Thứ 4, 31/07/2024, 01:22[GMT+7]

Bao giờ em được vào ...Nhà nước?

Thứ 2, 22/11/2010 | 10:34:51
1,691 lượt xem
Thật bất ngờ khi có một cô giáo dạy trẻ đưa ra câu hỏi như thế với tôi và cũng không lấy gì làm lạ, có một cô giáo ở trường mầm non xã D.C (Hưng Hà) kể rằng: Bảy năm lẽo đẽo theo nghề dạy trẻ, chưa được vào biên chế.

Ảnh: Ngọc Trâm

Vì thế, khi nghe tin Sở giáo dục-đào tạo xây dựng đề án: “Chuyển đổi loại hình mầm non bán công sang trường mầm non công lập”, thì rất nhiều giáo viên mầm non đều phấn khởi. Họ hy vọng câu hỏi này không còn bao lâu nữa sẽ trở thành hiện thực.

 

Cần phải thấy rằng: Trong các bậc học thì dạy trẻ là nghề gian khổ nhất, khó khăn nhất, nhưng thu nhập lại thấp nhất. Vị trí quan trọng của trường mầm non thì ai cũng thấy, nhưng các chính sách đãi ngộ thì hoặc là chậm sửa đổi, hoặc là không đáng là bao.

 

Trong những năm qua, giáo dục mầm non (GDMN) Thái Bình nhận được sự quan tâm của nhân dân và đặc biệt của tỉnh, với những cơ chế chính sách khá cởi mở và linh hoạt như: Phê duyệt đề án phát triển GDMN giai đoạn 2004-2010, các quyết định của UBND tỉnh về hỗ trợ kinh phí đóng BHXH, BHYT cho GVMN ngoài biên chế; hỗ trợ kinh phí giáo viên cao tuôỉ, ngoài biên chế nghỉ thôi việc; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị...

 

Điều chỉnh kinh phí hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế lên mức 320.000 đồng/người/tháng... Đã tạo điều kiện cho các trường mầm non ổn định, giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề, huy động một số trẻ trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng, chất lượng giáo dục được nâng lên. Đây là điều kiện cơ bản và cơ sở để chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập. Hiện nay, nhiều tỉnh như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... đã chuyển đổi 100% trường mầm non bán công sang công lập.

 

Ở tỉnh ta, việc xây dựng đề án chuyển đổi này cũng là đã muộn, nhưng muộn còn hơn không. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT thì tính đến tháng 5-2010, toàn tỉnh có 299 trường mầm non, chỉ có 9 trường công lập. Còn lại, 287 trường bán công, 3 trường tư thục. Có 1.589 nhóm trẻ (1.449 nhóm trẻ trường mầm non, 140 nhóm trẻ tư thục) và 2.155 lớp mẫu giáo (6 lớp tư thục).

 

Đã huy động được 35.258 trẻ (66,4%) trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 99,5% trẻ mẫu giáo đến trường (riêng trẻ 5-6 tuổi huy động 100%). Có 287/287 trường mầm non bán công tổ chức cho trẻ ăn với 32.453 cháu (98,3%); trẻ nhà trẻ và 63.591 (99,4%) trẻ trong độ tuổi mẫu giáo. 100% trường, lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới do Bộ GD-ĐT ban hành.

 

Toàn bậc học có 6.255 cán bộ giáo viên, nhân viên; trong đó: 1.114 biên chế nhà nước và 5.141 ngoài biên chế. Cán bộ quản lý có 805 người (285 hiệu trưởng, 520 hiệu phó) biên chế: 783 và ngoài biên chế 22 người. Giáo viên có 4.636 người: 256 biên chế và 4.380 ngoài biên chế. Nhân viên có 814 người, biên chế: 75 và ngoài biên chế 739.

 

Toàn tỉnh có 6.118 (97,8%) cán bộ, giáo viên mầm non có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn; chỉ còn 2,2% chưa đạt chuẩn. Có 70,3% đạt chất lượng khá trở lên. Có 2.585 cán bộ giáo viên là đảng viên, chiếm 41,3%; 100% trường có tổ chức công đoàn chế độ chính sách của đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non ngoài biên chế được thu từ 2 nguồn: Nguồn thu học phí theo quyết định 79/2004/QĐ-UB của UBND tỉnh và nguồn do ngân sách tỉnh hỗ trợ theo công văn số 376/UBND, mức hưởng 320.000 đồng/người/tháng.

 

Tuy đã được quan tâm như thế, nhưng so với yêu cầu thì chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non ngoài biên chế còn một số bất cập như: Lương một tháng của giáo viên đang hợp đồng trong các trường mầm non bán công hiện nay bình quân mới chỉ đảm bảo mức lương tối thiểu. ở một số địa phương do tỷ lệ số cháu trong độ tuổi đến trường ít nên còn một bộ phận giáo viên thu nhập hàng tháng chưa đạt mức lương tối thiểu 730.000 đồng.

 

Vì thế, đời sống của đa số giáo viên mầm non hợp đồng trong các trường bán công rất khó khăn. Mặt khác, họ chưa được vận dụng để xếp ngạch, bậc lương theo trình độ đào tạo (theo điều 4 khoản 2, QĐ 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nên chưa khuyến khích được đội ngũ giáo viên ngoài biên chế tích cực học tập bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nghĩa là, trước mắt thì đời sống khó khăn, tương lai thì mờ mịt, xa vời!!!

 

Trong số 287 trường bán công, gần 911 điểm trường, có 3.209 phòng học thì 2.269 phòng kiên cố (70,7%), bán kiên cố 841, còn 99 phòng học nhờ, học tạm. 219 trường (73,3%) có văn phòng nhà trường; 788 điểm trường 986,5%) có nước sạch cho trẻ dùng. Đã có 74 trường (25,7%) đạt chuẩn Quốc gia. 286/287 trường mầm non bán công đều có khu vực đất dành riêng, trong đó 122 trường đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

 

Mục tiêu đặt ra của đề án chuyển đổi các cơ sở GDMN bán công sang loại hình công lập nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Mở rộng phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi, đáp ứng yêu cầu chất lượng GDMN trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tỷ lệ trẻ SDD trong các trường mầm non.

 

Cơ sở quan trọng để các thế hệ người Thái Bình trong tương lai có thể chất, trí tuệ và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao của thời kỳ CNH-HĐH. Các trường mầm non bán công sau khi chuyển sang công lập thì hoạt động theo điều lệ trường Mầm non công lập, chịu sự lãnh đạo về chuyên môn của phòng GD-ĐT; chịu sự quản lý Nhà nước của UBND xã, phường, thị trấn. Đội ngũ giáo viên được hưởng quy chế hợp đồng lao động.

 

Đối với lao động trong biên chế nhà nước, được hưởng mọi quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định hiện hành; người lao động ngoài biên chế cũng được hưởng các chế độ, chính sách đã quy định. Phấn đấu tuyển dần giáo viên vào biên chế sự nghiệp giáo dục theo kế hoạch được phê duyệt.

 

Lộ trình triển khai thực hiện đề án được phân chia như sau: năm 2010, xây dựng đề án trình HĐND tỉnh; tuyển dụng nhân viên hành chính và khối trường mẫu giáo 5 tuổi. Triển khai xây dựng trường mầm non ở 8 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011-2013, tuyển dụng đủ các khối trường chuyên môn, hoàn chỉnh bộ khung quản lý của các nhà trường. Từ sau năm 2013 trở đi, tùy thuộc vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, tuyển dụng những giáo viên giỏi, giáo viên xuất sắc vào biên chế nhà nước, tạo nguồn cho Ban giám hiệu và các khối trường chuyên môn.

 

Hy vọng để các trường bán công chuyển sang công lập, không chỉ riêng của các cô giáo, các nhà quản lý... mà còn của các bậc phụ huynh học sinh. Đề án có được thực thi hay không? Câu trả lời còn ở phía trước. Song, dư luận mong mỏi đợi chờ để đề án chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập được chính thức thông qua ở cấp có thẩm quyền.

Phạm Thanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày