Chủ nhật, 04/08/2024, 19:23[GMT+7]

Quảng cáo ngoài trời: “Mở trước, thắt sau” có kịp?

Thứ 4, 11/08/2010 | 16:04:07
734 lượt xem
Theo Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL), việc ra đời của Luật Quảng cáo là rất cần thiết, tạo ra hành lang pháp lý ngăn chặn các loại quảng cáo “bẩn” như quảng cáo rao vặt, khoan cắt bê tông… trên tường, kiểm soát tình trạng quảng cáo lộn xộn, nhất là các quảng cáo ngoài trời. Song quản lý và kiểm soát hoạt động quảng cáo ngoài trời không phải là câu chuyện đơn giản.

Ảnh minh họa

Dự luật quảng cáo “vênh” luật báo chí?

Dù đã đưa ra để Bộ Tư pháp thẩm định, song đến thời điểm này vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm quảng cáo. Theo quan điểm của Bộ VH-TT-TT, quảng cáo nên bao hàm cả hoạt động có mục đích sinh lời và không sinh lời. Quảng cáo không có mục đích sinh lời là các quảng cáo  như kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, kế hoạch hóa gia đình…

 Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, quảng cáo là phải sinh lời, không có tính sinh lời thì không nên coi là quảng cáo mà chỉ là tuyên truyền. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, cần phải đưa quảng cáo về đúng bản chất của nó. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-TT Huỳnh Vĩnh Ái nói, quảng cáo cũng cần tính đến yếu tố chính trị, văn hóa và thẩm mỹ chứ không chỉ toàn là vì lợi nhuận, thương mại. Tuy dự thảo này mở rộng phạm vi quảng cáo sang quảng cáo không sinh lời song lại chưa có một chương riêng quy định về các vấn đề liên quan đến thủ tục, trình tự quảng cáo mà lại “xếp” chung cùng các quảng cáo thương mại khác.

Về cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, tuy Bộ VH-TT-DL là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ trên song Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý báo chí. Vậy hoạt động quảng cáo trên báo chí thì cơ quan nào sẽ là bên “giơ đầu chịu báng”? Đại diện của Bộ TT-TT cho rằng: “Chúng tôi quản lý về báo chí, cũng phải quản lý cả về nội dung quảng cáo trên báo chí. Nếu dự luật quảng cáo quy định không cần xin phép khi thêm phụ trương quảng cáo… là “vênh” với luật báo chí”. 

Không cần cấp phép quảng cáo, chỉ cần hậu kiểm

Dự thảo Luật Quảng cáo là  xóa bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời vốn lâu nay do Sở VH-TT-DL các địa phương đảm trách. Theo Điều 33 thì “Địa điểm, vị trí, diện tích, kích thước, chất liệu, thời hạn, hình thức bảng quảng cáo phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng; các quy định của pháp luật liên quan và quy hoạch quảng cáo của địa phương”. “Chủ phương tiện quảng cáo, chủ địa điểm treo băng-rôn chịu trách nhiệm về hoạt động quảng cáo trên phương tiện của mình”.

Như vậy, khi doanh nghiệp có nhu cầu dựng bảng quảng cáo, sẽ căn cứ vào quy hoạch và liên hệ thuê đất, xây dựng bảng quảng cáo. Cơ quan quản lý, kiểm soát nội dung, hình thức quảng cáo sẽ thông qua phương pháp hậu kiểm, có thể yêu cầu xóa bỏ nội dung quảng cáo nếu có vi phạm. Dự thảo Luật Quảng cáo cũng đưa ra phương pháp quản lý hậu kiểm đối với quảng cáo trên các phương tiện giao thông, vật thể di động, trên các mạng thông tin máy tính toàn giao thông.

Đại diện của Bộ VH-TT-DL cũng cho rằng, nếu phải đăng ký cấp phép sẽ tạo rào cản lớn đối với các doanh nghiệp. Ví dụ như một tấm biển quảng cáo nhỏ cũng phải xin chữ ký của rất nhiều cơ quan ban ngành như VH-TT-DL, Xây dựng, thậm chí tùy thuộc vào nội dung quảng cáo còn phải xin phép cả bên kiến trúc, y tế… Một quảng cáo doanh nghiệp muốn được sử dụng tại nhiều địa phương nhưng đi đến đâu cũng lại bắt đầu quy trình thủ tục xin phép quảng cáo… y như ban đầu.

Đối với các hình thức quảng cáo khác như trên các loại hình báo chí, cơ quan soạn thảo dự luật này cho rằng, các cơ quan phát hành đã phải tự chịu trách nhiệm về nội dung các quảng cáo đăng, phát trên đó nên không cần phải cấp phép. Còn quảng cáo trên mạng, trong thời điểm công nghệ thông tin chưa phát triển như hiện nay, mỗi ngày có hàng tỷ thông tin quảng cáo được đưa lên mạng internet, do đó làm sao quản lý và cấp phép kịp. Giải pháp mà cơ quan này đưa ra trong luật là hạn chế bằng cách tính phần trăm diện “phủ sóng” của quảng cáo song tính hiệu quả quản lý là không cao.

Quy hoạch quảng cáo – bài toán không dễ giải

Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, quảng cáo ngoài trời (gồm bảng, biển, pano, băng rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động) chỉ chiếm khoảng 10% doanh số của ngành quảng cáo, nhưng có thể nó lại chiếm đến 95% nguồn lực của bộ máy nhà nước cho việc quản lý. Trong khi đó, để có một tấm quảng cáo nhỏ trị giá vài trăm triệu đồng, doanh nghiệp phải chuẩn bị tới hơn 10 loại giấy phép con để xin được cấp giấy phép cho việc lắp đặt bảng quảng cáo ngoài trời.

Qua quá nhiều thủ tục, giấy tờ với rất nhiều chữ ký, con dấu, song những tấm biển quảng cáo ngoài trời gây ra nhiều lộn xộn, làm mất mỹ quan. Và hoạt động quảng cáo vẫn trong tình trạng "mạnh ai nấy làm". Vậy khi không có “chế độ” chầu chực để xin được giấy phép quảng cáo, tình trạng lộn xộn, vi phạm về quảng cáo có giảm hay không? Tất cả dường như trông chờ vào quy hoạch, nhưng quy hoạch tại địa điểm hay tuyến đường nào cũng “tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương”. Bộ VH-TT-DL cho rằng, nếu như quy hoạch ổn, việc cắm biển quảng cáo ở đâu được xác định rõ, không cần chờ đợi hay nảy sinh bất đồng giữa các cơ quan, ban ngành. “Điều quan trọng là cần có quy hoạch đối với hoạt động quảng cáo nói chung, nếu không quy hoạch quảng cáo sinh lời sẽ lấn át quảng cáo không sinh lời”, ông Ái nói.

Quảng cáo tại Việt Nam không còn là điều mới lạ, không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mà nhiều tỉnh, thành cũng tính đến quy hoạch song quy hoạch thực sự hiệu quả dường như vẫn thiếu. Với các quy hoạch từng có trước đó, doanh nghiệp cứ kêu trời rồi tiếp tục lách luật, hay cứ “thản nhiên” vi phạm vì sợ phạt hợp đồng hơn là bị cơ quan nhà nước phạt. Vậy khi quy hoạch chưa phù hợp, giấy phép được bỏ, công tác hậu kiểm là kiểm tra những cái đã rồi, thì quảng cáo ngoài trời ở Việt Nam sẽ đi về đâu?

Theo bao nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày