Thứ 7, 03/08/2024, 13:23[GMT+7]

Rác đang trở thành vấn nạn ở nông thôn

Thứ 4, 03/11/2010 | 09:55:27
1,243 lượt xem
Đời sống được nâng lên, dân số cũng tăng, ngành nghề, chăn nuôi phát triển, sinh ra bao nhiều thứ rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Hầu như ở nông thôn ít có nơi xây dựng quy hoạch khi đổ rác và cách xử lý rác thải.

Rác thải đang là vấn nạn ở nhiều vùng quê. Ảnh: P.V

Khi cuộc sống được nâng cao thì các loại rác thải cũng ngày một tăng lên đáng kể. Xưa kia, lượng rác thải sinh hoạt ít, việc xây dựng nhà ở chủ yếu là tre, gỗ, tường đất, nên hầu như không có rác thải xây dựng. Rác thải sinh hoạt tuy ít, nhưng ở các thôn làng đều có bãi, gồ tre... để làm nơi đổ rác. Tục lệ làng cũng rất nghiêm ngặt, nếu ai đổ rác bừa bãi đều bị nhắc nhở, gọi phạt nên không ai dám đổ rác bừa bãi.

Từ những năm của thập kỷ 60 và 70, HTX có phong trào san ghềnh, lấp trũng, khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, nhằm xóa “xiềng ba sào”, tính theo số lao động nông nghiệp. Do vậy, nhiều gò đống, bãi tha ma bị thu hẹp cũng đồng nghĩa với việc giảm nơi đổ rác vốn có tự nhiên ở nhiều thôn xóm.

Bây giờ, đời sống được nâng lên, dân số cũng tăng, ngành nghề, chăn nuôi phát triển, sinh ra bao nhiều thứ rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Hầu như ở nông thôn ít có nơi xây dựng quy hoạch khi đổ rác và cách xử lý rác thải.

Ở nông thôn cũng giống như ở thành phố có đủ các loại rác từ cuộc sống thải ra. Rác thải xây dựng ngày càng tăng nhanh; đồ thải quần áo, chăn màn, đệm mút; các loại túi nilông, giấy bạc bao bì. Bao nhiêu thứ hàng bán ở chợ, ở các cửa hàng cửa hiệu là bấy nhiêu thứ đồ bao gói.

Các loại vỏ: ngao, vọp, don, ốc, trai, hến... (từ thủy, hải sản)... Đáng ngại nhất là loại bao bì (vỏ, lọ) đựng các loại thuốc trừ sâu dùng xong là vứt ngay ra bờ ruộng, lối đi, không ai gom nhặt, chôn cất.

Có rác, tất yếu là phải tìm ra chỗ đổ. Đó là góc bãi tha ma, các góc khuất gần đường và ngay cả cạnh đường đi lối lại, bất kể chỗ nào. Người có rác bỏ rác vào một bao tải, lúc đêm tối, giờ trưa vắng vẻ là đem đi đổ, không ai nhìn thấy, thế là xong! Chẳng ai biết trong đó là những thứ gì. Dăm ngày bục ra phơi bày đủ thứ uế tạp, như khố trẻ em, quần lót... gió bay tung tóe xuống kênh cừ, bờ ruộng.

Người chịu ảnh hưởng thì tức lên chửi bậy, chẳng ai nghe! Những buổi vui chơi xã hội, như Hội trại Trung thu của thiếu nhi chẳng hạn, tàn cuộc, trên sân vận động trắng xóa bao bì các loại, cứ thế gió thổi, bay tóe loe!

Đường làng, đường ra đồng đang là nơi hứng chịu các loại rác thải: cỏ - đất - cây que... ở ruộng đều chất lên đường, như con chạch ngăn nước lụt. Ai cũng biết việc làm đó là sai phạm với quy ước làng văn hóa. Nhưng rất lạ, là không ai nhắc nhở, nên người làm cứ làm, thản nhiên như không!

Chi bộ ở các thôn đã họp bàn nêu lên vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẻ mỹ quan thôn cảnh, đề nghị cấp xã chỉ đạo vấn đề này. Tiếp xúc với cử tri, đại biểu HĐND xã đã nghe nhân dân kiến nghị, xong đâu lại vào đấy! Có đại biểu nói với dân là: Chúng tôi chờ cấp trên chỉ đạo, các thôn cứ theo quy ước làng văn hóa mà làm. Thế là việc này không có ai chỉ đạo.

Thôn bảo thôn không có đất để làm bãi thải, xã bảo chờ... còn rác thì cứ từng giờ tuồn ra bãi tha ma, quanh đường làng, đường ra đồng lúc vắng người qua lại, không ai trông thấy, thế là xong!

Chăm lo đời sống dân sinh, trong đó có việc vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm của Đảng, chính quyền các cấp. Xem ra vấn đề này còn bàng quan, lơ là mà chưa thấy đó là một vấn nạn, rất nguy hiểm. Môi trường bẩn là tiềm ẩn các mầm bệnh, khi gặp cơ hội sẽ bùng phát thành dịch, gây bệnh cho người, cho gia súc gia cầm, trở tay không kịp, thiệt hại khôn lường.

Trong các văn kiện đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết HĐND xã có nêu vấn đề BVMT-CSSK cộng đồng, nhưng nó mới là chủ trương được nêu trong nghị quyết, còn đời thường thì chưa thấy! Nếu chúng ta đã có nghị quyết, thì trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị là phải xắn tay cùng nhân dân làm!

Nguyễn Đình Khản

(Vũ Công, Thái An, Thái Thuỵ)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày