Thứ 3, 23/07/2024, 09:41[GMT+7]

Khủng hoảng hạt nhân tại Iran, nguy cơ loang rộng trên biển

Thứ 4, 06/07/2011 | 07:48:28
1,507 lượt xem
Đe dọa đóng cửa một eo biển quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế cùng cuộc tập trận "Nhà tiên tri vĩ đại VI", rõ ràng, cuộc khủng hoảng hạt nhân mang tên Iran đã bước vào một nguy cơ mới, loang rộng cả trên các đại dương. Nguy cơ này đang càng khiến tình hình thêm rối ren và tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.

Tehran sẽ không ngần ngại đóng cửa eo biển Hormuz nếu bị đe dọa.

Cuộc tập trận 10 ngày của Lực lượng vệ binh cách mạng Iran (IRG), từ ngày 27-6 đến 8-7, mang tên "Nhà tiên tri vĩ đại VI" đang hé lộ thêm tiềm lực quân sự của Tehran. Trong lúc cuộc phô diễn sức mạnh đang đẩy cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran với phương Tây tới bế tắc mới thì tuyên bố ngày 4-7 của Tư lệnh IRG Mohammad Ali Jafari lại càng khiến cuộc tìm kiếm giải pháp nối lại đàm phán lâm vào ngõ cụt.

Theo đó, người đứng đầu lực lượng được cho là tinh nhuệ nhất của Iran nêu rõ, Tehran sẽ không ngần ngại đóng cửa eo biển Hormuz - nối thông Ấn Độ Dương - Vịnh Persian qua Vịnh Oman - nếu bị đe dọa. Và rằng, đóng Hormuz nằm trong lịch trình của Iran nếu tình huống đặc biệt xảy ra.

Cộng đồng quốc tế đều quá rõ eo biển Hormuz có tầm quan trọng như thế nào trên đường vào Vịnh Persian. Chỗ hẹp nhất của eo biển - cắt ngang Vịnh Oman và Vịnh Persian - chỉ khoảng 34km. Hormuz trên bản đồ như một nút cổ chai, là điểm nối các vựa dầu trong vùng Vịnh Persian với các đại dương để đến các thị trường quốc tế. Có đến 40% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua đây.

Bởi vậy, việc bảo đảm giao thương qua eo biển Hormuz là một yếu tố sống còn để ổn định giá dầu thế giới. Do đó, tuyên bố của Tư lệnh M.A.Jafari được xem như một bước đi táo bạo trong "ván bài" hạt nhân của Tehran. Tuyên bố được đưa ra giữa lúc "Nhà tiên tri vĩ đại VI" của Iran đang trình làng nhiều thiết bị, vũ khí tối tân cả trên đất liền lẫn trên biển như hệ thống rađa mới có tầm quét 1.100km, phóng thành công 14 tên lửa tầm trung và tầm xa, "lộ" các hầm ngầm chứa tên lửa... được nhìn nhận như một cảnh báo của Tehran trước các đòn tấn công giả định có thể của kẻ thù. Cuộc tập trận như khẳng định của người đứng đầu IRG: "Nếu kẻ thù âm mưu đe dọa từ bên ngoài eo biển Hormuz, Iran sẽ có biện pháp đáp trả"… Từ bên ngoài Hormuz ở đây có thể được hiểu là từ Ấn Độ Dương hoặc Vịnh Oman.

Nhiều người tin rằng, sức mạnh quân sự của Mỹ và phương Tây sẽ hóa giải được tiềm lực quân sự của Iran, bảo đảm an toàn cho tuyến vận chuyển quan trọng này. Về lý thuyết là như vậy. Tuy nhiên, trong một không gian hẹp như Hormuz, nơi các tàu hải quân cỡ lớn không thể hoạt động ở điều kiện tốt nhất, Iran hoàn toàn có thể giành thế chủ động nếu một cuộc đối đầu xảy ra. Trong khi đó, nếu các đường vận chuyển thay thế được lựa chọn, dòng dầu chảy qua Hormuz bị hạn chế hoặc buộc phải đổi hướng, giá dầu thế giới bước vào vũ điệu mới.

Đây là điều không chỉ các nền kinh tế hàng đầu thế giới mà cả các quốc gia đang phát triển và kém phát triển không hề muốn trong bối cảnh hiện nay. Và Tehran đã không bỏ qua yếu tố địa chiến lược này. Thực tế, đây cũng không phải là lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố sẽ đóng Hormuz. Cuối năm 2010, Tehran cũng đã phát đi thông điệp tương tự. Nhưng khi đó, căng thẳng đã sớm được hóa giải bằng các nỗ lực ngoại giao. Còn hiện tại, xem ra tình hình đã đổi thay.

Đổi thay đó là các trừng phạt mới của Washington với Tehran đang khiến quốc gia này thêm kiệt quệ. Một ví dụ minh họa là cuối tháng 6 vừa qua, Mỹ đã áp đặt thêm trừng phạt mới nhất với Hãng Hàng không quốc gia Iran (Iran Air). Cùng với các lệnh trừng phạt cũ từ năm 1995, các trừng phạt mới đã biến Iran Air trở thành một trong những hãng hàng không nghèo và lạc hậu nhất thế giới. Như vậy, cùng với 4 lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang áp đặt liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran thì hành động siết chặt của Mỹ và đồng minh đang khiến nền kinh tế Iran thêm khó khăn.

Theo Hà Nội Mới

  • Từ khóa