn là các công ty sử dụng trung tâm dữ liệu quy mô lớn.

Theo vnexpress.net