Thứ 2, 22/07/2024, 18:45[GMT+7]

Quản lý tem CR đang bị thả nổi

Thứ 2, 25/04/2011 | 08:13:17
1,268 lượt xem
Trước sự hoành hành của đồ chơi trẻ em (ĐCTE), hàng điện tử và mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng, việc thống nhất sử dụng một loại tem kiểm định chất lượng (CR) là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thuận lợi cho việc quản lý chất lượng các mặt hàng trên. Tuy nhiên, sau gần một năm thực hiện quy định thống nhất CR, việc quản lý các mặt hàng vẫn là bài toán khó giải đối với các cơ quan chức năng.

Cơ sở sản xuất hàng điện tử Thiên Thuận.

Theo quy định, kể từ ngày 01/6/2010, 6 loại thiết bị điện và điện tử, bao gồm: dụng cụ điện đun nước nóng tức thời, dụng cụ điện đun nước nóng và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm đầu, ấm đun nước, nồi cơm điện, quạt điện trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy CR.

 

Từ ngày 01/7/2010, dấu CS và tem “đã kiểm tra” sẽ hết hiệu lực sử dụng. Tất cả các MBH sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường thống nhất sử dụng dấu hợp quy CR. Từ ngày 15/9/2010, đồ chơi dành cho trẻ em dưới 16 tuổi sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy CR.

 

Từ ngày 01/01/2011, 7 loại thiết bị điện và điện tử (bàn ủi, lò vi sóng, lò nướng điện, dây và cáp điện, máy sấy khô tay, bình pha trà và cà phê, ấm điện loại dùng que đun chìm trong nước) cũng phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn tem CR. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chất lượng hàng hoá thực tế khi kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy với hàng hoá đang lưu thông trên thị trường còn có sự chênh lệch về chất lượng, nhất là mặt hàng ĐCTE, MBH. Phần lớn ĐCTE lưu thông trên thị trường tỉnh Thái Bình đều có xuất xứ từ Trung Quốc, nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch, không dán tem kiểm định chất lượng sản phẩm, hoặc nếu có dán tem thì chỉ là tem photo, tem không đúng chủng loại nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.

 

Các mặt hàng ĐCTE sau khi được “tung” ra thị trường, cơ quan chức năng không thể thu hồi để kiểm tra chất lượng cũng như không thể buộc người bán lẻ mang hàng đến cơ quan chức năng để được kiểm tra, cấp giấy chứng nhập hợp quy. Hơn nữa, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn xử lý, xử phạt đối với mặt hàng ĐCTE không dán tem hợp quy. Điều này khiến cho việc quản lý chất lượng an toàn ĐCTE còn là bài toán khó, gần như là một việc “hão huyền” cho các cơ quan chức năng. Một thực trạng nan giải khác là vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, cửa hàng kinh doanh tự gắn tem thật trên các mặt hàng nhập lậu, không bảo đảm an toàn cho trẻ em nhằm hợp thức hoá lô hàng.            

 

Đối với mặt hàng MBH, rất nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất đã đăng ký hợp chuẩn, hợp quy, dán tem CR nhưng vẫn không hút khách hàng bằng mũ kém chất lượng, không có tem CR. Bởi một bộ phận người dân vẫn ham mua “của rẻ” hoặc mua cho xong, cốt tránh bị xử phạt. Nắm được tâm lý, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt lợi nhuận lên hàng đầu đã tung ra thị trường hàng loạt chủng loại MBH không đạt chất lượng, với giá bán chỉ từ 30.000- 35.000 đồng/chiếc; trong khi sản phẩm MBH chất lượng giá từ trên 100.000 đồng/chiếc.

 

Theo quy định, sau khi các sản phẩm ĐCTE, MBH, hàng điện tử đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thì việc gắn dấu hợp quy CR do doanh nghiệp tự in, tự gắn. Đó cũng là một kẽ hở, liệu chiếc tem giấy được gắn  trên ĐCTE, MBH, hàng điện tử có thật không? Lỗ hổng quản lý tem CR đang là mối lo thật sự không chỉ với người tiêu dùng mà ngay cả những nhà quản lý, doanh nghiệp kinh doanh. Hơn nữa, việc xử lý của cơ quan kiểm tra chất lượng trên thị trường chỉ được phép yêu cầu dừng lưu thông, thông tin cảnh báo.

 

Việc xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu, tiêu huỷ không thuộc thẩm quyền của cơ quan kiểm tra chất lượng mà phải chuyển hồ sơ và phối hợp với các cơ quan thanh tra, quản lý thị trường xử lý. Trong khi đó, cơ quan thanh tra chuyên ngành KH&CN có đầy đủ them quyền xử lý nhưng hoạt động hạn chế vì không thể thanh tra thường xuyên mà phải theo chương trình, kế hoạch, không quá 1 lần/năm về cùng nội dung, thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm.

 

Việc dán tem là để khẳng định sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn trong sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, để hoạt động này thực sự có hiệu quả thì người tiêu dùng phải ủng hộ, phải mua và sử dụng những sản phẩm có dán tem CR.

 

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày