Thứ 5, 21/11/2024, 23:06[GMT+7]

Binh sĩ Syria tấn công thành phố bạo loạn

Thứ 3, 26/04/2011 | 13:41:34
1,325 lượt xem
Hàng ngàn binh sĩ được hỗ trợ bởi xe tăng và súng bắn tỉa đã tiến vào thành phố, nơi cuộc nổi dậy chống chính phủ Syria đã bắt đầu, vào sáng sớm nay, 26/4, gây hoảng loạn trên các đường phố khi họ nổ súng bừa bãi vào thường dân và đi đến từng nhà để lùng bắt những người bị tình nghi chống đối. Ít nhất 11 người đã thiệt mạng và 14 người khác nằm trên đường phố - hoặc đã chết hoặc bị thương nặng, các nhân chứng nói.

Các cuộc tấn công quân sự vào các thành phố phía nam của Daraa và ít nhất hai khu vực khác cho thấy Syria đang cố gắng áp đặt việc kiểm soát quân sự tại các trung tâm của cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Bashar Assad, gia đình đã cai trị Syria trong bốn thập kỷ qua.

Cuộc tấn công được lên kế hoạch tỉ mỉ: điện, nước và dịch vụ điện thoại di động bị cắt. Các cơ quan an ninh được vũ trang với súng và dao đã tiến hành rà soát từng nhà, các đường phố bị chia cắt và các trạm kiểm soát đã được dựng lên trước khi mặt trời mọc.

Cuộc tấn công quy mô lớn vào Daraa nổ ra là một phần của chiến lược làm tê liệt mới, các cuộc tấn công phủ đầu chống lại bất cứ ai phản đối ông Assad, thay vì phản ứng với các cuộc biểu tình. Các vụ đàn áp và bắt giữ khác đã được báo cáo xảy ra ở ngoại ô Damascus và thị trấn ven biển Jableh - mang đến nhiều sự lên án quốc tế và nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Washington.

Razan Zeitounia, một nhà hoạt động nhân quyền tại Damascus cho biết, các vụ bắt giữ trên diện rộng - bao gồm cả của những người đàn ông cùng gia đình của họ - dường như là một nỗ lực để đe dọa những người biểu tình và thiết lập một ví dụ cho phần còn lại của đất nước.

Cuộc tấn công vào Daraa, một thành phố nghèo ở biên giới Jordan, là cuộc tấn công có quy mô lớn nhất bằng hỏa lực. Video được quay công khai bởi các nhà hoạt động cho thấy, xe tăng lăn trên đường phố và các bãi cỏ với các binh sĩ chạy bộ phía sau.

Các nhân chứng cho biết, nhiều binh sĩ đã đổ bộ vào trước lúc bình minh và các tay súng bắn tỉa đã chiếm giữ các vị trí trên các mái nhà và các tòa nhà cao tầng, trong khi các nhân viên an ninh khác tìm kiếm nhà của những người bị tình nghi biểu tình.

Daraa, một khu vực hạn hán với 300.000 dân ở phía nam Syria đã chứng kiến một cuộc đổ máu tồi tệ nhất sau 5 tuần kể từ khi các cuộc nổi dậy được bắt đầu. Khu vực này đã chín muồi cho tình trạng bất ổn: Các nhóm lực lượng an ninh Syria yếu hơn ở khu vực biên giới so với các vùng quanh thủ đô Damascus và Daraa đã không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế những năm gần đây. Trong khi đó, Daraa lại tiếp nhận nhiều nông dân di cư, những người đã không làm nghề nông sau nhiều năm hạn hán.

Thành phố Daraa là nơi mà cuộc nổi dậy ở Syria bắt đầu vào giữa tháng 3, đã gây xúc động bởi hình ảnh các thanh thiếu niên vẽ những hình ảnh chống chính phủ lên tường bị bắt giữ.

Cuộc đàn áp không ngừng kể từ giữa tháng 3 đã khiến hơn 350 người trong cả nước thiệt mạng, riêng tuần qua đã có 120 người chết. Nhưng điều đó chỉ thêm khuyến khích những người biểu tình, những người bắt đầu với các lời kêu gọi cải cách khiêm tốn, giờ đã đòi hỏi sự ra đi của ông Assad.

Truyền hình nhà nước trích dẫn lời một nguồn tin quân sự nói rằng, các đơn vị quân đội tiến vào thành phố để mang lại an ninh, "trả lời những lời cầu xin giúp đỡ của cư dân Daraa".

Tình trạng bất ổn tại Syria đã có tác động vượt ra ngoài biên giới nước này.

Syria có vai trò quan trọng trong hầu hết các vấn đề điểm nóng của Trung Đông - từ tiến trình hòa bình Ả rập-Israel đển sự mở rộng ảnh hưởng của Iran. Nhà Trắng hôm qua cho biết, đang xem xét biện pháp trừng phạt chống lại chính phủ Syria do đàn áp tàn bạo. Tuyên bố từ người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Tommy Vietor là lần đầu tiên các quan chức đã nói công khai rằng, những biện pháp trừng phạt là có thể.

Syria đã phải chịu nhiều hình phạt vì nước này được coi là một "nhà nước tài trợ khủng bố" của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng Syria vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Washington.

Trong những ngày gần đây, đã có dấu hiệu cho thấy, chính quyền đang có kế hoạch khởi động một nỗ lực lớn chống lại phe đối lập.

Tuần trước, ông Assad đã đáp ứng một đề nghị quan trọng của phong trào kháng nghị bằng cách bãi bỏ các luật tình về trạng khẩn cấp gần 50 tuổi, cho phép chế độ bắt giữ người mà không cần nguyên nhân. Tuy nhiên, ông đã nhượng bộ với một cảnh báo nghiêm khắc rằng, những người biểu tình sẽ không còn có cớ để tổ chức các cuộc biểu tình lớn và bất kỳ một sự bất ổn nào tiếp tục sẽ được coi là "phá hoại".

Khi người biểu tình bất chấp lệnh của ông và tổ chức các cuộc biểu tình hôm 22/4 - ngày chính cho các cuộc biểu tình trên khắp thế giới Ả Rập - họ đã phải đối mặt với súng, hơi cay và súng gây choáng.

Tại Liên Hiệp Quốc, Pháp, Anh, Đức và Bồ Đào Nha đã thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án mạnh mẽ bạo lực chống lại những người biểu tình hòa bình.

Tại Geneva, người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc Navi Pillay nói rằng, Syria đã quay lưng lại với các lời kêu gọi quốc tế về "ngừng giết hại người dân của mình".

Theo Hà Nội Mới

  • Từ khóa