Thứ 7, 23/11/2024, 15:20[GMT+7]

Việt Nam đặt mục tiêu trong nhóm dẫn đầu khu vực về blockchain

Thứ 4, 23/10/2024 | 10:44:16
2,708 lượt xem
Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối đặt mục tiêu đến 2030, Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu khu vực về blockchain.

Sự kiện Định vị Blockchain Việt, diễn ra tháng 5/2022, do VnExpress tổ chức.

Ngày 22/10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký quyết định ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, trong năm tới, Việt Nam sẽ thiết lập được nền tảng phát triển công nghệ chuỗi khối, bao gồm hình thành Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; hỗ trợ khả năng tương tác, tích hợp và chia sẻ giữa các chuỗi khối; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối.

Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển ứng dụng blockchain tại ba trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng và nâng cấp 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực; đưa chuỗi khối vào khung chương trình đào tạo tại trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, cơ sở nghiên cứu.

Từ đó, hệ sinh thái "Blockchain+" sẽ được hình thành thông qua hoạt động ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistic, bưu chính - chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực khác.

Trong khi đó, mục tiêu đến 2030, Việt Nam sẽ mở rộng Hạ tầng chuỗi khối quốc gia và nằm trong nhóm các nước dẫn đầu khu vực và trên thế giới về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển blockchain.

Giai đoạn này, Việt Nam cũng dự kiến xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu ba trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về chuỗi khối tại các thành phố lớn; đồng thời có đại diện nằm trong bảng xếp hạng 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuỗi khối dẫn đầu khu vực châu Á.

Để đạt những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 5 hành động gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp Blockchain; Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực Blockchain; Thúc đẩy phát triển và ứng dụng Blockchain; Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế.

Blockchain (chuỗi khối) là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa thông tin về thời gian khởi tạo và liên kết với các khối trước đó. Nó được thiết kế để chống lại sự can thiệp dữ liệu bởi thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Ứng dụng nổi tiếng nhất của blockchain là tài chính, tiền mã hóa, tuy nhiên công nghệ này cũng đang mang lại tiềm năng kinh tế lớn trong ngành giải trí, nông nghiệp, logistics, giáo dục, y tế, sản xuất...

Theo vnexpress.net