Thứ 7, 03/08/2024, 05:08[GMT+7]

Mình vì mọi người

Thứ 4, 03/11/2010 | 10:02:33
1,396 lượt xem
Đến nay, ngắm nhìn ngôi đình đang từng ngày, từng bước hiện lên, chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần khắc phục khó khăn của nhân dân, vô cùng cảm phục các bác thợ mộc, thợ ngõa mà người đứng đầu là bác phó cả Nguyễn Mậu Hưng.

Cổng làng Cam Đoài (Thụy Liên - Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Linh

Làng tôi là làng văn hóa An Định xã Thụy Văn huyện Thái Thụy. Từ năm 1990 khi di tích lịch sử từ Dành được xếp hạng cấp nhà nước, bác thợ mộc tài hoa Nguyễn Mậu Hưng đã cùng với nhân dân góp nhiều công sức để xây dựng - nhà công hội sở.

 

Ngôi chùa Dành cũng bị xuống cấp và chưa có nhà thờ tổ, bác lại cùng với nhân dân lo toan xây dựng ngôi nhà thờ tổ ba gian bằng gỗ lim. Bác còn thi công xây cổng chùa, cổng từ và giếng chùa, trong đó có đặt hòn núi tam sơn.  Nhờ có bàn tay tài hoa của bác thợ mộc Nguyễn Mậu Hưng và các thợ xây Nguyễn Công Binh, kết hợp với tinh thần công đức của toàn thể nhân dân và quý khách thập phương với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng mà các ngày tuần nhật, các ngày lễ hội mồng 10 tháng 8 hàng năm dân làng đã tổ chức lễ hội rất hoành tráng.

 

Đến năm 2001, được sự nhất trí của toàn thể nhân dân, lại tiếp tục xây dựng 3 Gian đình cung để thờ Bản Đức Thành Hoàng. Bác Nguyễn Mậu Hưng lại được bầu làm phó cả và chỉ huy xây trong ba tháng là hoàn tất. Ngôi đình cũ của làng tôi từ xa xưa tọa lạc trên diện tích 5000m2 đất, được coi là một ngôi đình lớn và đồ sộ nhất trong vùng.

 

Trong những  năm 1928 - 1930, làng tôi có chi bộ Đảng Cộng sản, các cụ Nguyễn Công Toan, Nguyễn Mậu Mon, Nguyễn  Công Bí, Nguyễn Thị Búp thường dùng đình làng làm nơi họp kín để bàn các công việc của Đảng. Năm 1947, 1948, cụ Nguyễn Mậu Huyền là một  nhân sĩ, đứng ra thành lập trường Trung học “Dân chủ”. Đình làng tôi lúc này chứa được 6 lớp học, góp phần đào tạo cho lực lượng kháng chiến sau này.

 

Đến năm 1950, làng tôi là làng kháng chiến đã tổ chức trận chống càn nổi tiếng vào ngày 18 tháng giêng năm Canh Dần (1950). Đình làng tôi lại là nơi chỉ huy và tập trung các lực lượng kháng chiến để chiến đấu với thực dân Pháp. Đến năm 1954, đình bị quả bom của máy bay giặc Pháp đánh trúng làm sập một gian về phía tây. Đến năm 1975 - 1976 có nguy cơ bị sập đổ nên làng quyết định giải ngõa để lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi cho nhân dân.

 

Để duy trì được bản sắc dân tộc và theo kết cấu của một làng văn hóa cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân lại hạ quyết tâm xây dựng lại ngôi đình cả, ước tính số tiền là trên một tỷ đồng. Trước tình hình khó khăn về tài chính, Bác Nguyễn Mậu Hưng lại đưa ra một kế sách là: chúng ta không bổ bán cho dân, mà chỉ huy động tinh thần tiến cúng công đức của người sống tại quê nhà và kêu gọi các bà con xa quê, các nhà trí thức, thương gia, các doanh nhân, doanh nghiệp và các  nhà hảo tâm tiến cúng công đức với tinh thần:

 

“Người nhiều thì tiền triệu tiền trăm

Còn người ít cũng với dăm chục đồng”.

 

Với tinh thần “góp gió thành bão”; mặc dầu số tiền ban đầu chỉ có trên 40 triệu đồng, song chiều ngày mồng 2 tháng 11 năm Kỷ Sửu (2009), với khí thế hồ hởi phấn khởi, trên 200 cán bộ và nhân dân đã dọn dẹp tính toán, đo đạc và quyết tâm hạ móng, khởi công xây dựng công trình.

 

Bác Nguyễn Mậu Hưng lại được giao làm phó cả lo toan việc gỗ mộc, còn doanh nghiệp “Huệ Phương” của bác Nguyễn Công Binh, là các con em của dân làng cùng phối hợp lo toan việc gạch vữa, cùng với một ban kiến thiết do ông Nguyễn Công Thận - Trưởng Ban điều hành làng văn hóa làm trưởng ban. Bên cạnh đó thành lập bộ phận kế toán, bộ phận tuyên truyền công đức và bộ phận giám sát...

 

Quả nhiên sau khi bộ phận tuyên truyền phát thư báo tin, thì cả dân làng cứ tiếp nhau ra đình làm công đức. Có cụ già được con cháu mừng tuổi cũng đem số tiền đó ra tiến cúng, có người đã tiến cúng lần 2, lần 3... và cao nhất là bác Bùi Đức Đông đã tiến cúng đến lần thứ 7.

 

Có người được hưởng trợ cấp chất độc màu da cam, có nhiều anh em được Nhà nước trợ cấp chế độ 142 cũng trích một phần tiền đem ra tiến cúng. Đặc biệt cụ ông , cụ bà Nguyễn Nhân Châu có con là liệt sĩ Nguyễn Nhân Chinh đã tiến cúng một triệu hai mươi nghìn. Hai cụ còn trích tiền nhà nước ưu đãi cho liệt sỹ Chinh, tiến cúng 4 chiếc bảng đình trị giá 3 triệu đồng.

 

Gia đình ông bà Nguyễn Đình Viễn ngoài hai lần tiến cúng ra còn trích quỹ hương khói của mẹ lão thành cách mạng ủng hộ với số tiền 500.000đ; số tiền của mẹ Việt Nam anh hùng là 500.000đ, của liệt sỹ Bùi Đình Rĩnh là 5.000.000. Tiếp theo là hai anh em bác Nguyễn Đình Công - Nguyễn ĐìnhBằng tiến cúng tiền mặt là 5 triệu đồng và 6 cột cái đình với giá trị 15 triệu đồng. Gia đình anh Nguyễn Tiến Hùng ở Hà Nội tiến cúng 7 cột đình trị giá 11.500.000 đ, Bác Nguyễn Mậu Tuyền tiến cúng 2 cột đình là 5 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Công Thận, ông Nguyễn Đình Lập, anh Nguyễn Nhân Thơm và Nguyễn Nhân Thêm, mỗi người tiến cúng một cột là 1.500.000. Ngoài ra còn các cơ quan tập thể như Hội người cao tuổi, UBND xã và hai trường tiểu học và THCS và rất nhiều tấm gương công đức cao cả khác. Như vậy chỉ trong gần 3 tháng tổng số tiền công đức cho việc xây đình đã lên tới 400 triệu đồng.

 

Số tiền này đã hoàn thành xong móng đình dài 28 mét, rộng 12 mét, đổ được 30 Cột đình, làm được 24 chiếc bảy đình, các xà đình ở hai phía mặt tiền và mặt hậu, và trong giai đoạn tới sẽ giải quyết đổ các con rư, các xà lương và xà nóc, xẻ gỗ hoành và rui đình và lợp mái đình. Có thể nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Đây là kinh nghiệm và bài học quý mà từ nhiều năm nay, cán bộ và nhân dân làng văn hóa An Định đã đúc kết và thực hiện có hiệu quả trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa mà nhân dân đứng ra lo liệu.

 

Đến nay, ngắm nhìn ngôi đình đang từng ngày, từng bước hiện lên, chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần khắc phục khó khăn của nhân dân, vô cùng cảm phục các bác thợ mộc, thợ ngõa mà người đứng đầu là bác phó cả Nguyễn Mậu Hưng. Bác đã từng nổi tiếng về xây dựng các nhà gỗ cổ, với nhiều kiểu dáng khác nhau, ví như ngôi nhà của ông Vĩnh ở xã Thái Tân với kết cấu thuận chồng năm con, trụ ngô, đấu khách, được nhiều khách thăm quan và ca ngợi. Bác Nguyễn Mậu Hưng tuy không được học qua một lớp đào tạo nào, song với bề dày kinh nghiệm, với trí óc thông minh sáng tạo, chịu khó học hỏi, các bản thiết kế của bác chỉ là những nét cơ bản, còn nội dung thì đều đã có sẵn ở trong óc của bác. Các hiệp thợ làm nhà gỗ, mời bác đến giải quyết những việc khó phải trả bác một ngày công từ 150.000 đồng trở lên, song với việc của dân làng, bác không hề toan tính thiệt hơn.

 

Bác Nguyễn Mậu Hưng quả là một con người đã thực hiện theo lời dạy của bác: mình vì mọi người”, chính vì thế mà cả dân làng tôi đều gọi bác bằng cái tên trìu mến thân thương: bác phó cả xây đình.

  Nguyễn Ngọc Thường

An Định - Thụy Văn - Thái Thụy

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày