Thứ 2, 12/08/2024, 04:14[GMT+7]

Nghĩ về nghề

Thứ 2, 30/08/2010 | 10:19:42
1,198 lượt xem
Muốn sống được ở trên đường, ai cũng phải ăn. Có ăn thì mới sống được. Nhưng ăn thì phải làm. Ăn không làm thì chỉ có là con nít còn bú mẹ hoặc ông lão, bà lão sắp đến ngày “khuất núi” mà thôi. Cho nên ai cũng phải làm.

Nghề thêu ở Thái Bình

Dù ở giữa phố thị ồn ào hay ở nơi đèo heo hút gió, dù ở giữa đồng bằng trù phú hay ở nơi cuối bãi đầu sông, nơi hải đảo xa mờ, dù là “phó thường dân” hay ngài tổng thống, ai cũng phải có một nghề kiếm sống.

Dù có “giàu chín đụn mười trâu”, “giàu nứt đố đổ vách” giàu như “Bill gates”,... ai cũng phải làm một việc gì đó. Của có chất cao như núi thì rồi ăn mãi cũng hết. Tiền có chất cao như núi thì rồi tiêu mãi cũng hết. Chỉ có nghề mới đẻ ra được của cải. Chỉ có nghề mới đẻ ra được tiền. Chỉ có nghề mới nuôi sống được con người mãi mãi. “Của rề rề không bằng nghề trong tay” mà lại.

Nghề trước hết để nuôi sống mình và gia đình mình, sau nữa là để góp phần tạo ra giá trị vật chất và giá trị tinh thần cho xã hội. Nghề càng tinh xảo, càng độc đáo thì càng được xã hội đánh giá cao, càng được mọi người trân trọng. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” là vậy.

Không có gì quý bằng giỏi nghề. Không có gì quý bằng “nghệ tinh”. Lao động phức tạp, lao động nghệ thuật, lao động kỹ thuật, rõ ràng tạo ra giá trị vật chất và giá trị tinh thần cao hơn lao động giản đơn. Lao động lành nghề tạo ra giá trị vật chất và tinh thần cao hơn lao động không lành nghề.

Bởi thế ai cũng phải có nghề và phấn đấu để thành thạo nghề ấy. Nghề nông nghề buôn, nghề muối, nghề cá, nghề rèn, nghề nề, nghề mộc, nghề cơ khí, nghề gốm sứ, nghề dệt vải, nghề dệt chiếu, nghề làm đường, làm than, làm điện, rồi nghề thầy giáo, thầy thuốc, nghề báo, nghề văn... thậm chí nghề thấy bói, thấy cúng nữa... Không ai là không có một nghề.
Không có nghề thì chỉ có mà chết đói dù đó là nghề cao sang hay là nghề tảo tần lam lũ nơi cuối chợ đầu sông.

Chính vì vậy ngay từ nhỏ, mỗi một con người cần được định hướng nghề nghiệp, cần được học nghề, cần được giáo dục ý thức yêu lao động và yêu người lao động, nhất là yêu những con người làm nghề lao động nhọc nhằn nhất trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Ngay từ nhỏ mỗi một con người cần được học văn hóa đến nơi đến chốn bởi văn hóa là chìa khóa đầu tiên mở cho con người tiến vào kho tàng tri thức, nắm lấy nghề nghiệp, trau dồi và nâng cao trình độ nghề nghiệp của mình.

Học văn hóa, học khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, học để nắm được bản chất của các sự vật, hiện tượng của thế giới để cải tạo thế giới phục vụ cho lợi ích con người. Học, học nữa và học mãi, học suốt đời... Chung quy lại cũng là để mỗi một con người chúng ta có một nghề ngày càng tinh xảo mà thôi.

Như thế là trong xã hội có biết bao nhiêu là nghề. Các cụ đã tổng kết “bách nhân bách nghệ” mà lại. Có nhiều nghề ngày xưa có, ngày nay không còn như nghề đánh giậm, nghề đóng cối, nghề lợp mái rạ, nghề đắp tường đất, trát vách bùn rơm... Cũng có nhiều nghề ngày xưa không có nay lại có do thành tựu của khoa học kỹ thuật và văn minh nhân loại sinh ra. Không phải là trăm nghề mà là hàng nghìn nghề, hàng vạn nghề khác nhau...

Trong hàng nghìn, hàng vạn nghề trong xã hội, mỗi một con người phải tìm cho mình một nghề thích hợp nhất. Mà muốn tìm cho mình một nghề thích hợp nhất, hợp với sở trường và ý thích của mình, con người ta phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, không ngừng học tập để nâng cao trình độ mọi mặt đặc biệt là không ngừng học tập trau dồi trình độ hiểu biết và thực hành nghề nghiệp mà mình yêu thích.

Học nghề càng sớm càng tốt bởi vì chỉ có lúc trẻ, con người ta mới tiếp thu được nhanh nhất, tốt nhất lý luận nghề nghiệp. Chỉ còn lúc trẻ, con người ta mới rèn được tay nghề ở mức thành thạo cao nhất. Giỏi nghề càng sớm càng tốt bởi vì giỏi nghề càng sớm thì con người ta càng cống hiến được nhiều hơn với số lượng thời gian và chất lượng cao hơn so với giỏi nghề muộn.

Cũng có thể, con người ta, trong điều kiện cụ thể nào đó  không được làm công việc mà mình yêu thích. Nhưng một khi nhà máy cần, doanh nghiệp cần, công trình cần, tổ chức cần, ta có thể sẵn sàng làm công việc trái với sở trường, sở thích của ta có được không? Vâng! Nếu tổ chức cần, dân cần, Đảng cần, việc đó có lợi cho dân, cho nước, ta sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc.

Có biết bao nhiêu là nghề trong xã hội. Có những nghề làm việc trên cánh đồng xa trông tít tắp chân trời đầy nắng gió. Có những nghề làm việc trên biển mênh mông... Nhưng cũng có những nghề làm việc nơi hầm sâu trong lòng đất. Có những nghề làm việc nơi đô thị sấm uất đông người... Nhưng cũng có những nghề làm việc nơi đỉnh núi xa mờ bốn mùa mây phủ...
Không có nghề nào cao quý hơn nghề nào. Không có nghề nào là siêu nghề. Cũng không có nghề nào là thấp hèn cả.

Nghề nào cũng là nghề cao quý nếu như nghề ấy có lợi cho dân, cho nước, nếu như nghề ấy làm đẹp cho đời. Nghề nào cũng là nghề cao quý nếu như người làm nghề đó lao động hết mình, lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao làm giàu cho quê hương đất nước. Chỉ có những con người lười học tập, lười lao động, không chịu học nghề, không chịu trau dồi trình độ nghề nghiệp, làm bừa, làm dối, làm ẩu (thậm chí là đi ăn chặn, ăn hiếp, ăn cắp của người khác) mới là những con người thấp hèn, mới là những con người cao quý.

Phạm Minh Giang

Quang Trung - Thành Phố

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày