Thứ 5, 08/08/2024, 04:25[GMT+7]

Biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó

Thứ 4, 08/12/2010 | 13:45:18
1,620 lượt xem
Khoảng mười năm trở lại đây, vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) nổi lên là mối quan tâm của thế giới, hiện nay được coi là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21.

Rừng phi lao chắn sóng trên biển Cồn Vành huyện Tiền Hải. Ảnh: Minh Đức

Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, một nhà sinh thái học người Mỹ đã đề cập và cảnh báo vấn đề này. Kể từ đó khoa học bước vào tìm hiểu, chứng minh và tìm nguyên nhân của BĐKH.

 

Như chúng ta đã biết, chế độ khí hậu và sự tồn tại của nước trên một hành tinh quyết định việc hình thành sự sống trên hành tinh đó. Trái đất có đủ điều kiện hình thành và duy trì sự sống hàng chục triệu năm nay.

 

Từ khi con người biết quan sát đến nay, chế độ khí hậu tại một vị trí trên trái đất tương đối ổn định. Thí dụ: vài trăm năm nay ở Thái Bình nhiệt độ không xuống dưới 00C, cao nhất không quá 38oC, nhiệt độ trung bình hàng năm dao động không nhiều xung quanh một trị số ổn định; ở một vị trí khác ở châu Âu, nhiệt độ trong năm dao động từ -200C đến + 200C.

 

Miền Bắc Việt Namon>, một năm chia ra bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và diễn biến một mùa của năm nay không giống y hệt của năm nào trước đó. Khí hậu và thời tiết luôn thay đổi, như người ta thường nói: sáng nắng chiều mưa. Vậy tại sao lại đặt vấn đề: Có BĐKH và là thách thức của nhân loại?

 

Sở dĩ sự sống duy trì được trên trái đất là do trên cao có tầng ô dôn chống lại các tia cực tím từ mặt trời, khi nào mất tầng ô dôn này thì sự sống trên trái đất cũng mất theo. Mặt khác trong lớp khí quyển còn có chất khí mà nay người ta gọi là khí nhà kính giữ cho nhiệt độ trái đất không thoát hết ra ngoài vũ trụ, ổn định nhiệt độ bề mặt trái đất ở mức tương đối, có thể duy trì sự sống.

 

Tầng ô dôn và khí nhà kính có từ khi trái đất hình thành, bảo đảm cho sự sống trên trái đất xuất hiện và duy trì cho đến ngày nay. Vài nghìn năm trước đây con người không biết đến, không quan tâm đến khí nhà kính nay phát hiện ra nó, cho rằng nó là thủ phạm làm trái đất nóng lên. Khí nhà kính không có tội nếu thể tích của nó trong khí quyển vẫn giữ nguyên như khoảng bốn trăm năm trước, tức là thời tiền công nghiệp.

 

Khoảng ba chục năm gần đây, qua số liệu đo được người ta chứng minh rằng thể tích khí nhà kính tăng lên làm cho nhiệt độ trái đất tăng, từ đó gây ra BĐKH. Hệ quả kéo theo là băng tan nhanh hơn ở hai cực trái đất, nước biển dâng cao dần, các đới khí hậu xê dịch hoặc phân bố lại. Mưa, bão, hạn hán xảy ra nhiều hơn, dồn dập hơn, khốc liệt hơn, trái quy luật hơn.

 

Các bệnh đã có thì trầm trọng hơn, xuất hiện các bệnh lạ. Năng suất cây trồng giảm nhiều, mất mùa xảy ra nhiều hơn. Giao thông vận tải, nuôi trồng thuỷ sản, năng lượng cũng bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Các sống lớn thiếu nước dẫn đến tranh chấp nguồn nước, xung đột quốc gia do không thống nhất được biện pháp phân chia nguồn nước.

 

Cả thế giới đã thống nhất rằng: hoạt động của con người (chủ yếu là phá rừng, đốt nhiên liệu) làm tăng khí nhà kính, dẫn đến BĐKH, vấn đề còn lại là tìm biện pháp khắc phục.

 

Tháng 6 năm 1992 có 155 lãnh đạo nhà nước đã họp Hội nghị Thượng đỉnh trái đất ở Braxin thông qua Công ước khí hậu, đến nay đã có 192 nước phê chuẩn. Mục tiêu của Công ước khí hậu là ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp của con người đối với chế độ khí hậu. Nguyên tắc của Công ước này là các nước phát triển cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính duy trì ở mức năm 1990, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường cho các nước phát triển.

 

Công ước khí hậu chưa đáp ứng được nhiệm vụ ứng phó với BĐKH trên toàn thế giới. Vì vậy, tháng 12 năm 1997 các bên tham gia Công ước này tổ chức Hội nghị tại Kyoto (Nhật Bản) ra Nghị định thư. Nghị định thư này đưa ra mức cam kết đối với các nước phát triển phải giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống thấp hơn mức năm 1990. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 16 tháng 2 năm 2005, đến nay đã có 180 nước phê chuẩn.

 

Kể từ khi Nghị định thư có hiệu lực, khí hậu thế giới vẫn diễn ra khốc liệt hơn, các nước có nghĩa vụ trong Nghị định không thực hiện đầy đủ cam kết, thế giới thấy cần phải có một ràng buộc chặt chẽ hơn về pháp lý buộc các nước cam kết phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

Vì vậy đã dẫn đến Hội nghị tại Côpenha ghen (Đan Mạch) tháng 12 năm 2009. Hội nghị này cũng không mang lại kết quả như mong đợi. Không có một văn bản ràng buộc pháp lý nào về nghĩa vụ cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính được thông qua, khoản viện trợ cho các nước nghèo để ứng phó với BĐKH quá ít so với tính toán.

 

Tại sao trước thách thức cả loài người nhận thấy mà vẫn không thống nhất được biện pháp giải quyết? Nghị quyết đưa ra tại các diễn đàn này phải là đồng thuận, toàn bộ các bên tham gia phải cùng nhất trí. Thế giới không phải là một gia đình, một dòng họ, một quốc gia.

 

Tổn hại do BĐKH gây ra không đồng đều với các quốc gia trên thế giới mà chủ yếu rơi vào các nước nghèo, ven biển, nhất là các nước có độ cao gần bằng mực nước biển cuối thế kỷ này có thể bị nhấn chìm. Tổn hại do BĐKH gây ra có mặt đã rõ rệt, có mặt ảnh hưởng từ từ.

 

Các nước phát triển thừa nhận rằng qua mấy trăm năm phát triển công nghiệp, họ đã phát thải một lượng lớn khí nhà kính vào khí quyển, nhưng họ cũng cho rằng các nước mới trỗi dậy cũng phát thải một lượng khí nhà kính không ít do đốt nhiên liệu và phá rừng. Trái đất là của tất cả mọi người sống trên đó nhưng cũng không phải của riêng ai và như tục ngữ “cha chung không ai khóc”, vì vậy việc giữ gìn trái đất bị đùn đẩy, né tránh, không vội vã như những lợi ích cấp thiết khác.

 

Việt Namon> được xếp vào một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của BĐKH. Chính vì vậy, Nhà nước ta đã phê chuẩn sớm Công ước BĐKH và Nghị định thư Kyoto. Ngày 02 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định “Phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”, thực hiện từ năm 2009 đến năm 2015.

 

Thái Bình là tỉnh ven biển nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, đã và sẽ còn chịu ảnh hưởng nặng của BĐKH. Tiềm năng của tỉnh là sản lượng thóc hàng năm trên một triệu tấn, nguồn lợi hoa màu, thuỷ sản dồi dào. Bất lợi do thời tiết gây ra thường gặp hàng năm là bão lũ, mưa lớn, mặn xâm nhập, hạn hán. Những thiên tai mang tính cực đoan này ngày càng thường xuyên hơn, mức độ trầm trọng hơn ảnh hưởng nhiều đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nhận biết rõ điều đó nên ngày 01 tháng 12 năm 2009, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 2834 thành lập “Ban chỉ đạo chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Thái Bình”.

 

Đài Truyền hình Việt Nam dành riêng chương trình VTC 14 từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 để nói về thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên; thiên tai và cách phòng tránh ; BĐKH và giải pháp ứng phó trên bình diện địa phương, ngành, quốc gia, quốc tế.

 

Ảnh hưởng của BĐKH không loại trừ một ai. Bảo vệ môi trường, giữ gìn trái đất xanh, sạch, đẹp, giảm thiểu tác hại của BĐKH là giữ gìn cuộc sống cho chính chúng ta và con cháu mai sau. Được sự tư vấn của Bộ chủ quản, sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, mỗi cá nhân, tổ chức, các cấp chính quyền tích cực tham gia vào việc ứng phó với BĐKH.

K.s Trần Văn Nghênh

Giám đốc

Trung tâm Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày