Thứ 6, 02/08/2024, 13:24[GMT+7]

Thực trạng và định hướng phát triển mạng lưới chợ ở Đông Hưng

Thứ 2, 22/11/2010 | 08:06:48
1,305 lượt xem
Đông Hưng là huyện nằm ở phía bắc của tỉnh có tổng diện tích đất tự nhiên 196,04km2. Đến nay Đông Hưng có 42/44 xã, thị trấn có chợ được phân bố rộng khắp trên địa bàn huyện.

Nón - sản phẩm của làng nghề được bày bán ở chợ Đọ xã Đông Sơn (Đông Hưng). Ảnh: Ngọc Linh

Là huyện có số lượng chợ nhiều nhất tỉnh nên đã thu hút được nhiều hộ thương nhân tham gia kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm giữa các xã trong huyện.

 

Tuy nhiên, hệ thống chợ ở Đông Hưng chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa người bán và người mua. Việc thực hiện đề án phát triển chợ và sự phân bố mạng lưới chợ trong huyện còn nhiều bất hợp lý cần có định hướng, giải pháp  khắc phục trong thời gian tới.

 

Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 5.652 hộ thương nhân kinh doanh buôn bán trong chợ; trong đó có 2.982 hộ kinh doanh buôn bán cố định, chiếm 52,46% và trên 2.500 hộ kinh doanh không thường xuyên. Khối lượng hàng hóa trong chợ chiếm khoảng 45% khối lượng hàng hóa lưu chuyển hàng năm, chủ yếu là các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống tiêu dùng của nhân dân và hàng hóa nông sản thực phẩm.

 

Nhiều xã có thêm nguồn thu nhập cho ngân sách từ chợ tương đối khá như: như chợ Khô xã Hoa Lư đạt 65 triệu đồng/năm, chợ An Bình xã Lô Giang đạt 40 triệu đồng/năm, chợ Đọ xã Đông Sơn đạt 33 triệu đồng/năm...

 

Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn huyện Đông Hưng chưa có chợ nào đạt quy mô loại I, có 4 chợ đạt loại II và còn lại 38 chợ đạt loại III và chợ tạm, họp ở các bãi đất trống ven đường giao thông. Với tổng diện tích chợ hiện trạng là 89.060m2 thì chỉ có 30.220m2 đã được xây dựng, chiếm 33,93%, bình quân đạt 2.172m2 /chợ, phục vụ cho 5.568 người/chợ.

 

Đông Hưng cũng là huyện có nhiều chợ truyền thống như chợ Đọ xã Đông Sơn, chợ An Bình xã Lô Giang, chợ Khô xã Hoa Lư và chợ Chùa xã Đông Á. Tuy nhiên những chợ trên vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh và tiềm năng của từng địa phương. Số lượng chợ có diện tích lớn rất ít, chủ yếu là chợ có diện tích nhỏ; điển hình như chợ Dô xã An Châu chỉ có 469m2, chợ Sổ xã Chương Dương 561m2 ...

 

Cơ sở vật chất các chợ hiện nay chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định về chợ đầu mối, chợ nông thôn và nhu cầu của nhân dân trong việc mua bán. Những năm gần đây, mặc dù đã có sự đóng góp huy động vào công tác nâng cấp, cải tạo sửa chữa chợ nhưng chủ yếu là hình thức chắp vá, phần lớn các chợ vẫn còn lều quán lụp sụp và không bảo đảm vệ sinh môi trường.

 

Đa số các chợ không có hệ thống thóat nước, do vậy các chợ thường bị lầy lội khi trời mưa. 100% số chợ chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Các hàng hóa trong chợ chưa sắp xếp một cách khoa học theo mặt hàng và ngành hàng. Nhiều chợ phân bố chưa hợp lý như chợ Chùa Cần xã Đông Dương nằm trong hành lang an toàn lưới điện, chợ Tăng xã Phú Châu nằm trong khu di tích đền, chùa và rất nhiều chợ gần đường giao thông lấn chiếm lòng lề đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông nhất là chợ Chùa xã Đông Á, chợ Nguyễn thị trấn Đông Hưng, chợ Vàng xã Đông Phương và chợ Cống Vực xã Đồng Phú.

 

Trước thực trạng trên, hiện nay Đông Hưng đang triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới chợ gắn liền với việc quy hoạch nông thôn mới, trong đó có 3 siêu thị, 6 trung tâm thương mại, 4 chợ đầu mối, 2 chợ loại I, 9 chợ loại II và 30 chợ loại III.

 

Theo đó, huyện sẽ bố trí địa điểm, diện tích xây dựng chợ phù hợp với quy mô phát triển của từng địa phương với dự tính chợ loại I có diện tích từ 10.000m2 trở lên, chợ loại II từ 5.000m2 trở lên, chợ loại III 2000m2 trở lên. Đông Hưng giao cho các xã khai thác, quản lý và thành lập ban quản lý chợ. Thực hiện xã hội hóa việc xây dựng cải tạo nâng cấp các chợ nông thôn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư để phát triển chợ.

 

Dự tính tới năm 2015 sẽ đầu tư với tổng số vốn trên 30 tỷ đồng. Đặc biệt là việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ với hình thức B.O.T. Để đề án phát triển chợ thực hiện có hiệu quả, Đông Hưng sẽ thành lập ban chỉ đạo chương trình phát triển chợ do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, sau đó chỉ đạo các xã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng chi tiết kế hoạch phát triển chợ theo từng xã.

 

Hình thành đồng bộ cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi để thu hút và phát triển hộ kinh doanh thương mại dịch vụ trong chợ. Trước mắt tập trung cho việc giải phóng mặt bằng để xây dựng trung tâm thương mại ở thị trấn Đông Hưng. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng các chợ, bảo đảm cho việc kinh doanh và quá trình lưu thông hàng hóa một cách nhanh nhất với chi phí thấp nhất.

 

Với những phương án trên Đông Hưng phấn đấu tới năm 2015 tổng mức bán lẻ hàng hóa trong chợ chiếm khoảng 35-45% tổng mức bán lẻ và dịch vụ chung của toàn huyện, ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 30% trong cơ cấu kinh tế.

 

   Thu Thủy     

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày