Chủ nhật, 11/08/2024, 10:26[GMT+7]

Hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn

Thứ 2, 06/09/2010 | 11:02:57
908 lượt xem
Đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép ngày càng tăng lên số lượng và chất lượng nguồn nước. Hầu như ngóc ngách nào của thế giới cũng đối mặt với thách thức ô nhiễm nước. Mỗi ngày, khoảng 2 triệu tấn chất thải của con người đổ vào nguồn nước.

Thiên nhiên trong lành

70% rác thải công nghiệp ở các nước đang phát triển bị đưa vào nước mà không được xử lý khiến nguồn nước lẽ ra có thể sử dụng được lại bị ô nhiễm. Tuần lễ nước thế giới 2010 (diễn ra từ ngày 5 đến 11-9 tại Stockholm, Thụy Điển) sẽ là diễn đàn chia sẻ bài học từ khắp nơi trên thế giới về cách tiếp cận, cơ chế, công nghệ và giải pháp tài chính cho các vấn đề liên quan.

Ở Việt Nam, với sự hỗ trợ khá lớn từ các đối tác phát triển, trong đó có Thụy Điển, đã đầu tư nhiều để cải thiện điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên, nghèo đói vẫn là một thách thức, khoảng cách giàu - nghèo gia tăng. Người nghèo, đặc biệt những ai sinh sống ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, vẫn chưa thể tiếp cận đầy đủ với nước sạch, điện, giáo dục, chăm sóc sức khỏe...

Cá nhân tôi có nhiều cơ hội đi thăm nhiều địa phương khác nhau ở Việt Nam và chứng kiến tình trạng thiếu nước sạch thật sự đang đe dọa đến sức khỏe người dân. Tình trạng này càng trầm trọng khi chúng ta nghe tin về những trường hợp ô nhiễm nước ở các vùng miền khác nhau. Khi đi thăm sông Mekong, tôi để ý thấy người dân sống ở hai bên bờ sông xả thải thẳng vào nước sông mà họ dùng làm nước uống. Việt Nam cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức của dân chúng về bảo vệ và sử dụng thông minh các nguồn nước của mình. Không thể đảm bảo an ninh nước sạch nếu không có thay đổi mạnh mẽ về tư duy, giảm nghèo và quản lý nguồn nước có mối liên hệ chặt chẽ.

Trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Việt Nam cũng phải xử lý các vấn đề như ô nhiễm môi trường. Vụ Vedan là một trường hợp rõ rệt. Tôi đọc báo Việt Nam và biết là công ty này đang đền bù cho người dân. Đó là điều tốt nhưng chưa đủ. Quan trọng là yêu cầu công ty này phải đầu tư vào công nghệ mới để xử lý nước thải. Quy định này phải áp dụng cho bất cứ nhà máy công nghiệp nào. Ngoài ra, phải có cơ chế để thực thi Luật môi trường. Trong trường hợp này, việc tiếp cận thông tin là rất quan trọng. Người dân có quyền biết liệu một nhà máy trong khu vực họ sinh sống có công nghệ thân thiện với môi trường hay không.

Hiện tôi đang sống ở Hà Nội cùng gia đình và chúng tôi cùng các nhân viên ở Đại sứ quán Thụy Điển đang nỗ lực duy trì đại sứ quán xanh của chúng tôi. Một trong các quy định đó là dùng nước một cách thông minh để tiết kiệm và không gây ô nhiễm. Tôi tin rằng những hành động nhỏ từ mỗi cá nhân sẽ có ý nghĩa lớn.

Có nhiều cách để ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nước mà Việt Nam có thể áp dụng. “Nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền” chẳng hạn sẽ giúp chuyển chi phí do ô nhiễm gây ra sang người chịu trách nhiệm, và do đó sẽ khuyến khích các giải pháp tiên tiến giảm ô nhiễm. Một phương pháp khác là “điểm mặt chỉ tên” (tạm dịch từ tiếng Anh “name and shame”) - tức là những người bị phát hiện gây ô nhiễm hệ thống nước sẽ bị nêu tên công khai nhằm ngăn chặn tái phạm. Những bài học từ Tuần lễ nước thế giới chắc chắn cũng sẽ có ích với Việt Nam.

Hãy cùng nỗ lực vì con em và Trái đất của chúng ta!

Theo Tuổi Trẻ

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày