Thứ 5, 21/11/2024, 19:59[GMT+7]

Mã hóa đầu cuối của Messenger vẫn chưa hoạt động ổn định

Thứ 7, 02/11/2024 | 15:43:47
2,517 lượt xem
Sau gần một năm triển khai mã hóa đầu cuối, người dùng Messenger vẫn gặp phiền toái khi bỏ sót tin nhắn, liên tục phải nhập mật khẩu khôi phục.

Một người đang nhập mã PIN để đồng bộ lịch sử chat trên Messenger.

Hoàng Phương, nhân viên truyền thông tại Hà Nội, cho biết từng bị đối tác trách vì "vẫn thấy Messenger báo online, liên tục bình luận trên Facebook nhưng họ nhắn tin cả tiếng không 'seen' hay trả lời". Thực tế, đoạn chat của người này chỉ hiển thị trên ứng dụng, không xuất hiện trên máy tính nên khi cầm điện thoại lên, cô mới đọc được.

Quen dùng Messenger để liên lạc trong nhiều năm, Phương nói chưa bao giờ bị than phiền nhiều như thế kể từ khi tính năng mã hóa đầu cuối được nền tảng của Meta triển khai.

Dù được giới thiệu giúp bảo vệ nội dung tin nhắn cho người dùng, giải pháp của Messenger khiến nhiều người thấy rắc rối, nhất là trong vấn đề đồng bộ tin nhắn. Tình trạng phổ biến là tin nhắn được thông báo trên điện thoại nhưng không xuất hiện trên trình duyệt web; thường xuyên hiển thị tin nhắn cũ; yêu cầu nhập mật khẩu hoặc chờ được đồng bộ.

"Thực sự phiền phức", Minh Đức, người chuyên bán hàng online và phải liên lạc nhiều qua Messenger, bày tỏ. Đức cho biết anh chưa nhìn ra yếu tố bảo mật của Messenger, trong khi cách triển khai của Meta khiến anh cảm thấy mất kiên nhẫn vì sau gần một năm, việc đồng bộ tin nhắn vẫn thất thường, thiếu ổn định. "Có đoạn chat được đồng bộ ngay, trong khi nhiều đoạn khác phải nhập mật khẩu", Đức nói.

Tính năng mã hóa đầu cuối (E2EE) được Meta thử nghiệm trên Messenger cuối 2023 và được triển khai rộng đến người dùng Việt Nam từ đầu 2024. Theo khảo sát của VnExpress vào tháng 4 với gần 2.000 người tham gia, 74% cảm thấy bất tiện với công cụ mới của Messenger.

Trên diễn đàn như Reddit, người dùng quốc tế cũng phản ánh tình trạng tương tự. Họ bày tỏ sự khó chịu khi Meta "ép" sử dụng thay vì cho người dùng chủ động kích hoạt như những nền tảng khác.

Ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia, nhận định "có thể Meta đang gặp vấn đề khi quản lý hàng tỷ mã khóa của người dùng". Với số người dùng lớn, hoạt động trên nhiều loại thiết bị, sự tương thích tính năng trên các hệ điều hành và trình duyệt khác nhau có thể gây ra lỗi, khiến người dùng gặp một số rắc rối như trên.

Đại diện Meta chưa bình luận về vấn đề. Trên trang hỗ trợ, công ty khuyến nghị người dùng đăng nhập Messenger từ các trình duyệt được hỗ trợ như Chrome, Safari, Firefox, Edge và cập nhật phiên bản mới nhất. Khi truy cập Messenger trên thiết bị mới, cần khôi phục lịch sử trò chuyện để có thể xem tin nhắn trước đó. "Nếu bỏ lỡ thông báo khôi phục lịch sử trò chuyện, có thể vào phần Cài đặt của thiết bị, bật chế độ bộ nhớ an toàn. Sau đó, họ có thể xác nhận tài khoản Google Drive, iCloud Drive hoặc nhập mã PIN gồm 6 chữ số", Meta cho biết.

Để tắt mã hóa đầu cuối trên ứng dụng Messenger, người dùng có thể vào Cài đặt > Quyền riêng tư > Mã hóa đầu cuối > Bộ nhớ an toàn > Tắt bộ nhớ an toàn hoặc Xóa và tắt bộ nhớ an toàn. Tuy nhiên, ông Ngô Minh Hiếu khuyến cáo mã hóa đầu cuối tin nhắn là cải tiến bảo mật quan trọng, giúp thông tin cá nhân được bảo vệ tốt hơn ngay cả khi lộ mật khẩu, do đó người dùng nên sử dụng.

Theo Hoàng Phương, do không thể dừng sử dụng Messeger, cô chấp nhận thay đổi thói quen. Trước đây, cô thường truy cập trình duyệt web và chat trên máy tính, nhưng nay luôn sẵn sàng kiểm tra thêm điện thoại, đồng thời đăng ký tài khoản dự phòng trên hai ứng dụng nhắn tin khác.

Mã hóa đầu cuối (E2EE) là phương thức bảo vệ thông tin trong quá trình truyền đi bằng cách chuyển đổi chúng thành một bản mã, để chỉ người có mã mở khóa mới có thể giải mã và đọc được. Trong lĩnh vực tin nhắn, nhiều nền tảng đã hỗ trợ E2EE và đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam như Signal, WhatsApp, Telegram, iMessage.

Theo vnexpress.net