Thứ 5, 15/05/2025, 03:23[GMT+7]

Thái Thụy Nhiều tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai

Thứ 3, 11/09/2012 | 17:17:15
1,411 lượt xem
Từ nhiều năm nay, huyện Thái Thụy phải đối mặt với những khó khăn, tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai. Ở một số xã, thị trấn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất để hoang hóa và sử dụng không hiệu quả, nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai còn tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm…

Một hộ gia đình ở xã Thụy Hà chuyển đổi đất nông nghiệp sang đầu tư nuôi cá sấu nhưng lại xây nhà kiên cố, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Vụ việc phức tạp, nổi cộm nhất kể đến là tình trạng lấn chiếm đất bãi triều nuôi ngao trái phép ở một số xã ven biển của huyện. Xảy ra từ năm 2010, đến đầu năm 2012, việc lấn chiếm đất bãi triều diễn ra ồ ạt, với diện tích khoảng 900 ha ở các xã Thụy Trường, Thái Thượng và Thái Đô. Phạm vi lấn chiếm vượt ra ngoài diện tích quy hoạch tổng thể thuộc khu vực khai thác tự nhiên, vùng cửa sông, diện tích phát triển rừng ngập mặn… Sau khi tỉnh, huyện, các ngành chức năng tập trung giải quyết ổn định tình hình, xã Thụy Trường đã hoàn thành tổ chức đấu giá, chia đất cho dân, xã Thái Đô chuẩn bị đấu giá đất vào cuối tháng 9/2012.

Riêng ở Thái Thượng việc lấn chiếm đất bãi triều vẫn diễn biến phức tạp với khoảng 400 ha, trong đó phần lớn diện tích đã thả con giống… không chỉ cản trở việc triển khai thực hiện quy hoạch nuôi ngao, đi ngược lại với quyền và lợi ích chính đáng của người dân, gây thất thu cho ngân sách mà còn gây mất an ninh trật tự khu vực ven biển.

Cuối năm 2011, Thanh tra huyện Thái Thụy đã tiến hành thanh tra công tác quy hoạch quản lý, sử dụng đất tại một số địa phương và phát hiện một số sai phạm. Tại xã Thụy Phong có 4 hộ chuyển đổi sử dụng đất không đúng mục đích, sai quy định: xây nhà kiên cố, kinh doanh dịch vụ giải khát, ăn uống, trồng cây cảnh, làm thay đổi mặt bằng canh tác với tổng diện tích 9.595,5m2. Từ năm 2006 đến năm 2010, trên địa bàn xã có 7 tổ chức, cá nhân được UBND huyện  ra quyết định cho thuê đất thì có 2 hộ đã sử dụng diện tích đất thuê để sản xuất kinh doanh nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, chưa có hợp đồng thuê đất, có hộ còn sử dụng đất không đúng mục đích theo quyết định thuê đất, xây dựng công trình trái phép trên đất thuê…

Tại thời điểm thanh tra, có nhiều hộ chưa nộp tiền thuê đất theo quy định, trên trục đường 456 (đoạn qua địa bàn xã) còn 13 hộ thuộc diện cấp đất trái thẩm quyền từ năm 1994 còn nợ tiền sử dụng đất với diện tích 837,9m2, 15 hộ tự lấn chiếm trên phần diện tích được giao với diện tích 1.484,7m2 và xây dựng nhà kiên cố nhưng chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng chưa có biện pháp ngăn chặn và xử lý kiên quyết… nên đã làm thất thu nguồn từ đất cho ngân sách Nhà nước.

Tại Thị trấn Diêm Điền, năm 2008-2009 tại khu vực hồ Thanh Xuân đấu giá quyền sử dụng đất vượt quá diện tích cho phép là 2.503m2. Thanh tra huyện cũng đã kiểm tra tại 4 đơn vị, cá nhân cho thuê đất để sản xuất kinh doanh, diện tích tăng so với hợp đồng thuê đất là 2.313,8m2… Trong tháng 5/2012, Thường trực HĐND huyện Thái Thụy đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng đất đai tại 5 xã trong huyện gồm: Thụy Hà, Thụy Bình, Thụy Dương, Thái Phúc và Thái Thọ cũng đã phát hiện một số sai phạm. Tại xã Thụy Bình, tháng 5/2012 UBND xã ký hợp đồng cho thuê đất sản xuất kinh doanh đối với  bà Vũ Thị Hoa (thôn An Ninh) diện tích 1.210m2, ngày 10/5/2012 Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã yêu cầu xã hủy bỏ hợp đồng do thực hiện không đúng thẩm quyền.

Ở xã Thái Phúc, tại bến Lở sông Trà Lý, UBND xã đã ký hợp đồng cho thuê đất với diện tích hơn 3.000m2 cho 7 hộ để  kinh doanh vật liệu xây dựng - chất đốt; xã Thái Thọ hợp đồng giao thầu bến bãi 11 trường hợp không đúng thẩm quyền, ngoài ra Thái Thọ còn 82 trường hợp ký hợp đồng giao đất khoán 5% quá thời hạn. Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tại xã Thụy Bình có 32 hộ tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang mô hình cá-lúa. Lợi dụng việc chuyển đổi, 1 hộ đã xây nhà ở, mở quán kinh doanh với diện tích 215m2; 1 hộ chuyển đổi diện tích đất hai lúa sang xây dựng nhà xưởng để kinh doanh gỗ.

Xã Thụy Hà cho phép 1 hộ chuyển mục đích sang nuôi cá sấu song gia đình lại xây dựng nhà ở kiên cố, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát; nhiều gia đình tại khu vực tuyến đường 456 đi qua địa bàn xã cũng đã xây dựng nhà hàng, sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp. Xã Thụy Dương có 4 hộ tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp dọc tuyến đường 456 để sản xuất gạch không nung, 3 hộ tự ý chuyển đổi mục đích sang chăn nuôi gà, đào ao thả cá. Xã Thái Thọ có 4 trường hợp đào ao phá vỡ mặt bằng đất canh tác. Ngoài ra, tại những vùng chuyển đổi trên địa bàn huyện, một số hộ gia đình xây dựng nhà trông coi, bảo vệ kiên cố, quá hạn mức cho phép. Đối với các trường hợp vi phạm, đến nay nhiều xã chưa có phương án giải quyết triệt để, một số trường hợp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, song các hộ không thực hiện, chính quyền cũng không có biện pháp xử lý dứt điểm.

Nguyên nhân để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai ở Thái Thụy do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai chưa đồng bộ, còn chồng chéo, thường xuyên thay đổi, bổ sung gây nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện; công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật về đất đai còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa cao, trình độ của cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế…

Nhưng, vấn đề mấu chốt vẫn là công tác quản lý đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ, không phát hiện kịp thời hoặc biết nhưng chưa xử lý triệt để, công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, biện pháp xử lý các vi phạm về đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên không kịp thời, dẫn đến những sai phạm lớn, nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài. Theo báo cáo của UBND huyện, từ năm 2004 đến năm 2011, trên địa bàn tiếp nhận 49 đơn, bằng 49 vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết; 6 tháng đầu năm 2012, toàn huyện cũng đã tiếp nhận xử lý 52 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó nhiều đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Vì vậy, để giải quyết những tồn tại, hạn chế các vi phạm mới có thể phát sinh, huyện Thái Thụy cần  phải có những biện pháp tích cực, đẩy mạnh thanh kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện, ngăn chặn việc cho thuê đất trái thẩm quyền, tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng, sử dụng đất không đúng mục đích, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày