Thứ 5, 21/11/2024, 20:35[GMT+7]

Thi đua thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp: Giải bài toán “ly nông không ly hương” (Tiếp theo và hết) Kỳ 2: “Trải thảm đỏ” đón doanh nghiệp

Thứ 7, 21/10/2023 | 13:21:24
18,482 lượt xem
Cùng với chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tăng cường xúc tiến, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính... nhằm “trải thảm đỏ” đón doanh nghiệp vào đầu tư tại các cụm công nghiệp (CCN).

Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình First Union Việt Nam (cụm công nghiệp Thụy Sơn, huyện Thái Thụy).

“Rộng cửa” đón doanh nghiệp

Được giao đất thực hiện dự án từ đầu năm 2019, CCN Thụy Sơn dù có quy mô không lớn song được xem là điểm sáng trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư và quản lý vận hành CCN của huyện Thái Thụy. 

Ông Vũ Văn Thế, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và xây dựng Việt Hàn - nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Thụy Sơn cho biết: Chúng tôi được UBND tỉnh, các ngành chuyên môn và UBND huyện Thái Thụy tạo điều kiện thuận lợi về giải quyết thủ tục đầu tư, GPMB, bảo đảm an ninh trật tự... góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Để thu hút nhà đầu tư thứ cấp, ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh, Công ty gia tăng thời gian miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ về thủ tục hành chính, giảm chi phí xử lý nước thải, quản lý hạ tầng... Đến nay, CCN đã được hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 diện tích 20ha, thu hút 4 doanh nghiệp vào sản xuất, tạo việc làm cho gần 5.000 lao động với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình First Union Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư tại CCN Thụy Sơn với quy mô sản xuất 5,5 triệu bộ sản phẩm/năm, tạo việc làm cho 3.500 lao động với mức lương 7 - 8 triệu đồng. 

Chị Nguyễn Thị Diên, công nhân Công ty chia sẻ: Trước đây tôi làm việc xa nhà nhưng 3 năm nay về quê vào Công ty làm việc thấy rất thuận lợi, cuộc sống ổn định hơn, chăm sóc được gia đình, thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng nên rất yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Trên địa bàn huyện Hưng Hà hiện có 11 CCN được quy hoạch phát triển, 7/11 CCN đã được thành lập. Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện phong trào thi đua “Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”, Hưng Hà luôn cầu thị, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, công khai, minh bạch theo hướng có lợi cho nhà đầu tư; tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB, tăng cường đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời sàng lọc, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thật sự vào đầu tư tại huyện, từ đó giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách cho địa phương.

Ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc dự án CCN Hưng Nhân đánh giá: UBND huyện Hưng Hà đã tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính, GPMB, phối hợp xúc tiến đầu tư thu hút các nhà đầu tư thứ cấp bảo đảm các tiêu chí sử dụng tốt nguồn lực về đất đai, lao động, năng lượng, sản xuất thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị gia tăng lớn. Năm 2023, chúng tôi sẽ hoàn thiện giao đất giai đoạn 1 cho các nhà đầu tư thứ cấp để xây dựng nhà máy, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án. Hiện tại đã có 5 nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước đăng ký đầu tư vào CCN Hưng Nhân, dự kiến sẽ tạo việc làm cho 4.000 - 5.000 lao động.

Nhà đầu tư thứ cấp triển khai xây dựng nhà máy tại cụm công nghiệp An Ninh (Tiền Hải).

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các CCN, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn, các huyện, thành phố đôn đốc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN khẩn trương hoàn thành hạ tầng kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung và các thủ tục hành chính về môi trường; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, ưu tiên thu hút dự án đầu tư có ngành nghề sản xuất phù hợp với quy hoạch, có công nghệ sản xuất hiện đại và bảo đảm về môi trường. Đồng thời, đề nghị các tổ chức tín dụng giảm lãi suất vay vốn, hỗ trợ tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay kịp thời phục vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN. Cùng với đó, Sở Công Thương tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy trình thủ tục đầu tư, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong GPMB, đấu nối giao thông, cấp và thoát nước chung cho khu vực triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật CCN; hướng dẫn, giải quyết hồ sơ thành lập, điều chỉnh quyết định thành lập, gia hạn tiến độ dự án CCN nhanh gọn, theo đúng quy định hiện hành và quy chế làm việc của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 49 CCN đã được thành lập với tổng diện tích hơn 2.700ha, 47 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích hơn 2.200ha. Tỷ lệ lấp đầy đất thu hồi các CCN đạt 55,9%. Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án thứ cấp đầu tư tại các CCN đã huy động được các nguồn lực đầu tư cho phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 6/2023, các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 452 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 33.413 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2020. Hiện có 336 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất (74,3%), 68 dự án đang xây dựng, 48 dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư, sử dụng 56.552 lao động với thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của các CCN trên địa bàn đạt 12.663 tỷ đồng, chiếm 28% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 133,3 triệu USD.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực song việc phát triển và thu hút đầu tư vào CCN trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Nhiều CCN thiếu chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp. Có CCN đã thành lập, mở rộng từ năm 2019 tuy nhiên chưa được bố trí kế hoạch sử dụng đất.  

Ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc dự án CCN Hưng Nhân kiến nghị: Doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục thực hiện giai đoạn 2 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Hưng Nhân tuy nhiên lại chưa được bố trí kế hoạch sử dụng đất, vì vậy rất mong tỉnh và ngành chức năng quan tâm tháo gỡ để sớm triển khai dự án. Cùng với đó, công tác đền bù, GPMB các CCN nhiều nơi gặp khó khăn, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và thu hút đầu tư.

Ông Vũ Văn Thế, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và xây dựng Việt Hàn chia sẻ: Doanh nghiệp tiếp tục triển khai giai đoạn 2 mở rộng quy mô CCN Thụy Sơn thêm 22ha nữa để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vào sản xuất, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương. Cùng với khó khăn trong bố trí kế hoạch sử dụng đất thì GPMB cũng là một thách thức đối với các nhà đầu tư hạ tầng CCN hiện nay, rất mong huyện Thái Thụy làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích mà các CCN mang lại, đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Thêm vào đó, hạ tầng kỹ thuật của một số CCN hiện chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu trạm xử lý nước thải tập trung, một số nhà đầu tư chậm triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN...

Những khó khăn, tồn tại nêu trên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý, phát triển, thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, cùng với đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và một số nhà đầu tư thứ cấp về đất đai, GPMB, thủ tục đầu tư...; làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 cho các CCN, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất kịp thời cho những dự án có khả năng triển khai nhanh, có năng lực thu hút đầu tư. Tích cực đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng CCN đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, đặc biệt là trạm xử lý nước thải tập trung để bảo đảm điều kiện thu hút đầu tư, tăng nhanh tỷ lệ lập đầy các CCN, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Cụm công nghiệp Hưng Nhân (Hưng Hà) triển khai xây dựng hạ tầng.

Nguyễn Hình