Thứ 6, 09/08/2024, 07:28[GMT+7]

Chi Lăng Khó khăn trong phát triển chăn nuôi tập trung

Thứ 3, 09/12/2014 | 08:26:11
1,076 lượt xem
Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi của xã Chi Lăng (Hưng Hà) đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, là một trong những đòn bẩy tăng trưởng kinh tế chung của toàn xã. Tuy nhiên việc quy vùng phát triển chăn nuôi tập trung ở Chi Lăng còn gặp nhiều khó khăn.

Khu chăn nuôi của gia đình ông Hoàng Văn Điệt, thôn Thống Nhất, xã Chi Lăng (Hưng Hà).

Để phát triển chăn nuôi, những năm qua người dân Chi Lăng tận dụng nguồn thức ăn sẵn có giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập; tích cực phòng, chống dịch bệnh (bởi vậy, công tác tiêm phòng vắc-xin luôn đạt 100%) phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, thường xuyên vệ sinh môi trường bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Xã tạo điều kiện cho những người dân muốn mở rộng diện tích chăn nuôi, chuyển đổi diện tích đất hoang hóa, chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng trang trại, gia trại, vùng chăn nuôi tập trung, phát triển kinh tế gia đình. Gia đình anh Nguyễn Duy Định, thôn Trần Phú là một trong những hộ đầu tiên xin ra vùng chuyển đổi để mở rộng, phát triển chăn nuôi. Trước kia, anh chăn nuôi ngay tại gia đình, nhưng vì diện tích nhỏ, không đáp ứng được việc tăng đàn vật nuôi, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Năm 2012, gia đình anh xin xã chuyển ra vùng chuyển đổi, công việc từ đó thuận lợi, dễ dàng hơn, không gian thoáng đãng, con vật nuôi khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh. Với tổng diện tích 2.500m2, anh dành 250m2 xây dựng chuồng trại, nuôi gần 100 con lợn siêu nạc. Một năm xuất bán hai lứa lợn, sau khi trừ chi phí, cho thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Cùng với đó, anh nuôi hơn chục con trâu, bò. Theo anh Định, nuôi trâu, bò không tốn kém nhiều, thu nhập lại cao, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn nuôi 150 con ngan, gà để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Không giống như gia đình anh Định chăn nuôi tại vùng chuyển đổi, anh Nguyễn Đức Tiết, thôn Quyết Tiến chăn nuôi ngay tại gia đình mình. Diện tích đất thổ cư của gia đình anh là 360m2, riêng khu chăn nuôi lợn là 160m2. Một năm xuất bán từ 15 - 20 tấn lợn, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Gia đình anh Định có nguyện vọng muốn được ra vùng chuyển đổi để phát triển chăn nuôi, tăng số lượng con vật nuôi. Cũng phát triển chăn nuôi tại hộ, ông  Hoàng Văn Điệt, Trưởng thôn Thống Nhất cho biết: Đất thổ cư của gia đình chật chội  không thuận lợi cho việc tăng đàn, môi trường ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, thu nhập không cao, đời sống vì thế vẫn khó khăn. Ông mong muốn chính quyền xã sớm tạo điều kiện, quy hoạch quỹ đất để thành lập khu chăn nuôi tập trung, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu dân cư, vừa giúp người dân yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Đỗ Văn Bảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Trên địa bàn xã hiện nay đã có 3ha diện tích đất chuyển đổi từ vùng quanh năm ngập úng, cấy lúa năng suất thấp sang xây dựng trang trại, gia trại. Tuy nhiên, người dân không mấy mặn mà vì quá xa, không thuận tiện trong việc đi lại. Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng một trang trại không hề nhỏ. Hiện người dân có nhu cầu muốn chuyển đổi diện tích của họ đến khu diện tích đất chưa phải vùng chuyển đổi, đang là đất hai lúa, đất hoang hóa ít, bởi vậy xã chưa thể chuyển đổi được. Tuy nhiên, chính quyền xã sẽ luôn cố gắng tìm kiếm giải pháp tốt nhất giúp người dân tháo gỡ khó khăn, đồng thời tạo điều kiện giúp người dân vay vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi.

   Phạm Huế

  • Từ khóa