Thứ 5, 21/11/2024, 23:46[GMT+7]

Đông Huy - Đông Hưng Với công tác đền ơn đáp nghĩa

Thứ 4, 15/12/2010 | 08:11:02
3,271 lượt xem
Những ngày qua, Đảng bộ và nhân dân Đông Huy huyện Đông Hưng đang khẩn trương hoàn thành Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, để khánh thành đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 năm nay.

Đài tưởng niệm các liệt sĩ xã Đông Huy vừa được hoàn thành

 Đây là một trong những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung và xã Đông Huy nói riêng.

Đông Huy là xã nằm ven bờ sông Trà, cách Thành phố Thái Bình chừng hơn chục cây số về phía đông. Trong các cuộc kháng chiến vùng quê này đã đóng góp bao tiền của, máu xương góp phần dành độc lập cho Tổ quốc.

Trước Cách mạng tháng 8, Đông Huy có cái tên là xã Hội Phú (huyện Đông Quan cũ). Năm 1954, Hội Phú được tách ra làm 3 đơn vị, và Đông Huy là một trong 3 xã được hình thành từ đó.

Mặc dù là một xã có diện tích nhỏ, chỉ hơn 320ha, dân số 3200 nhân khẩu, nhưng người Đông Huy luôn thể hiện ý chí kiên cường trong chiến đấu, góp phần to lớn vào thắng lợi của dân tộc. Trong hòa bình, người Đông Huy luôn cần cù lao động, sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, làm nên nhiều mùa vàng bội thu, để tô điểm cho bức tranh quê lúa Thái Bình từng ngày khởi sắc.

Trong những năm 1950– 1954, giặc Pháp tiến hành các cuộc càn quét lớn nhỏ trên đất Thái Bình với đủ loại binh chủng hải, lục, không quân. Chúng triệt phá hầu hết các làng kháng chiến của tỉnh và thực hiện chính sách “tam quang”, là: “Phá sạch, đốt sạch, giết sạch”.

Ở Đông Huy lúc đó, bọn thực dân đã cho xây các đồn bốt. Phía đông Bắc, chúng đóng bốt Cầu Gọ, chặn đứng con đường huyết mạch Quốc lộ 218.

Phía đông nam, chúng cho xây dựng bốt Cầu Cất án ngữ con sông Gọ. Phía nam là Bốt Tìm, Bốt Bóng, chúng hòng biến Đông Huy thành căn cứ địa. Thế của ta lúc đó như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, nhân dân Đông Huy một lòng theo cách mạng, quyết tâm dốc hết sức mình bảo vệ quê hương.

Ban ngày, họ vẫn lao động sản xuất trên cánh đồng, ban đêm cả làng tham gia du kích, đào hào, đắp lũy, vót chông gài mìn đánh địch. Những trai làng trẻ khỏe hăng hái ra mặt trận, hoặc tham gia cách mạng chiến đấu với quân thù.

Trải qua các cuộc kháng chiến, nhất là thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, Đông Huy có tổng số 1200 người con lên đường nhập ngũ, trong đó 89 người đã anh dũng hy sinh, 58 đồng chí để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường, 57 đồng chí trở về mang trong mình chất độc da cam điôxin. Xã vinh dự có 1 cán bộ tiền khởi nghĩa; 1 người con được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, là đồng chí Nguyễn Văn Kháng, nguyên là Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng;

Trong số những người tham gia kháng chiến, đã có 350 người được tặng huân, huy chương các loại, nhiều người được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến nay Đông Huy có 50% đảng viên từ 30 – 60 năm tuổi Đảng, trong đó tuổi Đảng từ 60 trở lên có 11 đồng chí.

Đời đời ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì hòa bình của dân tộc, đó chính là tâm nguyện, là ý chí và cũng chính là truyền thống ngàn đời của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Huy.

Ông Bùi Văn Trung- Chủ tịch UBND xã cho biết: Tuy là xã nội đồng, chủ yếu là thâm canh lúa, nên kinh tế còn không ít khó khăn, nhưng hàng năm Đảng ủy và UBND xã đều dành kinh phí, tổ chức hoạt động thăm hỏi, tặng quà thân nhân gia đình liệt sĩ và thương, bệnh binh. Bằng kinh phí hỗ trợ của một số nhà hảo tâm, của địa phương, cùng với họ hàng và bà con xóm giềng, những năm qua, xã đã xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho đối tượng thuộc diện chính sách đặc biệt.

Bên cạnh đó, hàng trăm lượt con liệt sĩ, con thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn được các nhà trường, thầy cô giáo quan tâm chăm sóc, giúp đỡ, như miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền sách vở giúp các em trong học tập.

Một số gia đình chính sách thuộc diện nghèo được ưu tiên vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, được hỗ trợ về giống, vật nuôi, cây trồng trong sản xuất. Những hoạt động thắm đượm tình nghĩa ấy đã làm ấm lòng thân nhân các gia đình chính sách, người có công với nước. Ghi nhận thành tích đó, năm 2007, Đông Huy được UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác đền ơn đáp nghĩa.

Năm 2010 này, được sự hỗ trợ một phần kinh phí của Trung ương và của tỉnh, cùng sự đóng góp của nhân dân, Đông Huy đã xây dựng công trình Tượng đài liệt sĩ,  nhằm khắc ghi những người con xã Đông Huy đã dũng cảm hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.

Tượng đài được thiết kế nổi lên giữa lòng hồ rộng với những cột trụ vững chắc, được gắn ốp công phu từ những phiến đá grannit, những hoa văn sắc sảo của những bàn tay người thợ tài ba. Chính giữa Đài tưởng niệm là dòng chữ đỏ “Tổ quốc ghi công” trên bia đá lớn, hai bên là 2 bia đá cân xứng đã khắc cốt, lưu danh các liệt sĩ nguời quê hương.

Công trình trị giá trên 2 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước là sự đóng góp của con em xã Đông Huy đang sinh sống, làm việc tại địa phương và trên mọi miền Tổ quốc. Người ít là 100 nghìn đồng, người nhiều tới tiền triệu, có người vài chục triệu.

Cụ Hoàng Thị Thâm, năm nay đã 86 tuổi, đời sống chưa phải giầu có, con cháu cụ cũng còn phải chạy vạy, lo toan cuộc sống hàng ngày, nhưng cụ đã tình nguyện đem hết số tiền tiết kiệm 25 triệu đồng tích cóp, dành dụm từ chăn nuôi, cấy trồng và tiền do con cháu cho để đóng góp xây dựng Tượng đài.

Cụ Lưu Thị Na, cũng ở cái tuổi xưa nay hiếm, hiện đang cư trú tận Đồng Nai, cũng một lòng hướng về quê cha đất tổ. Nói đến chuyện xây dựng tượng đài là cụ gửi luôn số tiền 10 triệu đồng đóng góp. Không chỉ có tiền, nhiều người còn cúng tiến cả hiện vật rất giá trị trang trí cho tượng đài.

Ông Hoàng Ngọc Phong, một cán bộ đang công tác tại Hà Nội quyên góp bộ lư hương trị giá 30 triệu đồng. Ông Lương Đoàn Mạnh (Quảng Ninh) là con trai duy nhất của Liệt sĩ Lương Văn Tách đã mang về đôi hạc lớn bằng đá thửa trị giá 20 triệu đồng. Người dân trong xã, người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, mỗi người một tay một chân, người không có tiền thì góp công, góp sức xây dựng Tượng đài.

Đến nay số tiền quyên góp đã lên tới trên 400 triệu. Chắc còn nữa những tấm lòng, hướng về cội nguồn, tất cả chỉ với một tâm niệm duy nhất từ cái tâm hướng thiện của mỗi người con Đông Huy.

Đài tưởng niệm được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt nam 22/12/2010. Tượng đài như một Công trình văn hóa ở làng quê, nhưng ý nghĩa hơn, nơi đây cũng là nơi để mỗi ai đó có dịp đến thăm cầm nén nhang thơm bày tỏ lòng thành kính với Tổ quốc, với hương hồn những liệt sĩ đã mãi mãi ra đi vì hòa bình cho dân tộc.

Cũng là nơi để mỗi người đang sống soi lại chính mình và thầm hứa ta sẽ làm gì cho Tổ quốc hôm nay! để sống xứng đáng hơn với thành quả mà lớp lớp cha anh đã mang lại điều quý nhất là “độc lập tự do” như lời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

CTV: Dương Quang Bách

 

  • Từ khóa