Thứ 4, 24/07/2024, 04:20[GMT+7]

Báo động ô nhiễm môi trường đất ở Thái Bình

Thứ 4, 24/11/2010 | 07:58:11
4,734 lượt xem
Ô nhiễm môi trường đất là hậu quả các hoạt động của con người làm thay đổi các nhân tố sinh thái vượt quá những giới hạn sinh thái của các quần xã sống trong đất. Thái Bình có thế mạnh do đất đai phì nhiêu màu mỡ do được bồi tụ từ hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình; song môi trường đất ở đây cũng đang dần bị suy thoái bởi các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp...

Hệ thống nước thải tại các làng nghề đang trong tình trạng ô nhiễm. Ảnh: Minh Đức

Trong rất nhiều nguyên nhân thì thói quen sử dụng các hoá chất trong nông nghiệp như phân bón hoá học, thuốc BVTV một cách tràn lan và không có kiểm soát đã làm cho các vi sinh vật có ích nằm trong đất canh tác bị suy giảm về số lượng cũng như chủng loại.

 

Theo thống kê, năm 2009 toàn tỉnh sử dụng khoảng trên 500 nghìn tấn phân bón hoá học hữu cơ, trên 200 nghìn tấn phân vô cơ và khoảng 600 tấn thuốc BVTV. Bên cạnh đó, tập quán sử dụng phân bắc, phân chuồng tươi vào canh tác và làm nguồn thức ăn chăn nuôi cũng là một trong những tác nhân chính gây ra thoái hoá đất nông nghiệp, làm cho thành phần hữu cơ của đất  bị giảm nhanh, khả năng giữ nước và thoát nước của đất bị thay đổi.

 

Sử dụng nhiều phân bón làm đất bị chai, bị chua. Sử dụng dư phân bón hoá học gây phú dưỡng hoá và gây ô nhiễm nước ngầm. Việc sử dụng phân hữu cơ không đúng liều lượng và không đúng cánh đã gây hại cho môi trường đất, làm vi khuẩn có điều kiện phát tán và lan truyền, đồng thời làm tăng các độc chất như CH , H S , CO ...

 

Thuốc BVTV nếu sử dụng đúng liều lượng sẽ trừ hại được sâu bệnh, nhưng nếu sử dụng quá liều sẽ tạo ra dư lượng thuốc BVTV trong đất làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây ô nhiễm đất nghiêm trọng. Cùng với các hoạt động trong nông nghiệp, hoạt động công nghiệp ở tỉnh ta cũng tác động không nhỏ đến môi trường đất.

 

Nước thải công nghiệp có chứa các chất thải độc hại, kim loại nặng như Pb, Hg, As... và thuốc sát trùng, các chất tẩy rửa, các chất hữu cơ khó phân huỷ sinh học thấm vào đất làm tích tụ những chất độc hại, gây ảnh hưởng đến cây trồng, làm đất bị suy thoái.

 

Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm thiếu quy hoạch, không kiểm soát gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn. Trong sinh hoạt, hàng ngày mỗi người dân trung bình thải ra 0,6 kg rác. Số rác này được thu gom một phần, phần còn lại không được thu gom đã gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Các bãi rác này làm ô nhiễm đất, nước và không khí chiếm một diện tích đất lớn.

 

Có thể nói, môi trường đất là nơi trú ngụ của con người và hầu hết các sinh vật cạn, là nền móng cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và văn hoá của con người. Đất là một nguồn tài nguyên quý giá, con người sử dụng tài nguyên đất vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người.

 

Nhưng với  nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị  hiện nay thì diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng suy thoái. Trước thực trạng trên báo động cho các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh cần có ngay những biện pháp cụ thể, hữu hiệu để khắc phục tình trạng môi trường đất hiện nay được tốt hơn.

P.V

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày