Chủ nhật, 25/08/2024, 07:45[GMT+7]

Tăng lương, liệu có...tăng lo!?

Thứ 6, 22/04/2011 | 16:46:45
1,337 lượt xem
Từ 1/5 mức lương tối thiểu sẽ là 830.000đ, tăng 100.000đ so với mức cũ. Tính trung bình một người hưởng lương từ ngân sách tăng thu nhập khoảng 300.000- 350.000đ/tháng. Mừng thì mừng đấy, nhưng không phải là không canh cánh nỗi lo mặt bằng giá cả sẽ tiếp tục bị đẩy lên sau "cuộc biến" của “tỷ giá”, giá xăng, giá điện…

Các gian hàng hải sản ế ẩm do giá cao, vắng bóng khách hàng.

Vợ chồng chị H. (phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) đều là viên chức nhà nước. Lần tăng lương tới, hai người có thêm khoảng 800 ngàn đồng. Chị H. nhẩm tính không phải lo ba khoản chi thường xuyên hàng tháng, đó là tiền thuê nhà cho người con đang theo học trên Hà Nội và tiền điện, nước.

 

Tốt nghiệp đại học, S. (Thị Trấn Tiền Hải) mới vào làm việc ở một cơ quan nhà nước nên mức tăng chỉ trên 200 ngàn. Tuy vậy, S. vẫn phấn khởi tâm sự: "số tiền tuy ít, chỉ giải quyết được khâu ăn sáng nhưng đó là sự ghi nhận công sức của người lao động và cũng là cố gắng lớn của Nhà nước trong hoàn cảnh hết sức khó khăn hiện nay". Tôi hiểu S. muốn nói đến việc trong khi phải chống chọi với lạm phát kinh tế, thực hiện thắt chặt chính sách tài khoá, cắt giảm chi tiêu công mà Nhà nước vẫn "duyệt chi" 27.000 tỷ đồng, tức là chiếm khoảng 3,7% tổng chi ngân sách nhà nước trong năm 2011.

 

Cũng có niềm vui như S. và chị H. nhưng việc tăng lương chưa khoả lấp được nỗi âu lo của không ít người bởi bài toán quy luật muôn thưở: lương tăng- giá tăng. Thực tế cứ mỗi lần tăng lương là một lần giá cả lại được dịp "vỗ cánh bay lên". Còn nhớ, những ngày đầu năm, khi giá xăng tăng thì ngay lập tức giá các mặt hàng khác, kể cả những mặt hàng chả dính gì đến xăng dầu cũng tăng. Các mẹ, các chị đi chợ đều chóng mặt vì các mặt hàng rau, thịt, cá… cứ đua nhau "nhảy nhót", đành ngậm ngùi vừa mua vừa ca thán đúng là "té giá theo… xăng".

 

Một bạn đồng nghiệp cho tôi biết, anh thường xuyên phải đi tuyến Thái Bình- Hà Nội, giá vé 55.000đ/vé, xăng tăng lần 1 vé lên 65.000đ; tăng lần hai lên 75.000đ, tức giá vé tăng trên 36%, trong khi lương và công tác phí vẫn… nguyên bản. Xăng tăng hai lần, điện cũng chẳng chịu kém, tăng gần 16%. Một lần nữa, lương lại gồng mình lên để gánh các khoản chi. Giờ nghe lương sắp tăng, đi đâu cũng thấy các "nhà cung cấp" lại rục rịch tăng giá theo … lương. Thường xuyên mua bánh mỳ cho con ở cổng trường Kỳ Bá, khi hỏi về việc bánh mỳ từ 2.000đ/cái lên giá thành 2.500đ/cái (25%), bà chú cửa hàng đủng đỉnh trả lời với giọng rất "thời sự": "Xăng nó lên chú ạ! Sắp tới lương tăng, giá có khi lên 3.000đ/cái".

 

Nguy cơ chưa kịp hưởng lương mới thì giá đã tăng, khiến cho mặt bằng giá đã được tạo lên từ trước lương tăng, từ đó việc lương tăng chưa chắc đã "nói lên điều gì". Trong khi, lương tăng thì chắc chắn các khoản chi khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… phải cao hơn. Anh H. trưởng phòng tổ chức của một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nói với tôi, đơn vị anh hưởng lương theo sản phẩm, mức lương hàng tháng đã vượt lương tối thiểu, giờ tăng lương theo tối thiểu quy định thì lương của người lao động chẳng những không tăng mà còn phải chi thêm tiền cho các loại hình bảo hiểm.

 

Một số doanh nghiệp khi bắt buộc phải tăng lương trong khi lợi nhuận, doanh thu không tăng đã "đẻ" ra nhiều thiết chế chú trọng khâu bắt lỗi phạt tiền, nhằm "trừ đầu, trừ đuôi" thu nhập của người lao động. Không thể phủ nhận, lương tối thiểu có ý nghĩa lớn đối với công tác đảm bảo an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người lao động, thế nhưng, mấy năm gần đây tiền lương danh nghĩa của người lao động tăng, song không bù được tốc độ trượt giá và nhu cầu cải thiện đời sống người lao động. Hệ luỵ của nó cũng đã được báo cáo của các cơ quan chức năng khẳng định: người tài bỏ cơ quan nhà nước ra làm việc cho khu vực kinh tế khác, trình độ đội ngũ cán bộ công chức ở nhiều địa phương vênh nhau, có nơi có lúc nảy sinh tệ nạn công chức nhằm vào "bổng" nhiều hơn vào lương..." Nhà nước tăng lương không bằng thị trường tăng giá".

 

Hạn chế sự gia tăng  của chỉ số giá tiêu dùng chính là vấn đề cần quan tâm hàng đầu nhằm đáp ứng sự mong mỏi của người dân. Có như vậy, người dân sẽ không phải vật lộn "leo thang" cùng giá cả khi đồng lương tăng chưa tới. Có ý kiến cho rằng lương tăng lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá vì giá đã.. quá cao. Hy vọng nhận định này đúng, để đồng lương thật sự có ý nghĩa với người lao động!

 

Bài, ảnh: Phan Đức Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày