Thứ 3, 23/07/2024, 12:19[GMT+7]

Gai người túi nilon làm từ xi-lanh, chai tẩy bồn cầu

Thứ 2, 25/10/2010 | 08:42:50
1,830 lượt xem
Người tiêu dùng sẽ thấy gai người nếu tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất túi nilon đựng thực phẩm tại các cơ sở sản xuất ở Hà Nội và vùng lân cận.

Chị bán rau này tiêu thụ hết 17 ngàn đồng tiền túi nilon (khoảng gần 6 lạng túi) trung bình một ngày.

Nhu cầu sử dụng túi nilon của NTD rất lớn
 
Tại chợ Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), chợ không phải lớn của Hà Nội, nhưng nhu cầu sử dụng túi nilon của các hộ kinh doanh, người buôn bán ở đây rất lớn.
Chị Hồng, người làng Phú Đô (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) bán bún tại chợ Thái Thịnh, cho biết: “Nhà tôi vừa làm bún vừa bán đại lý, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 2 kg túi nilon. Tôi thường mua túi tại đại lý ở làng Vạn Phúc, Hà Đông. Mỗi lần tôi mua liền 1 – 2 yến túi”.

Tại chợ Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội), khi khách hỏi mua 1.000 đồng hành lá, chị bán rau cũng lấy túi nilon để đựng cho khách. Chị bán rau nói, mỗi ngày chị cũng dùng đến 3 - 4 lạng túi với giá khoảng 3.500 đồng/lạng.

Theo lời của chị Huệ, người bỏ mối túi nilon tại chợ Vĩnh Hồ và chợ Thái Thịnh, mỗi ngày chị bán được khoảng 30 – 40 kg túi. Giá khoảng 2.300 đồng/lạng đến 4.500 đồng/lạng".

Chỉ vào số túi nilon phóng viên vừa mua cầm trên tay, chị Huệ bảo: “Túi màu hồng sản xuất tại Hưng Yên, túi này ở Trung Văn…”. Theo kinh nghệm của người trong nghề, chỉ cần nhìn qua chị Huệ có thể nhận ra túi nào tốt, túi nào xấu, thậm chí sản xuất ở đâu.

“Túi nilon đựng rau, thịt…ở chợ toàn được sản xuất từ nhựa tái chế. Túi nilon xịn thì phải được sản xuất bằng hạt nhựa trắng. Túi nilon dai, trong bao giờ cũng được làm từ nhựa tốt và không có mùi, còn hàng có mùi hắc, hôi là hàng độn nhiều bột đá. Túi hay bị đứt quai do hàn non", chị Huệ chia sẻ.

Trong khi đó, với NTD việc sử dụng túi nilon trở thành thói quen không thể bỏ vì sự tiện dụng của nó. Chị Hoa Thúy, nội trợ ở phố Văn Cao (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngày nào đi chợ chị cũng mang về nhà một lượng túi nilon đựng thực phẩm (cả sống lẫn chín) có thể bỏ chật cả xô rác. "Mua ngô luộc nóng, người bán cũng cho vào  túi nilon, rồi xôi hay bánh bao… đều đựng bằng túi nilon tất”, chị Thúy nói.

Nhựa làm túi ni lông làm từ vỏ xy lanh, Vim tẩy nhà vệ sinh

Tìm đến Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), một làng nổi tiếng với nghề đồng nát trong đó có nhựa tái chế, phóng viên có dịp mục kích nguồn gốc nhựa  sản xuất túi nilon đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường Hà Nội và một số vùng lân cận hiện nay.

Sâu vào trong làng là không khí nhộn nhịp với những ô tô tải cỡ nhỏ chở cồng kềnh đồ nhựa, túi nilon, bao bì giấy và cả… lông gà, lông vịt. Trong khuôn viên chật hẹp của những hộ dân chuyên nghề đồng nát ở đây chất ngổn ngang vỏ chai nước khoáng, vỏ chai các loại nước truyền dịch dùng trong y tế, nắp nhựa chai nước giải khát… Thậm chí vỏ hộp sữa chua cũng được tận dụng để tái chế.

Bao tải nhựa chưa được xử lý là chai nhựa đựng nước truyền trong bệnh viện.

Loại nào được phân loại ấy tùy mục đích sử dụng của nhà sản xuất. Nhựa đục xấu để bán cho người làm dép nhựa. Nhựa hạt tái chế từ nilon để sản xuất túi ni lông…

Trong vai người cần thu mua số lượng hạt nhựa lớn để sản xuất túi nilon, theo chỉ dẫn của người dân trong làng, phóng viên tìm đến nhà vợ chồng Chỉ - Quế, chuyên làm nhựa nghiền, trong xóm Án. Lúc phóng viên đến,  chị Chỉ đang ngồi cọ vỏ hộp nhựa, loại chị bán chủ yếu là nhựa đục trắng như vỏ thùng sơn, vỏ chai cọ rửa nhà vệ sinh…

Chị Chỉ dẫn chúng tôi vào nhà, chật phòng khách là hàng bao tải nhựa đã nghiền. Chị Chỉ vừa lấy hàng từ bao tải cho chúng tôi xem vừa nói: “Hiện tôi chỉ có hạt nhựa trắng vì vừa bán hết nhựa trong rồi. Nhựa này giá 17.000 đồng/kg, là vỏ của nắp sơn, Vim… Nói chung nhựa có màu trắng đục, bất kể nhựa gì trắng, dầy đẹp là được”.

Nhựa đang chờ được tái chế.

Chị Chỉ khẳng định, hàng do vợ chồng chị tự đi thu gom, làm sạch, xay và phơi khô trên sân thượng nên "em yên tâm không bị lẫn đất cát”. Chị Chỉ cũng cho biết, mỗi tháng hai vợ chồng chị xuất 3 – 4 tấn hàng.

Ngoài sân, vỏ chai nhựa đựng nước truyền trong y tế vẫn nằm trong bao tải, chưa qua xử lý. Những bao nhựa trắng mà bà chủ nói được nghiền từ nắp hộp sơn vẫn còn ướt chưa được phơi khô. Thậm chí, dù được cạo bỏ sơn nhưng chúng tôi vẫn dễ dàng thấy nhiều vết sơn còn dính ở bề mặt nhựa. Bởi hàng chủ yếu được làm thủ công, ngâm nước cho bở giấy nhãn rồi dùng bàn chải cọ rửa.

Tại cơ sở này, hạt nhựa làm từ vỏ nhựa trong giá 21.000 đồng/kg. Nhựa tái chế màu giá 14.000 đồng/kg. Còn hàng nghiền từ xy-lanh có giá 19.000 đồng/kg vì lẫn cả nhựa trong phía ngoài và nhựa đục ở lõi trong.

Bao tải nhựa này được xay ra từ vỏ thùng sơn, vỏ chai Vim cọ nhà vệ sinh tại cơ sở Chỉ Quế.

Rời cơ sở của chị Chỉ, chúng tôi tìm đến cơ sở Hải Phương, cũng khá nổi tiếng về sản xuất hạt nhựa tái chế từ ni lông cũ được thu mua từ đồng nát.

Ngôi nhà bề thế như một biệt thự, sát cạnh nhà là xưởng sản xuất hạt nhựa tái chế. Trong xưởng có hai máy đang chạy. Anh Hải, chủ cơ sở cho biết, nhà anh đang chạy hợp đồng, không đủ hàng nên không có hàng để bán. Tuy nhiên, anh Hải vẫn nhiệt tình để chúng tôi vào tận nơi xem quy trình làm hạt nhựa.

Trong xưởng, mùi khét lẹt bốc lên đến nghẹt thở. Bên đầu máy này, một nhân công nhét đống ni lông nằm dưới đất vào loa máy. Nhiệt độ cao trong máy khiến ni lông nóng chảy và được dẫn ra một đầu khác thành những cục nhựa dẻo. Khi nhựa chảy ra nhiều, công nhân khác bê  bỏ vào máy thứ 2. Nhiệt tiếp tục làm nhựa nóng chảy và tuôn ra những dây nhựa đặc có đường kính gần bằng chiếc đũa.

Cho túi nilon đã dùng vào máy này để làm nóng chảy. Chỗ này là đầu nilon đã nóng chảy sẽ chui ra và rơi vào mâm.

“Dòng nhựa” chảy qua bể nhỏ chứa nước để làm nguội sau đó chạy ra máy cắt nhỏ thành các hạt nhựa ngăm ngăm đen.

Theo anh Hải, mỗi ngày xưởng nhà anh làm được 3 tạ nhựa. Hạt nhựa tái chế tại xưởng có giá 18.500 đồng/kg. “Trước tôi làm loại trắng trong và loại màu, nhưng giờ chỉ làm một loại màu này. Làm cái này chả lãi mấy đâu”.

Tiếp tục đi mua nhựa tái chế để thổi túi ni lông, chúng tôi đến cơ sở Du Lũy. Trong xưởng có 10 nhân công đang làm nhựa trên 3 máy. Cơ chế máy làm nhựa cũng như tại cơ sở Hải Phương, đống túi ni lông dưới đất được người làm nhét vào máy không cần qua xử lý.

Theo chị Lũy, mỗi tháng cơ sở của chị sản xuất khoảng 8 – 10 tấn hàng xuất cho bên làng Khoai, Hưng Yên.

Nhựa sẽ được cho vào máy thứ 2 này và chảy ra nhựa.

Sau đó được cắt nhỏ như thế này thành những hạt nhựa ngăm đen

Khi chúng tôi vào hỏi mua túi nilon tại cơ sở sản xuất túi Thiên Dung (tổ dân phố Hòa Bình, Dương Nội, Hà Nội) chuyên làm hàng theo đơn đặt, chị Dung - chủ cơ sở - rào đón: “Chị muốn làm chất lượng túi gì. Chị có mang mẫu không? Ở cơ sở em bán theo cân, giá 33.000 đồng/kg, nếu in thì cộng thêm tiền in. Nếu chị làm mỏng, giá sẽ hơn một chút vì hàng đang lên”.

Về chất lượng sản phẩm, chị Dung khẳng định: “Nhà em toàn dùng nhựa nguyên sinh, nếu khách hàng đòi hỏi chất lượng, nhà em sẽ đóng dấu đảm bảo không dùng nhựa tái sinh là được”.

Để chứng minh hàng làm từ nhựa nguyên sinh, chị Dung dẫn chúng tôi vào kho xếp nguyên liệu hạt nhựa đựng trong các bao tải ghi toàn tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh. Thông tin trên bao bì cho thấy, sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc, Ả rập.

Bên cạnh việc sử dụng chất liệu nhựa nguyên sinh, cơ sở này vẫn dùng nhựa tái sinh khi khách hàng có nhu cầu.

Tại xưởng sản xuất của cơ sở Thiên Dung, máy làm túi đang chạy. Nhựa được cho vào máy đồng thời in luôn nhãn hàng khi ra thành phẩm. Trong xưởng nhiều túi nilonthành phẩm đang được đóng bao tải. Trên vỏ túi thể hiện rõ bao bì đựng đường trắng và thịt bò khô.

Mặc dù chị chủ khẳng định cơ sở sản xuất hoàn toàn bằng nhựa nguyên chất nhưng đi vào sâu trong xưởng, bên cạnh những bao tải đựng nhựa nguyên chất đã mở, chúng tôi dễ dàng nhận ra những bao tải đựng hạt nhựa tái chế tương tự hạt nhựa được làm tại xưởng Hải Phương, làng Triều Khúc.

Lúc này, chị Dung mới cho biết: Nếu khách có nhu cầu làm nilon từ nhựa tái chế, xưởng của chị cũng làm. Tùy theo nhu cầu gia công thêm bao nhiêu phần trăm nhựa tái chế. Cũng theo chị Dung, “Túi nilon 100% dùng nhựa phế có giá 30.000 đồng/kg vì họ tái tạo lại rồi nên làm túi rất khó”.

Nguy cơ ung thư vì túi ni lông từ nhựa tái chế

Chị Thu Hoài, cán bộ dự án của một tổ chức phi chính phủ, cho biết: “Tôi cứ nghĩ túi nilon mua mới sạch nên vẫn thường mua về dùng dần. Chị giúp việc nhà tôi mỗi lần đun lại thức ăn trong lò vi sóng đều dùng túi nilon này để bao thức ăn. Tôi không biết như vậy có hại không?”

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Văn Tiến, phó giám đốc Trung tâm vật liệu, Viện hóa học công nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Nếu túi nilon dùng nhựa nguyên sinh thì sạch. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất túi nilon từ nhựa tái chế mà chúng ta chưa có sự kiểm soát chặt chẽ. Những công ty lớn cung cấp nilon cho siêu thị lớn sẽ đảm bảo chất lượng, trong khi nilon tại chợ không kiểm soát được. Phần lớn NTD chúng ta lại quen dùng tại chợ”.

Ông Tiến cho biết thêm: “Nguy cơ dùng túi nilon từ nhựa tái chế không sạch sẽ lẫn mầm bệnh, vi khuẩn. Trong quá trình sản xuất, họ cho màu và phụ gia để chống dính nhằm tăng sản lượng. Vi khuẩn, kim loại nặng lẫn trong nhựa để làm túi sẽ trực tiếp nhiễm vào cơ thể người, gây bệnh ung thư. Sở dĩ có nguy trên là do cơ chế lây nhiễm và phôi nhiễm khi nilon gặp nhiệt độ cao".

Việc nilon bẩn vẫn được sử dụng tràn lan trên thị trường đều xuất phát từ ý thức còn thấp của người sử dụng và người sản xuất. Người thu mua đồng nát chỉ cần số lượng không quan tâm tới nguồn nhựa nên dùng cả nhựa từ rác thải y tế, dù về nguyên tắc, loại nhựa phế thải trên phải được tiêu hủy. Nhựa tái chế nên dùng vào mục đích khác như làm ghế, làm nhựa làm cống… chứ không dùng để sản xuất túinilon đựng thực phẩm.

Về giải pháp để hạn chế những nguy cơ trên, ông Tiến cho rằng: NTD nên dùng túi nilon mà mình biết rõ nguồn gốc hoặc loại trong suốt, thường được làm tự nhựa nguyên sinh.

Tuy nhiên, ông Mai Văn Tiến cũng cho rằng: “Nhựa tái chế có biện pháp xử lý tốt cũng có thể dùng được nếu đạt các tiêu chuẩn quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được đánh giá qua các chỉ tiêu như hàm lượng kim loại nặng, độc tố nấm mốc... Vì thực tế, có cơ sở sản xuất túi nilon dùng 100% nhựa nguyên sinh hoặc 1 phần nhựa tái chế vì giá nhựa nguyên sinh đắt gấp 3 lần nhựa tái chế”.

Với lượng túi nilon thải ra môi trường lớn như hiện nay, ông Tiến khuyến cáo: “Túi nhựa thường có thời gian phân hủy 30 năm hoặc hàng trăm năm nên rất ô nhiễm môi trường. Chúng tôi đã nghiên cứu và hoàn thành dự án sản xuất túi nilon tự phân hủy được  trong vòng 12 – 16 tháng, và có thể điều chỉnh thời gian này tùy mục đích sử dụng".

Túi ni lông này được làm từ nhựa nguyên sinh, tinh bột và phụ gia khác. Nếu có biện pháp bảo quản trong chân không hoặc sử dụng bao bì khác để bảo quản thì sẽ để lâu được. Nhược điểm là loại túi này sẽ không dai, mẫu mã không phong phú như túi nilon truyền thống và giá đắt hơn chút. Trong khi dân ta có thói quen dùng túi nilon ở chợ và nếu giá đắt hơn cũng vẫn chọn loại nào rẻ để mua. Đó cũng chính là yếu tố gây khó khăn để đưa loại túi này ra thị trường.

Còn Huệ, người bán túi nilon tại chợ Thái Thịnh, cho biết: “Em cũng được người ta mời mua túi tự phân hủy, nhưng khách hàng quen dùng loại nilon dai này rồi nên bán phải theo khách”.

Muốn nhận biết nhựa có tính độc hay không, hãy cắt một miếng túi đựng thực phẩm cho vào lửa và quan sát: Nhựa không có tính độc rất dễ cháy; sau khi đã bỏ ra khỏi lửa vẫn còn tiếp tục cháy và chảy chất nước lỏng, không bốc khói.

Còn nhựa có tính độc thì khó cháy, khi ra khỏi lửa sẽ tắt ngấm. Khi cháy bốc khói và có mùi khét lạ.

Trọng lượng nhựa có tính độc thường lớn hơn, thả vào nước dễ chìm xuống, còn loại không độc thì nhẹ và nổi trong nước.

Nhựa có độc sờ vào thấy trên bề mặt có gợn những hạt nhỏ li ti như hạt cát nhỏ. Nhựa không độc sờ vào trơn mượt như kiểu sáp ong.

Theo giadinh.net

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày