Chủ nhật, 22/12/2024, 22:03[GMT+7]

Nhiều nơi trong bão mất kết nối

Chủ nhật, 08/09/2024 | 11:56:31
2,389 lượt xem
Nhiều người tại Quảng Ninh, Hải Phòng cho biết gặp khó khăn khi liên lạc, trong khi người thân từ nơi khác cũng không gọi được.

Điện thoại mất kết nối chiều 7/9 tại Hải Phòng.

Hồng Nhung (Hà Nội) cho biết cô không thể liên lạc với người thân tại Cẩm Phả, Quảng Ninh từ hơn 13h ngày 7/9. "Buổi sáng tôi vẫn gọi được. Nhưng đến đầu giờ chiều, nghe tin bão và bị mất điện thì không được nữa", Nhung nói. Cô thử gọi đến các số khác nhau từ nhiều nhà mạng khác nhau nhưng đều trong tình trạng tương tự.

"Sau hàng chục cuộc gọi bị báo 'thuê bao không liên lạc được', gần gần 16h tôi mới kết nối được để hỏi tình hình bão", Quang Phương, có người nhà ở Thái Bình cho biết.

Trong tâm bão, Hoàng Anh (Hồng Bàng, Hải Phòng) nói tình trạng sóng chập chờn diễn ra từ đầu giờ chiều. Đến khoảng 15h, điện thoại của anh mất sóng hoàn toàn, hiển thị "chỉ gọi cuộc gọi khẩn cấp". "May mắn tôi dùng hai máy nên vẫn liên lạc được, tuy nhiên thuê bao còn lại truy cập 4G rất chập chờn", anh nói.

Từ trước bão nhiều ngày, các nhà mạng đã lên kế hoạch ứng phó, sẵn sàng khắc phụ sự cố do bão. Tuy nhiên, theo kỹ thuật viên từ một nhà mạng, bão Yagi diễn ra với cường độ gió mạnh, khó lường, nên dù đã có biện pháp bảo vệ cũng khó tránh khỏi tình trạng một số trạm thu phát sóng gặp sự cố, đổ trạm. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc mất kết nối hoặc kết nối chập chờn.

Ngoài ra, trong bối cảnh một số nơi bị cắt điện, người dùng không có kết nối wifi phải chuyển sang mạng di động 3G, 4G, dẫn tới nghẽn mạng cục bộ.

Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Viễn thông, cho biết vẫn đang theo dõi sát tình hình cùng các doanh nghiệp viễn thông để đảm bảo duy trì thông tin liên lạc cho người dân. "Trong trường hợp có nhà mạng mất sóng ở khu vực nào đó, sẽ chuyển vùng (roaming) sang nhà mạng khác để đảm bảo thông tin liên lạc", ông Phúc nói.

Một cột BTS bị đổ tại Quảng Ninh. Ảnh: Facebook JenT

Một cột BTS bị đổ tại Quảng Ninh. Ảnh: Facebook Trần Trần

MobiFone cho biết đã hỗ trợ thuê bao trong mạng có thể sử dụng chung sóng của nhà mạng khác. Người dùng chỉ cần điều chỉnh cài đặt Lựa chọn mạng (Network Selection) sang chế độ tự động để tiếp sóng nhà mạng phù hợp, giúp không bị gián đoạn.

Nhà mạng này cũng cho biết đã tiến hành rà soát toàn bộ phương án phòng chống bão đã xây dựng, đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, an toàn mạng lưới kỹ thuật và kinh doanh, kiểm tra 100% cơ sở hạ tầng nhà trạm, đặc biệt là cột cao, những khu vực trọng điểm ven biển, trạm node tại những tỉnh nằm trong vùng tâm bão Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình.

Trong khi đó, Viettel xác nhận, từ 6/9 đã bố trí hơn 6.500 nhân sự tại các vị trí nhà trạm đến từng huyện ở 14 tỉnh miền Bắc để sẵn sàng khắc phục sự cố do bão, điều động thêm 117 đội ứng cứu thông tin đến các tỉnh dự kiến bị ảnh trưởng trực tiếp bởi bão Yagi là Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh và tiếp tục bổ sung 300 đội những ngày tới.

Về đảm bảo tài nguyên điện vận hành, các nhà mạng cho biết đã chuẩn bị hàng nghìn máy phát điện, nhiên liệu dự phòng, sẵn sàng hoạt động các trạm trong trường hợp mất điện.

Theo vnexpress.net