Chủ nhật, 11/08/2024, 18:18[GMT+7]

Thái Thụy - Thái Bình Gian nan chặng đường xây dựng “Chuẩn Quốc gia về y tế xã”

Thứ 3, 21/09/2010 | 08:45:22
1,957 lượt xem
Năm 2002, Thái Thụy bắt tay vào vào thực hiện Quyết định 370 của Bộ Y tế về xây dựng “ Chuẩn quốc gia về y tế xã” và đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2010 sẽ hoàn thành.

Hoạt động khám chũa bệnh ở xã Thụy Sơn luôn được duy trì thường xuyên.

Nhưng đến nay toàn huyện mới có 38/48 xã, thị trấn đạt “ Chuẩn Quốc gia về y tế”, chiếm 79,2%, xếp thứ 3 toàn tỉnh. 5 tháng cho 10 xã còn lại tiếp tục chặng đường xây dựng “Chuẩn” liệu có đủ để Thái Thụy biến mục tiêu trở thành hiện thực?

Ông Đào Trọng Bích, Giám đốc Trung tâm y tế huyện cho biết: những năm qua, Thái Thụy đã tích cực đầu tư cả nguồn nhân lực và vật lực để xây dựng “ Chuẩn quốc gia về y tế xã”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng chăm sóc sức khoẻ (CSSK) ban đầu cho nhân dân. Chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế được nâng lên với tỷ lệ chẩn đoán và điều trị phù hợp đạt trên 80%. 100% xã, thị trấn triển khai đồng đều công tác CSSK trẻ em. Tỷ lệ tiêm văcxin cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt trên 98%; 99% trẻ em từ 0 đến 36 tháng tuổi được uống Vitamin A 2 lần /năm.

Hầu hết các cơ sở y tế đều đạt điểm tối đa 10/10 trong thực hiện chuẩn Chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Để duy trì và nâng cao chất lượng chuẩn, nhiều địa phương đã đầu tư tiền tỷ để xây dựng cơ sở vật chất cho trạm y tế. Điển hình như trạm y tế xã Thụy Phong, năm 2004 được UBND tỉnh công nhận là đơn vị “ Chuẩn Quốc gia về y tế xã”. Năm 2007, địa phương đã đầu tư 1, 3 tỷ đồng xây dựng và đưa vào sử dụng trạm y tế mới với 15 phòng làm việc có đầy đủ trang thiết bị, các công trình phụ trợ và vườn thuốc nam mẫu, đáp ứng tốt nhu cầu CSSK cho 9.000 dân trong xã.

Trạm y tế Thụy Phong hiện nay cũng là đơn vị duy nhất ở Thái Thụy đầu tư  máy siêu âm 3 chiều về phục vụ công tác khám chữa bệnh, nhiều năm liền được suy tôn là lá cờ đầu trong công tác CSSKND của huyện. Hay như Thụy Thanh cũng là một xã khó khăn, nhưng ngay từ năm 2005, địa phương  tiết kiệm ngân sách kết hợp một phần hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng trạm y tế trị giá 1 tỷ đồng. Đến năm 2007, đơn vị được công nhận đạt Chuẩn quốc gia và là 1 trong 3 trạm y tế xã của huyện đạt chuẩn theo các tiêu chí của Bệnh viện Nhi T.ư. Với 12 phòng bệnh và phòng chức năng riêng biệt, trong đó phòng cấp cứu được trang bị các thiết bị chuyên dụng, hàng năm trạm y tế xã Thụy Thanh đều duy trì tốt các tiêu chí đạt chuẩn tạo ra sự tin tưởng tuyệt đối với nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, không phải xã nào cũng có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như Thụy Phong và Thụy Thanh. Toàn huyện vẫn còn 10 cơ sở chưa đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã, chủ yếu do tiêu chí cơ sở vật chất chưa đạt, không đáp ứng được yêu cầu CSSK ở tuyến cơ sở. Số phòng làm việc tại trạm y tế còn thiếu, còn lồng ghép, diện tích không đủ  theo quy định, nhiều phòng xuống cấp, kể cả phòng kỹ thuật. Có trạm y tế còn thiếu bàn ghế làm việc. Một số trạm y tế đã đạt chuẩn đợt I, nhưng qua thời gian sử dụng nay cơ sở vật chất xuống cấp.

Theo lời giới thiệu của cán bộ Trung tâm y tế, vượt qua chặng đường dài, tôi về trạm y tế xã Thái Dương. Nhìn dãy nhà cũ kỹ, sân hẹp, ngoài vườn cỏ dại mọc um tùm không nghĩ đây là nơi chăm sóc sức khoẻ cho toàn thể nhân dân trong xã. Trưởng trạm Bùi Minh Vương cho biết: dãy nhà này xây dựng từ năm 1977 vốn là nhà trông trẻ, đến năm 1994 cải tạo thành trạm y tế xã. Do thời gian sử dụng quá lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, mái thấm dột, tường vỡ ra từng mảng, hôm nào gặp trời mưa phải di chuyển không thể khám chữa bệnh cho bà con.

Khắc phục tình trạng trên, năm 2008, UBND xã đầu tư 68 triệu đồng chống thấm phần mái. Đến năm 2007, trạm được huyện hỗ trợ thêm 100 triệu đồng ốp lát lại nền và phần chân tường nhưng thực tế vẫn không cải thiện được tình hình. Cũng theo lời ông Bích, nguyên nhân 10 xã của Thái Thụy chưa đạt  “Chuẩn Quốc gia về y tế xã” ngoài yếu tố về cơ sở vật chất còn có yếu tố về con người. Toàn huyện  còn 25 trạm y tế chưa có bác sỹ về làm việc, 15 trạm y tế chưa có dược sỹ, 30% y tế thôn chưa có trình độ chuyên môn theo quy định.

Cơ sở vật chất phục vụ cho y học cổ truyền hầu như không có, tỷ lệ bệnh nhân được khám và điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại rất thấp. Bên cạnh đó, các trạm y tế vẫn chưa quản lý hết số người tàn tật, người tàn tật chưa được hướng dẫn và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.  Hơn thế, toàn huyện mới có 46% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (tiêu chí chuẩn trên 70%).

Quyết tâm về đích theo đúng mục tiêu đề ra, thời gian gần đây, Thái Thụy đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng “Chuẩn Quốc gia về y tế xã” như: tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ CSSK nhân dân, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện chuẩn; duy trì chuẩn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đào tạo nâng cao trình độ cho các cán bộ y tế...

Hiện ngành đã cử 14 cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn, dự kiến đến năm 2013 sẽ phủ kín bác sỹ ở 100% trạm y tế.  Nhưng khó khăn nhất vẫn là đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm chưa đạt chuẩn. Chính vì vậy, dù nỗ lực cố gắng hết sức thì kết thúc năm 2010, toàn huyện cũng chỉ có thêm 4 trạm y tế: Thụy Văn, Thái Học, Thái Hồng, Thụy Phúc đạt chuẩn, còn lại 6 xã phải thực hiện trong năm 2011.

Tuy nhiên, hầu hết những xã này đều khó khăn, không có kinh phí đầu tư. Huyện đã có cơ chế hỗ trợ mỗi trạm y tế xây mới 250 triệu đồng, tu bổ sửa chữa 150 triệu đồng nhưng chỉ như muối bỏ biển bởi ngoài nguồn vốn hỗ trợ này địa phương không thể khai thác thêm nguồn nào để đầu tư. Vì vậy, Thái Thụy rất cần tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho trạm y tế của các xã chưa đạt chuẩn cũng như các xã đã đạt chuẩn nhưng hiện tại cơ sở vật chất xuống cấp. Có như vậy, Thái Thụy mới đạt được mục tiêu mới,  100% trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2011, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác CSSK cho nhân dân.

Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày