Thứ 2, 27/01/2025, 13:43[GMT+7]

Thụy Xuân: Hiệu quả từ vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản

Thứ 5, 09/01/2025 | 08:53:17
2,565 lượt xem
Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích làm muối hiệu quả kinh tế không cao sang nuôi trồng thủy sản, xã Thụy Xuân (Thái Thụy) đã xây dựng được vùng nuôi thủy sản tập trung, mang lại giá trị kinh tế ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Ông Nguyễn Duy Chữ vệ sinh ao đầm để bước vào vụ nuôi trồng thủy sản mới.

Đến thăm diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Nguyễn Duy Chữ, khi ông đang tập trung cải tạo 1,2 mẫu đầm để chuẩn bị bước vào vụ nuôi trồng mới. Ông Chữ chia sẻ: Trước đây diện tích này của gia đình làm muối nên nguồn thu nhập rất thấp, mỗi năm chỉ được trên 10 triệu đồng. Nhờ chuyển đổi một phần diện tích làm muối hiệu quả kinh tế không cao sang nuôi tôm thẻ, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện, nâng lên rõ nét. Để bảo đảm môi trường nuôi tôm, cùng với việc học hỏi kỹ thuật nuôi, tôi đầu tư thêm máy bơm, máy sục khí, nhờ đó năng suất tôm của gia đình những năm qua luôn ổn định, trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Còn đối với anh Vũ Hồng Tuân, để làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh đã cải tạo hơn 1ha để nuôi tôm, cá hồng Mỹ. Đặc biệt, loại cá hồng Mỹ giống mà anh lựa chọn nuôi là đối tượng nuôi mới tại địa phương không chỉ ít công chăm sóc mà còn có giá trị kinh tế cao. Mô hình nuôi trồng thủy sản của anh Tuân mỗi năm xuất bán 2,2 tấn tôm thẻ, hơn 2 tạ tôm sú giống và vài nghìn con cá hồng Mỹ giống ra thị trường cho thu lãi hơn 300 triệu đồng. 

Anh Tuân chia sẻ: Trước đây tôi cũng thử sức ở một vài ngành nghề đi nhiều nơi nhưng rồi nhận thấy chẳng đâu bằng quê mình. Sẵn vườn, sẵn ao nhà có, chỉ cần tôi kiên trì và thay đổi tư duy sản xuất, canh tác truyền thống để mở hướng mới cho phát triển kinh tế hộ gia đình. Khi phát triển nuôi trồng thủy sản các đoàn thể cũng hỗ trợ tôi về tập huấn kỹ thuật, kỹ thuật nuôi mới và tổ chức cho các mô hình trao đổi kinh nghiệm, tham quan lẫn nhau. Có kiến thức, kinh nghiệm và nắm bắt xu hướng thị trường, tôi đã xây dựng thành công mô hình nuôi trồng thủy sản, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi diện tích làm muối kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản, xã Thụy Xuân có 225 hộ chuyển đổi, với diện tích 50ha, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã lên gần 100ha. Trong đó, chủ yếu đối tượng nuôi là cá song, cá vược, tôm, cua và một số loại cá nước ngọt truyền thống như: chép, trắm đen. Giá trị sản xuất bình quân mỗi năm đạt 450 triệu đồng/ha. Nuôi trồng thủy sản đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn xã ven biển. 

Ông Nguyễn Trọng Chính, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Minh Hải, xã Thụy Xuân cho biết: Để có được kết quả trên, xã Thụy Xuân đã triển khai nhiều biện pháp tạo thuận lợi cho người dân tại các vùng chuyển dịch sang nuôi trồng thủy sản như: hệ thống điện lưới tới các khu chuyển dịch, chỉ đạo các đoàn thể chủ động phối hợp các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là công tác vệ sinh ao nuôi, phòng bệnh cho cá, tôm và tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ vùng chuyển đổi. Phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao, đầm, phương thức nuôi cho phù hợp điều kiện của địa phương. Để phong trào nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững, thời gian tới xã Thụy Xuân tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các hộ dân căn cứ vào điều kiện tại địa phương để đưa những giống thủy sản mới vào sản xuất. Tăng cường công tác quan trắc môi trường, phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Mạnh Thắng