Thứ 6, 26/07/2024, 18:25[GMT+7]

Khi mẹ đi “Tây”

Thứ 4, 25/08/2010 | 10:49:27
732 lượt xem
Khi người phụ nữ lựa chọn đi XKLĐ, kinh tế gia đình sẽ khá lên trông thấy; vẫn biết “đi một ngày đàng học một sàng khôn”… song bên cạnh những mặt được, không tránh khỏi những đổ vỡ...

Ảnh chỉ mang tính minh họa

 

Thiếu thốn tình cảm

Ở thôn Văn Hải, xã Đông Phong, huyện Tiền Hải (Thái Bình) có gia đình anh Hưng. Cách đây 8 năm, vì kinh tế gia đình khó khăn lại thêm phong trào chị em theo nhau đi XKLĐ rất sôi động nên vợ chồng bàn nhau vay hơn 20 triệu đồng để chị đi.

Lúc ấy, anh chị mới có một cô con gái gần 9 tuổi. Kể từ ngày vợ đi, từ một người chồng “không biết làm gì”, anh Hưng đã phải “học làm mọi thứ”. Anh học từ việc phải dậy sớm, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, học cách chi tiêu có kế hoạch, đi họp phụ huynh, hướng dẫn con gái nhặt rau, quét nhà, dạy con học, dạy con tập đi xe đạp, đọc sách về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, phòng bệnh cho trẻ theo mùa…

Với anh, ban đầu, việc gì cũng khó nhưng chỉ cần trong gần một năm, mọi thứ đã dần ổn. Sau 3 năm vợ anh trở về mang theo số tiền khá lớn. Họ không chỉ trả hết nợ, mua sắm được thêm đồ đạc trong nhà mà còn có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng vài trăm triệu.

Khi này, vợ anh ngỏ ý muốn đi thêm đợt nữa vì gia đình người Đài Loan nơi chị làm giúp việc bên đó rất quý chị, muốn ký hợp đồng tiếp trong 2 năm nữa nhưng anh Hưng đã gạt phắt: “Không đi đâu nữa”.

Lý do chính là, theo anh, những khó khăn về công việc khi vợ vắng nhà là rất lớn nhưng chỉ cần chịu khó một tí là sẽ quen ngay. Song sự thiếu thốn về “tình cảm” mới thật là khủng khiếp.

Trung bình mỗi tuần vợ có gọi điện về một lần để động viên bố con nhưng anh thấy vẫn “không thấm vào đâu”. Có thể ban ngày đỡ hơn nhưng về đêm thì rất nhớ vợ. Cơ cực hơn nữa là những lần con ốm, trong đêm, ngồi một mình ôm con, vừa thương con, vừa lo, vừa hoảng sợ, tủi thân đến phát khóc…

Còn với con cái, qua cuộc khảo sát năm 2008 về thực trạng phụ nữ đi XKLĐ của Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ, Trường Cán bộ Phụ nữ TƯ, cho thấy: Có đến 35% số người được phỏng vấn cho rằng khi mẹ vắng nhà, trẻ em đã bị thiếu thốn tình cảm nghiêm trọng, không được chăm sóc, dạy dỗ, bảo ban, nhiều trẻ bị trầm cảm, cô đơn, buồn phiền hoặc sẽ bướng bỉnh, khó bảo, trốn học, lao vào tệ nạn xã hội…

Mẹ nay khác mẹ xưa

Ở xã Đông Hưng, cả xã có tới trên 100 lượt người là phụ nữ từng đi XKLĐ, còn xã Vũ Lăng gần đó cũng có trên 60 người. Tính đến thời điểm đầu năm 2009, trên địa bàn xã Vũ Lăng cũng đã có tới 40 người trở về và đang sinh sống tại địa phương.

Trong số những chị đã trở về, rất nhiều người nhận xét là “họ đã khác trước rất nhiều”. Cái khác đầu tiên mà mọi người rất dễ nhận thấy là về hình dáng bên ngoài. Trước khi đi XKLĐ, có chị nhìn rất thuỳ mị, dịu dàng. Thế rồi sau 3 năm trở về, chị ăn mặc sành điệu, cắt phăng đi mái tóc dài, ăn nói bạo dạn. Mỗi khi chị ra đường, nam giới nhìn thấy phải xuýt xoa, bàn tán, trêu ghẹo. Cứ lời ong, tiếng ve như vậy, tự nhiên người chồng thấy khó chịu, chướng mắt, sau đó thì nảy sinh tâm lý ghen tuông rồi tự hỏi không biết mấy năm ở bên kia có chung thuỷ không hay hư hỏng… Hậu quả là thỉnh thoảng vợ chồng lại có những lục đục, rồi dẫn đến sự thờ ơ, lạnh nhạt, nghi ngờ nhau…

Với một số chị em khác thì do ảnh hưởng lối sống của gia đình chủ nhà bên “Tây” mà tính tình cũng có thay đổi. Có những chị em đã khắt khe hơn xưa, đặc biệt là trong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi bữa ăn, có chị đòi hỏi chồng phải nấu nhiều món hơn, nấu ngon hơn. Nhà vệ sinh thì cũng luôn yêu cầu phải giữ thật sạch sẽ. Tuy con còn nhỏ nhưng lúc nào mẹ cũng nghiêm khắc và đòi hỏi chúng phải sắp xếp mọi thứ theo trật tự, gọn gàng…

Những khi ấy, bố con bảo nhau: “Mẹ ở bên kia quen như vậy rồi” và cố gắng làm theo ý mẹ nhưng không phải lúc nào cũng làm tốt, làm đúng ý. Khi ấy, gia đình lại to tiếng, bất mãn. Cũng vì thế mà có một số gia đình, bố con đã giấm dúi bảo nhau: “Từ ngày mẹ về nhà mình đỡ vui hơn xưa”…

Còn với một mẹ chồng ở thôn Lê Lợi, xã Vũ Lăng có con dâu đi XKLĐ ở Malaysia cho rằng con dâu bà chưa thấy thay đổi gì nhiều nhưng trong thôn có những chị khi đi xa về đã cậy mình có tiền, coi thường chồng, tự mình quyết định tất cả chi tiêu trong nhà như mua sắm đồ đạc, xây sửa nhà cửa… làm chồng bị yếu thế, mặc cảm khiến cho cuộc sống gia đình bị rạn nứt…

Theo TGPN

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày